Nguồn cung bất động sản tăng mạnh, dấu hiệu phục hồi rõ nét
08:07 | 29/03/2025
Theo số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung bất động sản năm 2024 tăng gấp 3 lần so với năm 2023, đạt 65.376 sản phẩm. Tuy nhiên, giá cả và tín dụng vẫn là những yếu tố cần được theo dõi sát sao.
Luật Đất đai sửa đổi có thể khiến nguồn cung bất động sản tăng lên Kỳ vọng nguồn cung bất động sản cải thiện, giá sát thực tế từ 2025 Nguồn cung bất động sản phân hóa rõ rệt theo khu vực |
![]() |
Nhà đầu tư hạn chế đòn bẩy tài chính cao và tránh đầu tư vào các sản phẩm bị thổi giá là điều cần thiết |
Theo số liệu nghiên cứu mới nhất từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu phục hồi rõ rệt về nguồn cung. Trong năm 2024, tổng số sản phẩm bất động sản chào bán mới đạt khoảng 65.376 đơn vị, tăng gấp ba lần so với con số của năm 2023.
VARS dự báo, xu hướng phục hồi này sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2025, với nguồn cung bất động sản nhà ở dự kiến tăng khoảng 10% so với năm 2024. Trong trung hạn, nguồn cung nhà ở được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhờ vào việc giải quyết các vướng mắc pháp lý cho các dự án tồn đọng và việc cấp phép mới cho các dự án, bao gồm cả các dự án nhà ở xã hội.
Các chuyên gia của VARS nhận định, sự phục hồi của nguồn cung là một tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy sự cân bằng của thị trường và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Tuy nhiên, cần có sự theo dõi sát sao và các biện pháp điều tiết phù hợp để đảm bảo thị trường phát triển bền vững.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2024 ghi nhận những tín hiệu phục hồi đáng chú ý. Cụ thể, 210 dự án bất động sản đã được tháo gỡ vướng mắc, tái khởi động, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khơi thông nguồn cung. Số lượng dự án được cấp phép mới cũng tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường đang dần được củng cố.
Giới chuyên gia nhận định, đà phục hồi này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới, nhờ vào việc triển khai các bộ luật mới liên quan đến nhà ở, đất đai và kinh doanh bất động sản. Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu các rào cản pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các dự án triển khai. Bên cạnh đó, việc sáp nhập các tỉnh, thành cũng được xem là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, mở ra cơ hội đầu tư mới.
Dự báo tỷ lệ hấp thụ bất động sản trong năm 2025 sẽ duy trì ở mức trên 70%, mặc dù tốc độ có thể chậm lại do giá cả ở một số khu vực và phân khúc đã tăng cao. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều động lực tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh áp lực lạm phát đang gia tăng.
Tuy nhiên, dù chính sách tín dụng được nới lỏng, các ngân hàng vẫn duy trì sự kiểm soát đối với các khoản vay liên quan đến bất động sản.
Theo đó, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016 đang được áp dụng, giúp hạn chế rủi ro đối với hệ thống tài chính ngân hàng và hỗ trợ thanh lọc ngành bất động sản, loại bỏ các doanh nghiệp bất động sản với những dự án không đủ điều kiện mở bán, phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy, hỗ trợ những doanh nghiệp lành mạnh, có sức khỏe tài chính tốt, có năng lực và kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, với người tiêu dùng bất động sản, Thông tư 06/2023/TT-NHNN cũng quy định chặt chẽ hơn về quy trình, điều kiện, hồ sơ, thủ tục, phương án sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ... của các khoản vay mua nhà để ở, đặc biệt là các khoản vay với số tiền lớn.
Ngoài ra, Thông tư 06/2023/TT-NHNN cũng đã quy định một số nhu cầu vốn mà tổ chức tín dụng không được phép cho vay, bao gồm cho vay để chứng minh khả năng tài chính trong các giao dịch với bên thứ ba, cho vay để thanh toán tiền đặt cọc đối với các dự án bất động sản hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện pháp lý theo quy định, cho vay bù đắp tài chính, tức là cho vay để bù đắp các chi phí mà khách hàng đã thanh toán bằng vốn tự có hoặc vốn vay từ các cá nhân, tổ chức khác (không phải tổ chức tín dụng) nhằm thực hiện phương án, dự án kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống.
Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực ngày 01/8/2024, với những quy định có nội dung định hướng tương tự, từ đó sẽ giảm thiểu rủi ro kinh doanh của ngành, giảm rủi ro cho khách hàng, giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.
Về lâu dài, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại sẽ phụ thuộc điều kiện lãi suất chung trên thị trường cũng như sức diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, VARS cho rằng, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ổn định ở mức phù hợp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt là khi FED dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2025, tạo dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ thúc đẩy nhu cầu bất động sản trên diện rộng, từ nhà ở, văn phòng, đến bất động sản công nghiệp và bán lẻ. Để tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần có chiến lược linh hoạt, thích ứng với biến động của thị trường tín dụng.
Chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ trung cấp, đáp ứng nhu cầu thực của đại đa số người dân, đồng thời tối ưu hóa khả năng tiếp cận vốn vay. Người mua nhà ở thực nên tận dụng lợi thế tín dụng để gia tăng cơ hội sở hữu.
Theo VARS, đối với nhà đầu tư, việc giảm thiểu rủi ro là then chốt. Hạn chế đòn bẩy tài chính cao và tránh đầu tư vào các sản phẩm bị thổi giá là điều cần thiết. Thay vào đó, ưu tiên các khu vực có tiềm năng phát triển thực sự, hạ tầng đồng bộ và nhu cầu ở thực cao để đảm bảo hiệu quả đầu tư dài hạn.
Hải Yến