e magazine
[eMagazine] Ngân hàng số: Từ nhu cầu đổi mới đến cách mạng công nghệ - Kỳ II

08:00 | 29/12/2019

Xác định, chuyển đổi số là cuộc chơi tốn kém đối với các ngân hàng bởi tiền đổ vào công nghệ không biết bao nhiêu là vừa vì nó rất đắt đỏ. Trong khi đó, đối với mỗi ngân hàng, KPI lớn nhất của họ luôn là lợi nhuận. Song đến thời điểm này, bản thân các ngân hàng cũng hiểu rằng, lợi nhuận là ngắn hạn, còn chuyển đổi số là tích lũy cho tương lai.

KỲ II: NGÂN HÀNG VỚI CUỘC ĐUA SỐ

Xác định chuyển đổi số là cuộc chơi tốn kém đối với các ngân hàng, bởi tiền đổ vào công nghệ không biết bao nhiêu là vừa vì nó rất đắt đỏ. Trong khi đó, đối với mỗi ngân hàng, chỉ tiêu đánh giá hiệu quả luôn là lợi nhuận. Song, đến thời điểm này, bản thân các ngân hàng cũng hiểu rằng, lợi nhuận là ngắn hạn, còn chuyển đổi số là tích lũy cho tương lai.

KHÔNG THỂ ĐỨNG NGOÀI CUỘC CHƠI


Trao đổi với phóng viên, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết ở nước ngoài, nếu số hóa thành công, một ngân hàng đang ở top 10 thậm chí có thể vươn lên top 1 trong thời gian ngắn. Điều này lý giải vì sao dù cuộc chơi này dự báo ngốn không ít kinh phí của ngân hàng, nhưng các ngân hàng rất… chịu chi.

Lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận việc áp dụng công nghệ số đang trở thành một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh, thậm chí sẽ quyết định sự sống còn của ngân hàng.

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng không che giấu tham vọng mong muốn OCB trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu ở Việt Nam: OCB muốn chuyển hướng hoạt động ngân hàng số là một lĩnh vực kinh doanh thực sự chứ không đơn thuần chỉ là dịch vụ tăng thêm, nên ngân hàng đầu tư rất kỹ lưỡng, bài bản. Ngoài lộ trình rõ ràng, ngân hàng đã sẵn sàng một ngân sách đủ lớn để đầu tư cho hệ thống công nghệ, nguồn nhân lực và các công nghệ tiên tiến trên thị trường… để đảm bảo triển khai hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Theo báo cáo khảo sát của NHNN, có khoảng 94% các TCTD đã và đang tiếp cận, theo đuổi chiến lược số hoá hoạt động ngân hàng. Trong số 94% ngân hàng nói trên, có 59% đã bước đầu triển khai ngân hàng số trong thực tế; 35% đang nghiên cứu xây dựng chiến lược, còn lại 6% đã đưa vào kế hoạch thực hiện trong tương lai.

Nhưng, để chuyển đổi số thành công thì ngoài vấn đề chi phí còn cần một sự đồng lòng, nhất chí của lãnh đạo ngân hàng mới đạt được hiệu quả cao nhất, Phó Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Minh Tâm cho hay.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ lý do vì sao ngân hàng này có thể mạnh tay đầu tư ngân hàng số, đó là vì ban lãnh đạo ngân hàng không "so đo" về đầu tư công nghệ. Họ xác định lợi nhuận là ngắn hạn, còn chuyển đổi số là tích lũy cho tương lai.

"Ít nhất, chuyển đổi số sẽ giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất, lợi ích mang về là rất lớn. Nếu chỉ đong đếm lợi nhuận khi đầu tư ngân hàng số thì rất khó thành công" - Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng

Tham khảo từ các định chế tài chính lớn trên thế giới cho thấy việc áp dụng công nghệ số giúp tiết giảm 30-80% chi phí. Khi ngân hàng đầu tư công nghệ thông tin, chi phí sẽ tăng thêm khoảng 25-28%, nhưng doanh thu tăng cao hơn khi đạt 35-48%, chắc chắc lợi nhuận ròng cũng tăng 10-15%.

