Kinh tế tư nhân: Thách thức trên đường phát triển
09:02 | 11/07/2018
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ với khu vực KTTN ở cả góc độ chủ trương chính sách, đường lối là những “đòn bẩy” vô cùng quan trọng để khu vực này trở về đúng vị trí của mình...
![]() | Khu vực tư nhân tốn thời gian cho thủ tục thuế hơn DN Nhà nước |
![]() | Còn nhiều trở ngại với kinh tế tư nhân |
![]() |
Kinh tế tư nhân vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún |
Con đường để “KTTN không cô đơn”
“Việc Đảng và Nhà nước quan tâm, nhấn mạnh tới việc ưu tiên phát triển khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) và việc Chính phủ gần đây luôn chú tâm lắng nghe các ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn cho khu vực DN này là những tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy sự quan tâm, thống nhất cao của cả hệ thống chính trị, tạo niềm tin cho khu vực kinh tế này phát triển như kỳ vọng”, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhận định tại Diễn đàn về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” do VCCI phối hợp với Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10/7. Các DN tư nhân đã ấm lòng, đã có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai phát triển của mình.
Đồng quan điểm như vậy, TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan ban hành chính sách và các cơ quan tổ chức thực hiện như trong những năm vừa qua đã đánh dấu một phương thức mới trong việc xử lý những vấn đề cấp bách của cuộc sống.
Nhiều luật quan trọng liên quan đến điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đã được sửa đổi, góp phần quan trọng cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển. Bằng cả các biện pháp hành chính và biện pháp xây dựng thể chế, các cơ quan quản lý Nhà nước đã chủ động vào cuộc.
Khu vực KTTN cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ và ngày càng khẳng định “là động lực quan trọng” của nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực KTTN đã tăng từ mức 6,9% năm 2010 lên 8,21% năm 2016.
Nhưng sự phát triển của KTTN chưa được như kỳ vọng. Dù là một lực lượng đông đảo, song KTTN vẫn là một cộng đồng nhiều người nhỏ ít người to lớn. “Nếu so sánh với các khu vực kinh tế khác thì khu vực KTTN chính thức vẫn còn rất nhỏ bé”, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Nghiên cứu thị trường VietAnalytics đánh giá và đặt câu hỏi: Vì sao khu vực tư nhân khó phát triển thành quy mô lớn hay DN tư nhân không muốn lớn?
Chính vị Phó chủ tịch VCCI cũng dùng đến từ “manh mún” để nói về khu vực tư nhân khi mà trong số các DN tư nhân đang hoạt động thì DN lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, DN vừa chiếm 2%, còn lại 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ. “Quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, khó tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao… đang là những thực trạng phổ biến của các DN tư nhân trong nước hiện nay”, ông Phòng trăn trở.
Còn chính khu vực KTTN cũng thẳng thắn cho rằng nỗ lực giải phóng thể chế, môi trường kinh doanh và nâng cao vai trò của khu vực KTTN nhiều năm qua đã có nhưng chưa đủ mức. Nhiều khi DN tư nhân vẫn cảm thấy cô đơn.
Để đảm bảo “DN tư nhân không cô đơn”, ông Phòng cho rằng, cần có vai trò dẫn dắt thị trường của Nhà nước để tạo lập môi trường bình đẳng, xã hội hoá dịch vụ công và giảm chi phí kinh doanh. Đơn cử, chi phí hành chính hiện tăng gấp đôi so với thực tế, thủ tục hành chính (TTHC) cải thiện nhưng vẫn nặng nề… Mặt khác, liên kết DN Việt Nam và DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn là "ốc đảo, chưa thể hoà hợp" dù điểm yếu này đã từng được chỉ ra.
Cần đi tiếp con đường cải cách
TS. Nguyễn Đức Kiên cũng thẳng thắn nhìn nhận, sau hơn 3 thập niên đổi mới, KTTN Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, và nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn chưa có nhiều đột phá. Bên cạnh yếu tố quản lý nhà nước, còn có nguyên nhân quan trọng là bản thân nhiều DN Việt chưa đáp ứng được các yếu tố quyết định của DN, bao gồm chiến lược kinh doanh, quản trị DN, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động, và đào tạo nguồn nhân lực.
Không ít DN Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, muốn có tiền tươi thóc thật ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều bao nhiêu đi nữa nhưng nếu bản thân các doanh nhân, DN không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn”, TS. Kiên nhận định.
Tại Diễn đàn này các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những hỗ trợ trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục các giải pháp hiệu quả để đồng hành cùng khu vực này phát triển. Cần tiếp tục đơn giản hóa tối đa các ĐKKD và TTHC cho việc thành lập và vận hành DN. Nâng cao năng lực quản trị cho các DN đang hoạt động, bảo đảm hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị DN.
Cùng với đó, cần có các chương trình cho vay vốn hiệu quả với DN nhỏ, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, đồng thời có những giải pháp đột phá trợ giúp DN trong tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh, xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho DNNVV. Việc tăng cường hệ thống thông tin về công nghệ và thị trường, kết nối hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước và hiệp hội DN, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cho DNNVV… cũng là những vấn đề được các đại biểu dự Diễn đàn nêu ra.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ với khu vực KTTN ở cả góc độ chủ trương chính sách, đường lối là những “đòn bẩy” vô cùng quan trọng để khu vực này trở về đúng vị trí của mình. Nhưng để KTTN thực sự là động lực tăng trưởng quan trọng, qua đó góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam “cất cánh” trong tương lai thì việc triển khai chủ trương, đường lối, chính sách và giải pháp trên thực tế, cùng với đó là nỗ lực và sự chủ động của bản thân các DN sẽ là những yêu cầu không thể thiếu trong quá trình này.
Hồng Quân