e magazine
Đầu tư tiết kiệm năng lượng vì mục tiêu bảo vệ môi trường

15:52 | 20/06/2024

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp cho chính doanh nghiệp mà còn góp phần làm tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính, duy trì môi trường bền vững. Tuy nhiên, nhu cầu vốn lớn trong dài hạn đang là những khó khăn cản bước quá trình này.

Phụ tải tăng cao, cung ứng điện chịu nhiều áp lực

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc ngày 28/5 đã đạt đỉnh kỷ lục mới là 1,0019 tỷ kWh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày vượt 1 tỷ kWh. Trong khi đó, theo số liệu cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn quốc 5 tháng ước đạt 124,2 tỷ kWh, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2023; điện thương phẩm 5 tháng ước đạt 110,24 tỷ kWh, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Để có được nguồn điện "khổng lồ" trên, ngành điện đã phải huy động tối đa mọi nguồn lực. Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành điện đã sử dụng tất cả các nguồn điện hiện có. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã huy động cao việc sử dụng nhiệt điện, điện năng lượng tái tạo.

Theo ước tính, nhiệt điện than đang cung cấp khoảng 60% sản lượng điện, các nguồn năng lượng tái tạo có thể cung cấp 16% sản lượng, còn thủy điện chỉ cung cấp khoảng 12%. Trong bối cảnh các hồ thủy điện luôn được tích nước ở mức cao và vận hành tiết kiệm để dồn lực dự phòng cho mùa khô - mùa cao điểm dùng điện năm 2024, Bộ Công Thương phải tăng cường nhập khẩu điện từ Lào. Dù đã có nhiều phương án dự phòng nhưng theo các chuyên gia dự báo, nguy cơ thiếu điện trong cao điểm hè vẫn luôn hiện hữu.

Do đó, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực rất mong bên cạnh sự nỗ lực cùng nhiều giải pháp của cơ quan quản lý, các đơn vị cung ứng điện thì quý khách hàng là doanh nghiệp, người dân cũng nhiệt tình thực hiện việc tiết kiệm điện năng, chia sẻ gánh nặng trong mùa sử dụng điện cao điểm, tránh phát sinh những sự cố, gây ảnh hưởng chung.

Tiết kiệm năng lượng là giải pháp kịp thời và ít chi phí nhất

Trước tình hình đó, đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho rằng, tiết kiệm điện và tiết kiệm năng lượng là các giải pháp quan trọng, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn, giúp giảm áp lực trong việc khai thác và cung ứng năng lượng cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường. Việc tiết kiệm điện không những tốt cho bản thân khách hàng sử dụng điện và cũng đảm bảo cho việc sử dụng điện, an ninh năng lượng tốt hơn.
Cùng chung nhận định này, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)phân tích, chi phí để thực hiện các giải pháp tiết kiệm 1kW công suất điện rẻ hơn rất nhiều so với chi phí để sản xuất và truyền tải 1kW công suất điện tới người tiêu dùng cuối cùng. Trong khi đó, nước ta là quốc gia có tỉ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả bằng một số nước khác.

Ví dụ, so sánh theo hệ số quy đổi, để làm ra 1.000 USD, Việt Nam cần 376 tấn dầu quy đổi, trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn, riêng các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thì con số này là khoảng 104 tấn, với Singapore là 99 tấn, Nhật Bản là 90 tấn. Như vậy, để có 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện. Nếu thực hiện toàn diện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, Việt Nam có thể tránh không phải xây dựng khoảng 12GW các nguồn phát mới.

Trong đó, Việt Nam chỉ cần áp dụng các biện pháp hợp lý hóa quy trình sản xuất; thay thế, cải tạo, nâng cấp các thiết bị cũ, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao… là đã có thể tiết kiệm từ 15-30% nguồn năng lượng hiện hữu tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất. Bên cạnh đó, dư địa tiết kiệm điện từ phía hộ gia đình tiêu dùng điện sinh hoạt vẫn còn khoảng từ 15-30%. Nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng thì khả năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam còn cao hơn nhiều.

Doanh nghiệp chủ động đầu tư cho tiết kiệm năng lượng

Xác định được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các chuyên gia đánh giá, Việt Nam đã sớm ban hành các chính sách, khung pháp lý về sử dụng năng lượng. Theo đó, ngày 26/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 893/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh vai trò của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với mục tiêu tiết kiệm năng lượng đạt khoảng 8-10% vào năm 2030 và khoảng 15-20% vào năm 2050 so với kịch bản thông thường.
Để đạt được mục tiêu này, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã tăng đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo. Là một trong số những doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng có nhu cầu tiêu thụ năng lượng lớn, từ năm 2019, Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu thuộc Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) đã đẩy mạnh đầu tư hệ thống, thiết bị tiết kiệm năng lượng. Theo đó, doanh nghiệp này đã đầu tư hệ thống điện mặt trời được lắp đặt tại các mái nhà xưởng của công ty với 24.892 tấm quang năng, tổng công suất đặt 14.312,79 kWp, đáp ứng được 10,95% sản lượng điện tiêu thụ; thành lập các dự án cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính; xây dựng KPI khuyến khích người lao động tích cực tham gia sáng kiến cải tiến nhằm tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Không chỉ khối sản xuất, các doanh nghiệp dịch vụ cũng có giải pháp đầu tư tiết kiệm năng lượng của riêng mình.

