Bản Cu Vai nhìn từ trên cao - Ảnh cắt từ flycam |
Lên đỉnh trời
Chiếc “Win chiến” nảy lên từng chặp khi qua những viên đá hộc, dường như chỉ mới lộ ra sau cơn mưa hôm nọ. Đường lên Cu Vai nhiều đoạn thành rãnh ở giữa, dấu vết dòng nước khoét sâu cũng mới đây thôi. Một bên vách núi cao, bên kia là vực sâu, con đường độc đạo chiều rộng chỉ nhỉnh hơn 2 mét, với nhiều đoạn dốc ngược kéo dài, không dễ dàng để vượt với tay lái non và thiếu kinh nghiệm. Chính chúng tôi đã phải bỏ lại chiếc side-car 650 phân khối trước một đoạn đường như vậy, do bánh trượt xuống rãnh ngập mất một nửa.
Chiếc side-car 650 phân khối chịu "khuất phục" trước cung đường khó đi. |
Ngồi sau xe chàng trai bản, chốc chốc tôi lại phải xốc người nhích lên phía trước không kẻo tụt xuống đường, có những lúc xóc nảy suýt bay khỏi xe, có khi trượt chân chạm bắp vào ống bô rát bỏng… Nhưng, bạn phải bỏ ngoài tai tiếng xe luôn ở chế độ số 1, ầm ào bò chậm qua từng con dốc cao hàng chục mét, thoắt ngoặt, thoắt đi lên, để cảm nhận từng khung hình đẹp quanh mình đang mời gọi. Mãn nhãn có lẽ là từ phù hợp, nhất là khi thành quả đạt được sau rất nhiều khó khăn.
Cu Vai nằm về phía Tây của tỉnh Yên Bái, chỉ cách trung tâm thị trấn Trạm Tấu độ 7-8km. Thời gian này, cung đường từ Trạm Tấu lên còn khó đi khoảng 2km về cuối, do chưa hoàn thiện đổ bê tông. Theo cảm nhận cá nhân tôi, những cung đường như vậy sẽ cho nhiều cảm xúc, ngày mưa nước xuống và đường trơn, du khách có thể phải lội bùn nhão nhoét với tay cào đất để vào bản. Ngày nắng thì chỉ loáng cái đã qua một cung đường lên cao vút, cảm xúc trọn vẹn.
Các cung đường từ Hà Nội lên Cu Vai - Ảnh gif: Hà Đức |
Lên Cu Vai, bạn sẽ muốn ngồi sau tay lái của một cậu thanh niên bản, như tôi đã chọn cách này với cảm nhận đầy thích thú, để vẫn có thời gian ngắm xuống từng góc rừng xanh thẳm dưới tầm mắt, để ghi dấu ấn về sự hùng vĩ núi rừng ở nơi ấy, trong khi hai tay cố bám chặt lấy chiếc xe phòng hờ cho những cú xóc chỉ chực đẩy bạn xuống đất.
Chỉ 7km, cung đường đến Cu Vai đủ đưa bạn lên cao để ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng, ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn ven suối quanh co, giữa màu xanh bạt ngàn - cảm xúc đủ đưa tâm trí lang thang.
Khung cảnh rất đẹp trên dọc cung đường lên Cu Vai |
Nó làm tôi nhớ đến lần trò chuyện với doanh nhân Nathan, giám đốc một kênh bán hàng có kinh doanh tại Việt Nam, bên khung cửa nhìn ra dòng suối sau nhà của ông ở trang trại tại Utah, Mỹ. Người đàn ông có 2 cô con gái bị công việc cuốn đi 14 tiếng mỗi ngày luôn quyết liệt giành giật một tháng trong năm để cùng cả gia đình trở về trang trại không điện thoại và mạng internet của ông, sống toàn thời gian bên gia đình và xa thiết bị công nghệ.
“Lái xe về trang trại, qua mỗi cung đường tôi thấy mình quên hết mọi lo toan, về nhà như trở về tuổi vô lo nghĩ”, Nathan nói khi nắng chiều đổ vàng sắc lá xanh, ánh lên bên dòng suối dưới thung lũng sau nhà mang đầy cảm xúc của ngày xuân cuối.
Đến Cu Vai, tôi chiêm nghiệm lại cảm xúc đó của Nathan. Nó đúng là như vậy. Cũng như anh bạn đồng hành trên side-car từ Hà Nội nói trên một cung đường bạt ngàn xanh và ngút ngàn núi rừng, về sự lâng lâng quên sự tình như qua cơn vần vũ của trí óc mấy hôm rồi.
Một đoàn du khách dựng lều trại bên trong sân trường học trên bản Cu Vai. |
Bạn sẽ thèm thuồng để có được cảm xúc ấy, khi còn đường vút lại bằng một đoạn cuối đến cửa ngõ Cu Vai, đường đã lát xi-măng, cho xe tăng tốc độ, bỏ lại những gò bó để khoáng đạt lấy lại phút cuối cùng đến đích. Cu Vai đây, cảm xúc ở lại đây.
