Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong mùa dịch bệnh
09:01 | 24/02/2020
Có thể thấy, tình hình vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người tiêu dùng.
![]() | Hà Nội họp đột xuất trước sự gia tăng dịch bệnh Covid-19 ở Nhật Bản, Hàn Quốc |
![]() | Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, thân thiện |
![]() | Chung tay phòng dịch |
Hiện nay tình hình vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, ảnh hưởng lớn tới quyền lợi người tiêu dùng. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), trong thời gian qua, số lượng vụ việc khiếu nại, phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng tăng lên. Trong quá trình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, đối với một số vụ việc có phạm vi ảnh hưởng tới số đông người tiêu dùng hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Cục CT&BVNTD đã phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm làm rõ các hành vi của doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều cơ chế, chính sách cũng như chế tài xử lý để hoạt động đi vào thực chất hơn.
Lợi dụng tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, vừa qua nhiều hộ kinh doanh, hộ dân, thậm chí cả một số DN đã đã tranh thủ đầu cơ, tích trữ, thậm chí sản xuất hàng giả nhằm thu lợi bất chính ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người tiêu dùng.
![]() |
Các sàn TMĐT cũng cần phải kiểm định chất lượng hàng hóa |
Theo ghi nhận trên thị trường và phản ảnh của rất nhiều người dân là về tình trạng mặt hàng khẩu trang, nước rửa y tế, cồn kháng khuẩn… được găm hàng và đẩy giá bán lên cao gấp 5 - 7 lần ngày thường. Không những thế đã có một số hộ kinh doanh, DN đã lợi dụng cơ hội này để sản xuất hàng tung ra thị trường để kiếm lời. Điển hình như trường hợp cơ sở sản xuất của bà Quách Thị Hà Vân, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Cơ sở do bà Vân vận hành đã pha chế nước sát khuẩn, nước rửa tay khô từ cồn 90 độ và nước theo công thức trên mạng, sau đó đóng chai, dán mác và bán ra thị trường.
Tương tự, ngày 13/2/2020, đoàn kiểm tra của tổng cục cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất khẩu trang y tế của Công ty TNHH Việt Hàn, trụ sở tại thôn Khôn Thôn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín (Hà Nội). Tại đây, cơ quan quản lý thị trường phát hiện, số khẩu trang này được gắn mác là khẩu trang y tế có lớp kháng khuẩn… nhưng lõi lại được làm từ giấy vệ sinh. Lực lượng chức năng đã lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số khẩu trang này để điều tra xử lý theo quy định.
Trước tình hình vi phạm của nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất, nhất là một số hiệu thuốc đã nhập số lượng lớn những sản phẩm phòng chống dịch bệnh Covid-19, lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương đã tích cực kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm về giá bán, hàng không nhãn mác, hàng kém chất lượng. Đơn cử ngày 11/2 Đội QLTT số 1 - Cục QLTT Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra xe ô tô BKS 29C-939.89 đang vận chuyển 2.863 hộp khẩu trang của 18 loại, tương đương 143 nghìn chiếc không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, số khẩu trang y tế trên là hàng giả, không đạt yêu cầu về chất liệu theo TCVN 8389-1:2010.
Tương tự, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh vừa phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng thuốc trên địa bàn quận Tân Phú chứa hơn 100 nghìn chiếc khẩu trang 3 lớp không ghi thông số kỹ thuật theo quy định, không có hạn sử dụng và ngày tháng sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, tất cả số khẩu trang trên có nhãn nhưng không ghi đầy đủ thông tin bắt buộc theo quy định như không có thông số kỹ thuật, hạn sử dụng và ngày tháng sản xuất. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ số khẩu trang nêu trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật… Không chỉ kiểm tra trực tiếp, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương đã phối hợp với các Sàn thương mại điện tử như: Shopee.vn, Lazada.vn, Tiki.vn, chotot.com, vatgia.com, fado.vn... thường xuyên rà soát và thông báo tới người bán về việc không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá các sản phẩm hàng hóa phục vụ phòng dịch gây mất ổn định thị trường. Các sàn đã rà soát tổng số gần 224 nghìn gian hàng với trên 1 triệu sản phẩm và đã xử lý trên 30 nghìn gian hàng với gần 48 nghìn sản phẩm vi phạm.
Có thể thấy, tình hình vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người tiêu dùng. Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, thời gian vừa qua đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhận được nhiều thông tin người dân phản ánh về việc một số cửa hàng thuốc tại các tỉnh, thành phố lợi dụng dịch bệnh viêm phổi cấp để bán hàng giá cao, hàng kém chất lượng đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế (khẩu trang, nước sát khuẩn) gây nhiều bức xúc. Lực lượng chức năng đã tích cực đấu tranh và đã phát hiện, thu giữ và xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm. Các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công an, y tế tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch viêm phổi cấp gây ra nhằm kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm đối với các trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng với mục đích trục lợi. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình xử lý các vi phạm vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về những quy định và chế tài xử phạt.
Theo Ban chỉ đạo 389, hiện nay một số tỉnh, thành phố trong công tác phòng, chống dịch viêm phổi cấp nhiều gặp khó khăn trong việc xử lý đối với mặt hàng khẩu trang không có chứng từ, hóa đơn bị tạm giữ. Theo đó cần bổ sung các quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng là trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch theo hướng kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu phân phối nhằm tránh việc lợi dụng để tăng giá bán hoặc găm hàng đầu cơ, trục lợi khi có dịch. Đồng thời, để có thể hỗ trợ cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng, rất cần đến sự hợp tác từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm ngăn chặn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Nguyễn Minh