Bà Hồ Thị Diệu Thảo, Quản trị viên tòa nhà Techcombank Tower - nơi đặt trụ sở chính của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) - cho biết: Mước nóng trong tòa nhà được sản xuất thông qua nhiệt thu hồi từ 1 chiller Daikin bên hệ thống điều hòa không khí nên không cần phải dùng năng lượng cho hệ thống này; toàn bộ hệ thống chiếu sáng của tòa nhà đều sử dụng đèn LED, hệ thống thang máy có biến tần với bộ điều khiển thông minh từ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tự động nhận biết và điều chỉnh tốc độ di chuyển, tránh ùn tắc, tiết kiệm điện năng; tòa nhà còn đưa vào hệ thống BMS sẽ tự cảnh báo mỗi khi thông số vận hành đạt đến ngưỡng giá trị cài đặt, giúp giảm thiểu lãng phí năng lượng...

Nhờ áp dụng những giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, tòa nhà Techcombank Tower có mức tiết kiệm năng lượng tổng thể đạt 35-40% so với những giải pháp công nghệ cũ. Nhờ vậy, đây là một trong 16 công trình được Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn “Năng lượng xanh 5 sao” trong năm 2023.

Thách thức ở chi phí đầu tư

Cũng ấp ủ nhiều kế hoạch đầu tư cho tiết kiệm năng lượng, song ông Lâm Kiến Vũ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Vũ chia sẻ, doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở bước tiết kiệm "truyền thống" như hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; tuyên truyền đến người lao động về kiến thức tiết kiệm năng lượng... mà chưa thực sự đầu tư nghiêm túc cho tiết kiệm năng lượng. Bởi, muốn tăng hiệu quả tiết kiệm năng lượng thì cần thay đổi, đồng bộ quy trình sản xuất, máy móc, công nghệ tiêu hao ít năng lượng.

Trong khi đó, để thay thế toàn bộ các thiết bị lạc hậu bằng các công nghệ ít tiêu hao năng lượng hơn sẽ khiến doanh nghiệp phải tiêu tốn ít nhất 30 tỷ đồng, chưa kể chi phí đào tạo lại nhân lực để vận hành, bảo trì hệ thống mới. Đây là con số quá lớn, vượt quá khả năng của doanh nghiệp nên giải pháp này vẫn chưa thể triển khai.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Chu Bá Thi, Chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng khẳng định, khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp trong đầu tư dự án tiết kiệm năng lượng chủ yếu đến từ sự thiếu vốn chuyển đổi công nghệ, chẳng hạn như để lắp đặt các thiết bị, hệ thống tiêu thụ năng lượng hiệu suất cao, thu hồi nhiệt thải, tích hợp năng lượng tái tạo… đều cần một nguồn vốn lớn. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn tài chính cho đầu tư là một thách thức đổi với đa số các doanh nghiệp trong nước.

Từ kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, ông Lê Vũ Minh, Giám đốc Tư vấn FPT Digital cho biết, điều đáng mừng là hiện đã có một số quỹ có những cam kết ban đầu về hỗ trợ nguồn vốn, tập trung vào những dự án tiết kiệm năng lượng, chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững tiên phong; Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ đầu tư vào hệ thống tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi năng lượng bền vững bằng các gói tài trợ, thuế, nhất là các gói tín dụng xanh từ ngân hàng.

Cơ hội tìm vốn từ tín dụng xanh

Nói đến nguồn vốn dành để đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia khẳng định, cơ hội cho người dân, doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này đến từ tài chính xanh. Tài chính xanh đã được triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm, hiện hành lang pháp lý cho tài chính xanh bao gồm tín dụng xanh, cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh dần được hoàn thiện. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có những hướng dẫn về tín dụng xanh, Bộ Tài chính có hướng dẫn về trái phiếu xanh và sắp tới là cổ phiếu xanh.
Qua tổng kết, đánh giá giai đoạn 2014-2020 và theo dõi từ 2021 đến nay, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, các tổ chức tín dụng đã có sự thay đổi về nhận thức hướng tới phát triển bền vững. Nhiều tổ chức tín dụng, trên cơ sở quy định của NHNN, đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng. Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm.