SỰ TRỖI DẬY CỦA HỆ SINH THÁI NGÂN HÀNG SỐ

Có sự đồng thuận cao, có nguồn lực tài chính, các ngân hàng mới có thể mạnh tay đầu tư công nghệ phục vụ cho chuyển đổi số. Trên thực tế, thời gian qua, thị trường cũng chứng kiến "cuộc so găng" giữa các ngân hàng trong cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng số.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, ngân hàng đã có những thay đổi về mô hình tổ chức phục vụ ngân hàng số.

Các ngân hàng quy mô lớn (chủ yếu là các NHTM Nhà nước) đang hướng vào mô hình chuyển đổi số trên nền tảng hoạt động kinh doanh hiện tại nhiều hơn. Trong đó, BIDV đã có bước tiến lớn về mô hình tổ chức là thành lập Trung tâm ngân hàng số; Vietcombank là không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab...

Trong khi đó, các ngân hàng cổ phần nhỏ có xu hướng phát triển ngân hàng số như một mảng kinh doanh riêng, độc lập với hoạt động kinh doanh cũ và hướng đến việc tìm kiếm đối tượng khách hàng mới hơn là gắn chặt với khách hàng hiện có.

Ngân hàng nào cũng muốn tạo dấu ấn: TPBank có Live Bank chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng số; OCB có nền tảng hợp kênh (Omni - Channel) tích hợp đầy đủ những dịch vụ của một ngân hàng, giúp khách hàng sử dụng mà không cần đến quầy khách hàng; VPBank ghi dấu ấn với khách hàng về ngân hàng số Timo…

Ngoài ra, cũng có khá nhiều ngân hàng ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính đột phá như về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có TPBank ứng dụng trợ lý ảo T’Aio có thể tương tác với hơn 1,5 triệu khách hàng cùng một thời điểm trên Facebook Messenger. BIDV thí điểm phần mềm Watson phân tích dữ liệu khách hàng...

Có thể nói, thị trường đang chứng kiến sự trỗi dậy của những ngân hàng nhỏ trong cuộc đua số hóa khi mới đây, NamABank đã “trình làng” Robot OPBA và trở thành ngân hàng Việt tiên phong đưa Robot vào phục vụ khách hàng. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, khách hàng được trải nghiệm đa không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại đón đầu xu hướng công nghệ 4.0 như tablet, LCD touch screen...

Không kém cạnh, TPBank lại vừa ra mắt “siêu phẩm ngân hàng số triệu đô app eBank X” - phiên bản nâng cấp hơn, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. eBank X một lần nữa khẳng định độ “chịu chơi”, không ngại đầu tư khủng về vốn, công nghệ của TPBank.

HÀNH LANG PHÁP LÝ CỞI MỞ HƠN

Ngoài nỗ lực của bản thân các TCTD, hệ thống cơ sở pháp lý và hạ tầng cho phát triển ngân hàng số đã và đang được hoàn thiện. Thứ nhất, nhiều chủ trương, chính sách mới được xây dựng theo hướng khuyến khích, thúc đẩy phát triển ngân hàng số.

Trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động của ngành Ngân hàng (Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 7/1/2019) thực hiện Chiến lược nêu trên đều được xây dựng với tinh thần nổi bật là xác định phát triển ngân hàng số là tương lai của ngành Ngân hàng.

Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện mội trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến 2021 cũng có nhiều nội dung thúc đẩy TTKDTM, đặc biệt Chính phủ yêu cầu: trong năm 2019, các trường học, bệnh viện, công ty điện, cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính sẽ triển khai thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức TTKDTM; nghiên cứu phương án thanh toán bằng ví điện tử không qua ngân hàng…

Hiện NHNN cũng đang hoàn thiện đề án phát triển tài chính toàn diện với nhiều nội dung khuyến khích, xác định phát triển ngân hàng số là một trong những chìa khóa tạo đột phá phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam. Những chủ trương, định hướng này đã tạo tiền đề quan trọng giúp các TCTD tích cực hơn trong xu thế phát triển ngân hàng số.