Nhìn từ trên cao, qua flycam, Cu Vai như một sân bay dã chiến. Quãng đường dọc bản vài chục mét thẳng tắp và đều, với hai hàng cống thải như thể giới hạn đường băng. Thử tưởng tượng, bạn đi ra từ một căn nhà gỗ, căn nào cũng như nhau và đều tắp lự, để bắt khung hình vào giữa bức tranh núi rừng, từng bước tung tăng như thể nhịp sống đang tràn trong cơ thể. Flycam sẽ vút cao và bạn trở nên một chấm nhỏ, dù vậy vẫn là trung tâm của cả núi rừng Tây Bắc trong khung hình sẽ để lại mãi sau này.
Cu Vai có thể khiến bạn trở nên nhỏ bé, cũng có thể nuôi lớn trí tưởng tượng ở nơi bạn. Bản làng nằm trên ngọn núi, xung quanh đều là vực. Bất cứ sân sau nhà nào cũng cho bạn tầm nhìn hút mắt. Ở một góc mà bạn tựa lưng vào, phía trước là đất nước, là Tổ quốc giữ trong dáng núi. Lòng người lưu tại mỗi vạt rừng.
Toàn cảnh Cu Vai từ trên cao - Flycam: Huỳnh Long |
Người trong mây
Cu Vai có độ dăm chục nóc nhà, chia đều hai bên con đường chính, ghi rõ dấu ấn của cuộc tái định cư mấy năm về trước. Sự phân bổ đều các nóc nhà hóa ra lại là một cảnh quan đặc biệt của nếp sống người Mông, vốn là bám điểm cao, vùng nhiều mây sáng và sương chiều.
Bạn sẽ thích thú nhìn những khuôn hình flycam lướt qua mỗi nóc nhà, khoảng sân, con đường, hàng cây đào trút lá mùa này nhưng hứa hồng hoa dịp xuân đến. Nó như thể sự giao thoa của quá khứ và hiện tại, phong cách sống cũ và tập tính mới, làng tái định cư khuôn lại nếp nhà vẫn nguyên vẹn di sản văn hóa người Mông.
Bản Cu Vai nhìn từ trên cao - Ảnh cắt từ flycam |
Trưởng bản Mùa A Đua là đại diện như vậy của sự giao thoa cũ và mới. Từ thủa lập cư trên Cu Vai vẫn y nguyên là người bám bản, với 9 con và đa số vẫn sống trên ngọn núi này. Ông vẫn ngồi vị trí chủ nhà trong phòng lớn nhà anh con trai tên Để, dưới bàn thờ đơn sơ mà truyền thống của tộc mình, uống từng chén rượu còn nóng mùi men núi rừng.
Mùa A Đua cũng là người duy nhất trên bản có thể cung cấp bia tươi đóng chai Saigon Redstar, nước tăng lực bò húc… Giữa gian nhà liền bếp tối sẫm trong nền đất nện và thiếu cửa sổ của ông bày nổi bật chiếc tủ lạnh lớn màu trắng sát tường, chỉ chạy vài giờ mỗi ngày để giữ mát các loại nước khoáng, bia… bán cho khách du lịch. Một sự tương phản hay điều gì đang chuyển đổi trong cách sống của người đàn ông “lão làng” ở bản Cu Vai này!
Trưởng bản Mùa A Đua ngồi ở vị trí chủ nhà, dưới bàn thờ, theo phong tục người Mông. |
Sự chuyển đổi cách sống dễ thấy hơn ở giới trẻ. Nhà anh Để chéo với nhà ông Đua, chỉ cách chừng hơn chục mét, nhưng theo một phong thái hoàn toàn khác. Tường ngoài vẫn nguyên ván gỗ từ thời chuyển về tái định cư, nhưng bên trong nhà lát gạch đá hoa men xanh, mái tôn xanh như màu chủ đạo của váy người phụ nữ Mông. Nhà vệ sinh cách biệt sau nhà và được xây dựng khá hiện đại với thiết bị vệ sinh đơn giản. Máy nước ngay trước cửa, chảy ra thứ nước mát lạnh khiến bạn tỉnh người, nhất là sau đoạn trường khó khăn khi lên núi.
Chúng tôi đến, Để giúp làm con lợn mọi. Bữa trưa có món măng chua ớt cay xé lưỡi xào lòng non. Có món canh trâu rừng húp rất vào cơm. Có xu xu vừa hái luộc cả vỏ ngọt mà thơm. Có bình rượu mới nấu còn ấm nồng ở cổ, phảng phất thứ dư vị men lá không lẫn vào đâu được. Ẩm thực vẫn nguyên vị từ thời xưa cũ, nhưng trên bản lũ trẻ đã thích uống bò húc khi hóng câu chuyện càng lúc càng rộn ràng trên gian nhà chính.
Bữa cơm trên bản Cu Vai với món măng xào lòng lợn, canh trâu rừng... |
Cùng mâm cơm, anh bạn Lử nhà ngay đối diện có lẽ là người mau miệng nhất mà tôi gặp. Rượu ngà say, Lử kéo sang nhà thăm, kể về chuyện tình khi yêu vợ, về 5 đứa con và về cuộc sống đang ngày càng khá lên trên bản Cu Vai.