Đến 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh được NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tín dụng tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Để có được kết quả trên, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, NHNN cũng đã chủ động lồng ghép, xây dựng các đề án, chương trình tín dụng góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng đa dạng sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh, góp phần thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; NHNN thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng trong thực hiện tín dụng - ngân hàng xanh…
https://cdn.thoibaonganhang.vn/stores/news_dataimages/2024/062024/20/11/620240620111132.jpg
Trước những yêu cầu cấp thiết được đặt ra và định hướng của NHNN, các ngân hàng cũng tích cực hành động bằng nhiều giải pháp. Đơn cử, từ đầu năm 2024, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng triển khai gói tín dụng xanh khoảng 2.000 tỷ đồng, ưu tiên tài trợ cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh thuộc danh mục xanh hoặc thuộc danh mục xã hội như năng lượng tái tạo (điện mặt trời); sử dụng năng lượng hiệu quả; công trình xanh; giao thông vận tải sạch... với mức lãi suất chỉ từ 6%/năm cho các khoản vay ngắn hạn và dài hạn, được miễn giảm phí trả nợ trước hạn... Với những nỗ lực của mình, ACB trong 2 năm liên tiếp lọt Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu Việt Nam.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và WB ký hợp đồng bảo lãnh Quỹ Khí hậu xanh (GCF) Bảo lãnh tín dụng cho đầu tư hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam với tổng giá trị 75 triệu USD. SHB tham gia dự án với vai trò là ngân hàng phát hành bảo lãnh cho các ngân hàng tham gia cấp tín dụng cho các dự án vốn vay đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng tiếp cận Quỹ. Ngân hàng tích cực, chủ động tiếp cận các nguồn vốn xanh của các định chế tài chính quốc tế (WB, ADB, KfW, JICA), xem xét phát hành trái phiếu xanh,… nhằm tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam, đặc biệt là các dự án năng lượng xanh. Không chỉ tín dụng xanh, trái phiếu xanh và cổ phiếu xanh cũng đang từng ngày góp sức nhằm gia tăng nguồn vốn cho tiết kiệm năng lượng.

TS. Cấn Văn Lực thông tin, giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh (trong đó, EVNFinance phát hành 1.725 tỷ đồng năm 2022; BIDV phát hành 2.500 tỷ đồng năm 2023). Đối với trái phiếu xanh, Việt Nam đang từng bước thực hiện Sáng kiến Sở giao dịch chứng khoán bền vững (Sustainable Stock Exchanges Initiative – SSE) được thành lập năm 2009; Chỉ số phát triển bền vững (VNSI) đã được vận hành từ năm 2017, gồm 20 công ty niêm yết có điểm bền vững cao nhất trên HOSE. Tăng trưởng về lợi nhuận của các công ty trong bộ chỉ số VNSI có hiệu quả cao hơn so với bình quân của VN-Index...

Rõ ràng đây cơ hội là rất lớn để người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn lực tài chính, nhất là nguồn vốn có chi phí và ưu đãi hấp dẫn, mang lại hiệu quả thiết thực hơn trong lâu dài; nền kinh tế phát triển bền vững hơn, bao trùm hơn.
Tuy nhiên, chia sẻ về một số khó khăn trong quá trình triển khai, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, với đặc thù là hệ thống chi nhánh của ngân hàng rộng lớn, chi phí vốn bình quân đầu vào của Agribank cao hơn so với nhiều ngân hàng thương mại khác, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của kinh tế xanh cần nguồn vốn dài hạn, chi phí thấp...

Hơn nữa, đại diện lãnh đạo một ngân hàng khác chia sẻ, hiện chưa có hành lang pháp lý yêu cầu bắt buộc phải sử dụng hiệu quả năng lượng trong các dự án xanh, phát triển bền vững nên nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận tiêu tốn nhiều năng lượng để tiếp tục quy trình sản xuất cũ để tiết kiệm chi phí. Một trong những khó khăn lớn nhất của ngành Ngân hàng hiện nay trong thúc đẩy tín dụng xanh là chưa có danh mục phân loại “xanh quốc gia”.

Chính vì khuôn khổ pháp lý chưa được hoàn chỉnh nên TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hệ thống ngân hàng cũng khó có cơ sở pháp lý, có căn cứ để thực hiện các công việc tiếp theo. Điều này rất khó trong các ngân hàng xác định định mức, quy mô đầu tư, xây dựng và triển khai các chính sách, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp. Bên cạnh đó, trái phiếu xanh cũng còn thiếu các hướng dẫn chi tiết của các cơ quan chức năng cơ chế quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn; hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng nhà đầu tư…trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn chưa hoàn thiện; chưa có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành và đầu tư trái phiếu xanh. Cổ phiếu xanh cũng chưa thực sự phổ biến trên thị trường, chưa mang nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp, nhà đầu tư và đang tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện hiện tượng lợi dụng nhãn mác xanh.

