Doanh nghiệp chưa mặn mà với thu gom, tái chế nhựa
14:33 | 16/10/2023
Hiện nay các loại nhựa, túi nylon sau sử dụng phần lớn không được phân loại, thu gom, xử lý theo đúng quy trình. Trong khi đó, theo Luật Bảo vệ môi trường, nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm nhựa, bao bì. Hiện nay, doanh nghiệp có hai hình thức thực hiện việc này theo quy định, đó là tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.
Doanh nghiệp lo lắng về định mức chi phí tái chế không hợp lý 14 hiệp hội đề nghị điều chỉnh về định mức chi phí tái chế |
Chi phí cao, nguồn cung không ổn định
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp lựa chọn cách nộp tiền chứ chưa tham gia vào hoạt động thu gom, tái chế nhựa. Ông Nguyễn Duy Đông, chủ một doanh nghiệp tại Bắc Ninh cho biết, doanh nghiệp rất muốn tham gia vào kinh tế tuần hoàn, tái chế sản phẩm nhựa nhưng đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nguồn nhựa trong nước có nhiều tạp chất làm gia tăng chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nhựa tái chế, giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm tái chế của doanh nghiệp. Nguồn cung cho sản xuất không ổn định dẫn đến khó khăn trong việc lên kế hoạch cũng như mở rộng quy mô sản xuất. Sự bị động này cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó triển khai dự án tái chế quy mô lớn.
Tương tự, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho biết, Việt Nam chưa có nhà tái chế nào chuyên nghiệp và đạt chuẩn vì chi phí đầu tư rất lớn; định mức phí tái chế FS quá cao.
Tuy nhiên, phải khẳng định, sử dụng rác thải nhựa làm nguyên liệu sản xuất sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Đại diện Nhà máy Bông TNG chia sẻ, nguồn xơ sợi từ nhựa tái chế không chỉ thân thiện với môi trường mà còn giảm giá thành khoảng 30% so với xơ nguyên sinh. Với nguồn nguyên liệu thay thế này, nhà máy không phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu như trước đây.
Những tấm ván ép tái chế từ rác thải nhựa Công ty Thanh Tùng 2 (Đồng Nai) xuất khẩu sang Scotland |
Cần có chính sách hỗ trợ phù hợp
Trước thực trạng này, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành khối Dịch vụ nghiên cứu thị trường và tư vấn (FiinGroup) đề xuất một số vấn đề cần giải quyết.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nhanh chóng xây dựng hướng dẫn quy chế về kỹ thuật trong thu gom xử lý rác thải nhựa để phục vụ tái chế; đào tạo, tuyên truyền để người dân thu gom, phân loại rác thải tại nguồn.
Đồng thời, cần có chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm nhựa tại chế, có loại thuế VAT riêng cho loại có hàm lượng tái chế hoặc có quy chế bắt buộc 30% nhựa tái chế trong sản phẩm thì hỗ trợ được đầu ra…
Bên cạnh đó, cần tháo gỡ một số vướng mắc khác cho doanh nghiệp tái chế rác thải nhựa. Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, cần có những giải pháp để giải quyết những vướng mắc trong việc tổ chức, thiết lập, vận hành mạng lưới thu hồi, thực hiện trách nhiệm tái chế và xử lý bao bì nhựa sau khi thải bỏ; tăng mức độ tiếp cận các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp; cần có các hướng dẫn chi tiết về ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn, thuế nói chung và ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động tái chế chất thải nhựa nói riêng; các quy trình, thủ tục đề nghị ưu đãi, hỗ trợ cần đơn giản, dễ hiểu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái chế hơn…
Đề xuất một số giải pháp về chính sách, một chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; xây dựng, ban hành các hướng dẫn thực hiện hoạt động tái chế chất thải nhựa; xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn ở các cấp, các ngành; xây dựng quy định về thiết kế sinh thái, quy định về quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm nhựa tái chế, quy định về tỷ lệ nhựa tái chế bắt buộc trong các sản phẩm và quy định về mức đóng góp tài chính dựa trên khả năng tái chế của sản phẩm; hướng dẫn, giảm thiểu các thủ tục hành chính, bảo đảm các doanh nghiệp tái chế có thể tiếp cận các ưu đãi, hỗ trợ từ Chính phủ; từng bước thực hiện thành công phân loại chất thải rắn tại nguồn để tăng cường việc sử dụng phế liệu nhựa trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm thu hồi, tái chế.
Còn về lâu dài, PGS.TS. Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp tái chế và xác định đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để giảm chất thải ra môi trường. Để làm được điều này, các giải pháp tái chế phi tập trung gần với các nguồn phát sinh chất thải có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng đến nền kinh tế tuần hoàn bằng cách quản lý chất thải như một nguồn tài nguyên có giá trị. Đặc biệt, cần thực thi đồng bộ các giải pháp mang tính pháp lý, kinh tế và nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa.
Giáng Hương