Khu vực tư nhân tốn thời gian cho thủ tục thuế hơn DN Nhà nước
Còn nhiều trở ngại với kinh tế tư nhân | |
Hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế tư nhân | |
Kinh tế tư nhân vẫn đang bị “cớm nắng” |
Một nghiên cứu gần đây về các rào cản đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân của trường Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục gặp nhiều rào cản trong việc gia nhập ngành, khó tiếp cận vốn và gặp nhiều khó khăn liên quan đến các thủ tục thuế và hải quan.
Ảnh minh họa |
Tính toán từ mẫu điều tra 699 doanh nghiệp của Báo cáo cho thấy, khu vực tư nhân phải tiêu tốn thời gian cho các thủ tục thuế và hải quan nhiều hơn so với khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Có tới 34,1% doanh nghiệp khu vực tư nhân phản ánh phải bỏ ra trên 20% thời gian trong một tháng để giải quyết các thủ tục thuế và hải quan, trong khi con số này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước chỉ là 14,7%.
Ngoài những khó khăn đặc thù như trên, khu vực kinh tế tư nhân cũng gặp phải những thách thức tương tự như các doanh nghiệp khác trong nước như về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, chi phí lương và bảo hiểm ngày càng cao, chi phí logistics lớn... Đây là những thách thức cần phải giải quyết để giúp doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cạnh tranh được với các doanh nghiệp trên thế giới.
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp và chất lượng doanh nghiệp phát triển chưa tỷ lệ thuận. Doanh nghiệp tư nhân mới chỉ đóng góp gần 8% GDP, phần lớn còn lại thuộc về khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình. Nghĩa là số đông trong khu vực kinh tế tư nhân vẫn là các hộ kinh doanh, các DN nhỏ, siêu nhỏ, hiệu quả hoạt động hầu như chưa có cải thiện trong nhiều năm qua.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy kinh tế tư nhân, Nhà nước cần phải tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Khuyến khích chuyển dịch lao động từ khu vực cá thể sang hình thức tổ chức doanh nghiệp hiện đại, từ tăng quy mô doanh nghiệp đang quá nhỏ hiện nay để tăng năng suất lao động.
Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường. Thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, có các cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp.
Hoàn thiện và bảo đảm thực thi minh bạch, hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tạo tiền đề hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân sở hữu hỗn hợp, bao gồm cả việc góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước có tiềm lực vững mạnh, đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, nông nghiệp…; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp của tư nhân,... đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công.
Cùng với đó, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Hoàn thiện và bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ. Kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư.
Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực. Đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng đủ nhu cầu số lượng và chất lượng nhân lực cho phát triển kinh tế tư nhân. Tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; quy hoạch và phát triển đào tạo theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và thị trường.
Có thể thấy, Nghị quyết số 10-NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Theo định hướng đến năm 2021, khu vực kinh tế này sẽ đóng góp 50-60% GDP của nền kinh tế. Trong năm 2017, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP, chiếm ưu thế so với khu vực doanh nghiệp Nhà nước vàdoanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).