Cần sự phối hợp giữa các nguồn lực tài chính

Trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần có thứ tự ưu tiên trong cấp tín dụng xanh, ưu tiên thành thị trước mới đến khu vực nông thôn vì thành thị chiếm đến 78% dùng năng lượng và 60% lượng phát thải khí; tăng cường sự phối kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp; không chỉ tín dụng xanh, ngân hàng xanh mà còn cần có các giải pháp khác như tài chính xanh, cổ phiếu xanh, quỹ xanh và nhiều thứ khác cùng hỗ trợ. Đặc biệt, Nhà nước cần giữa vai trò chủ trì, dẫn dắt, có nhiều chính sách ưu đãi khi doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đầu tư nhiều hơn vào các dự án chuyển đổi năng lượng xanh, gắn với năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...

Cuối cùng, vai trò của truyền thông cũng rất quan trọng, Việt Nam muốn tăng trưởng xanh thì nhận thức về tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi năng lượng bền vững cũng cần được nâng cao, do đó truyền thông sẽ giải quyết được vần đề này từ đó điều chỉnh hành vi về đầu tư, tiêu dùng, sản xuất xanh hơn, tiết kiệm năng lượng hơn.

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng, bà Nguyễn Thị Phượng còn cho rằng, doanh nghiệp rất cần nguồn vốn hỗ trợ từ các cơ chế chính sách ưu đãi khác của Nhà nước, các quỹ hỗ trợ ưu đãi với thời gian vay vốn đủ dài để doanh nghiệp có thể thực hiện được mục tiêu về điều chỉnh chiến lược, điều chỉnh công nghệ trong dài hạn một cách hiệu quả hơn. Để thay đổi được nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu dùng cần các cơ chế đồng bộ từ các cơ quan, Bộ, ngành, trước hết là chính sách cần tuyên truyền đến cộng đồng, dư luận xã hội. Ngoài các cơ chế hỗ trợ cũng cần những chế tài kiểm tra, giám sát và những quy định mang tính pháp lý cao hơn để tính tuân thủ được thực hiện một cách nghiêm túc và công bằng, minh bạch, để mọi doanh nghiệp khi tiếp cận với các giải pháp xanh sẽ được triển khai hiệu quả.
Để có thể đánh giá, thẩm định cho vay, ngân hàng cũng rất cần những hướng dẫn về bộ chỉ tiêu về đo lường hiệu quả của các dự án đầu tư như chỉ tiêu về công nghệ, tiết kiệm năng lượng, tác động môi trường, giảm phát thải... đặc biệt là chỉ tiêu kỹ thuật từ các cơ quan, bộ, ngành... để các ngân hàng thuận lợi hơn trong quá trình thẩm định cho vay, đảm bảo các dự án được thực hiện đúng mục tiêu, đúng trọng điểm và đúng định hướng chiến lược của Chính phủ cũng như của NHNN, bà Nguyễn Thị Phượng đề xuất.

Giải pháp về nguồn vốn đã có nhưng để các chương trình sử dụng tiết kiệm năng lượng ngày càng được lan tỏa, được triển khai sâu rộng trong thực tiễn đời sống xã hội theo ông Võ Quang Lâm cần quan tâm đến vấn đề tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng cho người dân, doanh nghiệp; ứng dụng nhiều công nghệ để việc tiết kiệm điện được thực hiện một cách sinh động, hiệu quả hơn và đặc biệt là phải tạo sự tương tác giữa các đơn vị cung cấp điện, người sử dụng điện.

Quan trọng hơn rất nhiều, đó là các giải pháp để làm tốt công tác dự báo, kiểm toán năng lượng và thực thi các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm. Qua đó góp phần cùng các cấp, các ngành lan tỏa sâu rộng các chương trình, giải pháp, biện pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế.
Bài viết: Hương Giang
Ảnh: Hương Giang - Hoàng Long
Trình bày: Lê Thành

Có thể bạn quan tâm

Cần quy định rõ các hình thức mua bán điện trực tiếp

Cần quy định rõ các hình thức mua bán điện trực tiếp

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn; trong đó quy định rõ các hình thức mua bán điện trực tiếp.
Ngành điện "chạy đua" với nắng nóng

Ngành điện "chạy đua" với nắng nóng

Để đảm bảo cung ứng điện ổn định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục đôn đốc các đơn vị tập trung lực lượng tại các công trường, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm.
Cơ hội và thách thức đối với kinh doanh xe điện

Cơ hội và thách thức đối với kinh doanh xe điện

Lựa chọn xe điện kinh doanh là phù hợp với hướng đi của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích cụ thể, rõ ràng cho cả doanh nghiệp và người dùng xe điện để thúc đẩy chuyển đổi.
Phiên bản di động