Ngày 11/5/2021, Thống đốc NHNN đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810). Sau hai năm triển khai thực hiện, hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngân hàng là một trong các Bộ, ngành, địa phương luôn được biểu dương về những nỗ lực, cố gắng, đạt kết quả đi đầu trong triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ,.. đóng góp quan trọng trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Phát huy những kết quả đạt được và để tiếp tục giữ vững ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số, thời gian tới NHNN Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của Ngành nhanh hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt là việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ về ứng dụng dữ liệu dân cư để mang lại nhiều lợi ích cho người dân, xã hội. Hướng tới sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023, Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng xung quanh vấn đề này. Xin Phó Thống đốc khái quát đôi nét về những kết quả chuyển đổi số của ngành Ngân hàng trong hai năm qua? Tiến trình chuyển đổi số của Ngành đóng góp thế nào vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia? Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số. Sau 2 năm triển khai Quyết định 810, hoạt động chuyển số ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong công cuộc chuyển đổi số trên các mặt: kiến tạo thể chế, nâng cấp hạ tầng công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ, tiện ích và đảm bảo an ninh an toàn. Về kiến tạo thể chế, NHNN đã tham mưu, xây dựng văn bản tạo cơ sở pháp lý và thúc đẩy chuyển đổi số: Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng, thực hiện dịch vụ bảo lãnh bằng phương thức điện tử; Quy định về đảm bảo an ninh an toàn và tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip...) để tạo thuận lợi cho việc mở rộng kết nối trong ngành Ngân hàng và giữa ngành Ngân hàng với ngành, lĩnh vực khác; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. NHNN đang xây dựng, hoàn thiện Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, Thông tư về hoạt động cho vay,… trong đó có nhiều quy định nhằm tạo thuận lợi ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng. Năm 2020-2021, NHNN xếp thứ nhất, thứ hai trong các bộ, ngành về chỉ số kiến tạo thể chế chuyển đổi số. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển: (i) Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử vận hành ổn định, thông suốt và an toàn trong điều kiện số lượng, giá trị giao dịch tăng nhanh; Trong thanh toán bán lẻ xuyên biên giới, hệ thống thanh toán bán lẻ Việt Nam cũng đã hoàn thành thực hiện kết nối song phương cho phép thanh toán qua mã QR code với Thái Lan, hiện đang triển khai kết nối thanh toán với Campuchia và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng với các nước khác; (ii) Hạ tầng thông tin tín dụng quốc gia nâng cấp để gia tăng khả năng xử lý, cập nhật dữ liệu tự động, đồng thời mở rộng thu thập và cập nhật dữ liệu trong và ngoài ngành với độ phủ độ phủ thông tin tín dụng đạt 72,15% trên tổng dân số trưởng thành; (iii) các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đã chủ động đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ đáp ứng yêu cầu, sẵn sàng triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong toàn đơn vị. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng: (i) Năm 2022 tăng trưởng thanh toán qua kênh Mobile tăng 139,3% về số lượng và 106,5% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 225,4% về số lượng và 243,9% về giá trị; (ii) 74,63% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng trong đó 10,8 triệu thẻ ngân hàng và 11,9 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương tiện điện tử (eKYC) đang hoạt động; (iii) Nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng; (iv) Nhiều nghiệp vụ, dịch vụ ngân hàng đã được số hóa toàn diện như mở tài khoản, thanh toán-chuyển tiền, bảo lãnh, nhận tiền gửi,.. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn luôn được chú trọng, NHNN ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai trong toàn ngành thực hiện công tác đảm bảo an ninh an toàn hệ thống, bảo mật dữ liệu khách hàng; đồng thời, triển khai nhiều chương trình truyền thông, giáo dục tài chính để người dân, doanh nghiệp hiểu biết, sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách thuận tiện, an toàn và phòng, tránh rủi ro bị tội phạm lợi dụng, lừa đảo, đánh cắp thông tin,..; các ngân hàng bố trí nguồn lực, ưu tiên đầu tư hệ thống an ninh bảo mật. NHNN liên tiếp được xếp hạng A, xếp thứ nhất về công tác bảo đảm an toàn thông tin từ năm 2019 đến nay. Với những kết quả đạt được, chỉ số chuyển đổi số (DTI) của NHNN xếp thứ hạng cao trong các bộ, ngành (năm 2020: xếp thứ hai và năm 2021: xếp thứ 4) và được đánh giá, ghi nhận tại các cuộc họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Ban chỉ đạo triển khai Đề án 06/CP. |
Như ông vừa chia sẻ, chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đạt được kết quả nhưng có lẽ cũng sẽ đã và đang đối mặt với những khó khăn, thách thức. Xin ông cho biết những thách thức trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng và định hướng, giải pháp trong thời gian tới để giải quyết những thách thức đó? Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra cho ngành Ngân hàng nhiều thách thức như: (i) các quy định pháp lý hiện hành về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng,… còn cần phải rà soát, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới;(ii) cần có sự đồng bộ và chuẩn hóa của cơ sở hạ tầng giữa các ngành, lĩnh vực để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho việc kết nối, tích hợp giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để tạo lập hệ sinh thái số; (iii) việc cân đối bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số một cách hợp lý: hiệu quả trong đầu tư; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm, kiến thức cả về nghiệp vụ và công nghệ số,..; (iv) xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ với những thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, khó lường, gia tăng rủi ro an ninh mạng và vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý e ngại khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ trên nền tảng số. Trong thời gian tới, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số, phát huy những kết quả đạt được NHNN sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể như sau: Thứ nhất, tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, trước mắt là dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng, Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thành toán không dùng tiền mặt và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử và các Thông tư quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử,.. Thứ hai, đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của các hệ thống thanh toán. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, bảo mật trong hoạt động ngân hàng và tăng cường khả năng kết nối liên thông và tích hợp dịch vụ giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác, mở rộng hệ sinh thái số để gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Trong đó, ưu tiên kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Kế hoạch phối hợp giữa NHNN và Bộ Công an về triển khai Đề án 06 để làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng. Thứ ba, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, khai thác hiệu quả dữ liệu trong thiết kế, phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích phù hợp với nhu cầu, hành vi của từng nhóm đối tượng khách hàng đi cùng với công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin khách hàng. Thứ tư, xây dựng và triển khai các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, trang bị những kiến thức, kỹ năng, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, thông tin đến các khách hàng dưới nhiều hình thức để hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng về ứng dụng công nghệ và những lưu ý, cảnh báo để hỗ trợ khách hàng nhận biết, phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử. |
Dữ liệu dân cư là được xem nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số. Xin ông cho biết một số kết quả ngân hàng đạt được trong triển khai Đề án 06 về ứng dụng dữ liệu dân cư? Dự kiến, ngành Ngân hàng sẽ làm gì để để tiếp tục khai thác hiệu quả, phát huy lợi ích từ ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư? Trước hết, tôi tôi xin chia sẻ một cách ngắn gọn về kết quả triển khai Đề án 06 của ngành Ngân hàng đến thời điểm này như sau: - Dịch vụ công của NHNN (cấp chứng thư số cá nhân) đã hoàn thành kết nối, khai thác sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức từ ngày tháng 12/2022. - Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) đã phối hợp với C06 – Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng. - Từ năm 2022, nhiều Tổ chức tín dụng (như: Vietcombank, BIDV, Vietinbank,…) đã phối hợp với C06 - Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ CCCD gắn chíp trong một số nghiệp vụ như: (i) Xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; (ii) Xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM và đã bước đầu cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại một số chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh từ tháng 5/2022, hiện đang triển khai mở rộng cho các tỉnh thành phố; (iii) nghiên cứu triển khai chính thức giải pháp sử dụng thiết bị di động cài đặt ứng dụng xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chíp (giải pháp Match on Card - MoC) và cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân; (iv) Một số TCTD đã phối hợp với C06 thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư. Ngày 24/4 vừa qua, NHNN và Bộ Công an đã ký Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN về triển khai Đề án 06 với 11 đầu việc lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể đã được chi tiết hóa từng nội dung công việc, phân công đơn vị đầu mối và các đơn vị phối hợp, có thời hạn hoàn thành cụ thể. Theo đó, trong thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo quyết liệt trên toàn ngành tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị Bộ Công an và các Bộ Ngành triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch một cách hiệu quả, thực chất, qua đó sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai kết nối, khai thác sở dữ liệu quốc gia về dân cư ứng dụng trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của Ngành, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. |
Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm nay diễn ra vào ngày 18/5 với lấy chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”. Xin Ông chia sẻ về ý nghĩa của việc lựa chọn này? Năm nay, NHNN tổ chức sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng vào ngày 18/5/2023 với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”. Việc lựa chọn này có một số ý nghĩa như sau: Thứ nhất, về thời gian, đây là thời điểm gần với với các sự kiện lớn có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của ngành Ngân hàng nói chung cũng như hoạt động chuyển đổi số, đó là: (i) kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam 6/5/1951-6/5/2023 và (ii) hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng 11/5 và Ngày khoa học công nghệ 18/5. Bên cạnh đó, với việc tổ chức sự kiện quan trọng của ngành Ngân hàng vào thời điểm 18/5, ngành Ngân hàng Việt Nam cũng mong muốn bày tỏ sự tôn kính, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh nhật Người (19/5/1890 - 19/5/2023). Thứ hai, việc lựa chọn chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” nhằm hưởng ứng Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lựa chọn “Năm 2023 – năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”. Đồng thời, cũng thể hiện sự quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục tích cực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc! |