Thứ hai, hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM nói chung và ngân hàng số nói riêng đã có những bước tiến dài. Theo đó vào năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý cho các giao dịch điện tử nói chung và giao dịch qua điện thoại di động nói riêng. Năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM.

Hiện nay, NHNN đang dự thảo Nghị định quy định về TTKDTM thay thế cho Nghị định 101/2012/NĐ-CP nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền điện tử, sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; về cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán; về hoạt động đại lý thanh toán; và đặc biệt là bổ sung quy định liên quan đến chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán...

Thứ ba, hạ tầng công nghệ thông tin của NHNN, hạ tầng thị trường phục vụ phát triển ngân hàng số được tăng cường và nâng cấp. Hạ tầng thanh toán giữa các ngân hàng, trung gian thanh toán được liên thông, tích hợp thêm nhiều dịch vụ mới. Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) sẽ đưa hệ thống bù trừ điện tử, hoạt động 24h trong ngày, qua đó mang lại nhiều tiện ích cho người dùng... Bên cạnh đó, NHNN xây dựng những quy định đảm bảo an toàn, an ninh bảo mật nhằm ứng phó với những thách thức mà CMCN 4.0 đặt ra.

Thứ tư, hệ sinh thái khởi nghiệp từng bước được hình thành, các doanh nghiệp tài chính công nghệ (Fintech) được hỗ trợ phát triển. Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo môi trường sinh thái tốt cho các TCTD và Fintech phát triển, NHNN sẽ sớm trình Chính phủ Đề án xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho hoạt động của các công ty công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, và đưa ra Phương án cho phép nạp tiền vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng.

NHNN cũng đang xây dựng dự thảo các quy định về ngân hàng đại lý (agent banking) và định danh điện tử (e-KYC). Những quy định này khi được thông qua sẽ tạo điều kiện cho các công ty fintech tham gia trực tiếp cung cấp các dịch vụ tài chính cho thị trường Việt Nam.

Từ nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp lý, sự đầu tư lớn cho hạ tầng công nghệ, các ngân hàng Việt được cho là sẽ còn cho ra mắt nhiều giải pháp ngân hàng số, trải nghiệm mới mẻ và tiện ích vượt trội hơn thời gian tới. Nhưng tấm huy chương nào cũng có hai mặt. Song hành với phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới thì việc đảm bảo an toàn, bảo mật cũng là những thách thức cho các bên tham gia thị trường.

Bài: An Bình, Minh Khuê, Hà Thành

Trình bày : Lê Thành, Anh Quân

Có thể bạn quan tâm

Ngân hàng số: Hướng đi “xanh” vì môi trường

Ngân hàng số: Hướng đi “xanh” vì môi trường

Việc chuyển đổi sang các dịch vụ ngân hàng trực tuyến giúp giảm thiểu sử dụng giấy tờ, hóa đơn, giúp cắt giảm lượng khí thải carbon từ việc in ấn và vận chuyển tiền mặt. Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý dữ liệu và giao dịch cũng tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu lãng phí năng lượng. Việc phát triển ngân hàng số không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một tương lai bền vững hơn.
Đi tìm bí quyết vận hành hiệu quả cho chủ cửa hàng trong mùa cuối năm

Đi tìm bí quyết vận hành hiệu quả cho chủ cửa hàng trong mùa cuối năm

Giờ đây, chỉ cần một ứng dụng bán hàng thông minh, chủ hộ kinh doanh không còn đắn đo về việc thiếu hàng, quản lý thu chi hay thậm chí là thiếu “tiền”
Ngân hàng hái “quả ngọt” chuyển đổi số

Ngân hàng hái “quả ngọt” chuyển đổi số

Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã không tiếc tiền đầu tư mạnh cho việc đổi mới công nghệ.
Phiên bản di động