Cô vợ Lử bế ngang hông đứa con nhỏ miệng cười ngượng nghịu, chạy khỏi nhà đi gọi mấy đứa con đang đá bóng ngay sân trường bên cạnh, thấp thoáng vạt váy xanh lướt qua khung cửa sáng.
Quả bóng do đoàn chúng tôi mới tặng, trước đó được đem ra cho lũ trẻ vẫn đang khoác trên người bộ đồ truyền thống của dân tộc mình, xen lẫn những đứa áo Ronaldo 7, nay chúng đang thỏa sức trong một trò chơi mới giữa trưa nắng nhẹ. Sân bóng trong trường học với một bên là sườn đèo, rào tre lưới thép, cây cối khá um tùm, lũ trẻ nghe chúng tôi sợ bay mất bóng vội trả lời tìm cũng dễ…
Lũ trẻ trên Cu Vai phấn khích với trò chơi mới. |
Lử dắt tôi đi giới thiệu cơ ngơi của mình. Căn nhà gỗ khá chắc chắn của Lử kéo dài đến vách đá, cuối nhà có chuồng nuôi lợn, gà, nhìn hút mắt những chập chùng núi giữa ngàn mây, gió thổi tóc bay nhẹ rung từng sợi nhớ. Khung cảnh đẹp dường như quá dư thừa ở bản người Mông này dễ khơi vào tiềm thức.
Tôi khuyên Lử làm thêm cái gác cao để cho du khách thuê ở mà thỏa sức tận hưởng những khung cảnh này. Rồi lại ngại Cu Vai sẽ sớm thành “khu công nghiệp” du lịch như nhiều nơi khác. Có lẽ chẳng mấy nữa, Cu Vai sẽ lại nhộn nhịp như Sa Pa, Tam Đảo! Khi con đường bê tông lên bản hoàn thành, du khách chỉ mất 5-6 tiếng để đi từ Hà Nội lên, một cuối tuần là đủ để sống khác.
Chắc chắn, không có nơi nào trong những khu du lịch phát triển nóng ở miền Tây Bắc hiện nay có thể sánh được với cảnh đẹp, con người và cảm xúc mà Cu Vai có thể để lại trong lòng lữ khách, tự nhiên mà ấm áp kéo đến như gió rừng hiu hiu thổi qua ngàn trùng mây núi ở đây.
Giàng A Thào, Bí thư Huyện ủy huyện Trạm Tấu khi say sưa nói về quê hương mình bên mâm cơm chiều hôm trước tại Khu suối khoáng nóng giữa thị trấn cũng thừa nhận, các phong tục, lễ hội, đời sống văn hóa, ẩm thực dân tộc truyền thống của đồng bào dân tộc Thái và dân tộc Mông được gìn giữ và bảo tồn, là nét văn hóa độc đáo thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Và đó là nguồn vốn cho phát triển của vùng cao này.
Một góc nhìn từ sau một căn nhà trên bản Cu Vai. |
Vĩ thanh
Đến Cu Vai, với nhiều người tôi biết, chả phải vì đó là “từ khóa” của phượt thủ trong vài năm trở lại đây, cũng không hoàn toàn chỉ vì chuyến đi cho bạn được trải nghiệm cuộc sống thực tế của đồng bào Mông nơi khó khăn vẫn bủa vây, mà vì chính bạn sẽ được thực hành một lối sống xa với thiết bị điện tử và sơn hào hải vị, để sống chậm như những ngày đã cũ.
Ở Cu Vai, có quá thừa khung hình đẹp sẽ đi qua đôi mắt để thổi niềm vui vào những tâm hồn cằn cỗi đi mỗi ngày do đời sống bon chen đô thị. Có đủ điều giản dị từ cuộc sống người dân thấm vào tâm trí mà làm trong lại nhận thức về giá trị cuộc đời. Không thiếu những ánh nhìn trẻ thơ tha thiết níu lại điều tử tế trong du khách. Bạn sẽ chỉ muốn làm những điều đúng đắn. Đó là hành trình của bất kỳ ai khi đến với Cu Vai.
Lần gần nhất bạn xách ba lô đi du lịch là khi nào? Dù là chưa đủ xa thì vẫn hãy lên lịch trình. Cung đường Cu Vai sẽ cho bạn đầy kỷ niệm, như những người bạn của tôi vừa về lại chỉ muốn đi, ngắm thêm lần nữa bản làng trên sống ngọn núi, để săn cơn gió cảm xúc quay về…
Đường lên Cu Vai đang được bê tông hóa, điều này sẽ giúp kéo du khách tới nhiều hơn. |
Theo ý tưởng của Đề án Xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch huyện Trạm Tấu giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn đến 2025, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái là một trong những nội dung được nhấn mạnh. Để thực hiện nội dung này, huyện Trạm Tấu triển khai thực hiện một số giải pháp như khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm hàng hoá đặc trưng của địa phương; bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc như trang phục, nhà cửa truyền thống, ẩm thực…; phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp các nguồn lực cho xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch… |