e magazine
Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

10:57 | 29/03/2025

Tây Nguyên - vùng đất đại ngàn huyền thoại với bạt ngàn cà phê, sao su, hồ tiêu nằm cạnh những dòng suối róc rách len lỏi giữa núi rừng. Đây là nơi cư ngụ của nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, lưu giữ những nét văn hoá độc đáo. Song đằng sau vẻ đẹp ấy là những khó khăn, chật vật trong đời sống của một bộ phận người dân, những con người đã “vượt khó đi lên” nhờ đồng vốn tín dụng chính sách.
Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Tây Nguyên - vùng đất đại ngàn huyền thoại với bạt ngàn cà phê, sao su, hồ tiêu nằm cạnh những dòng suối róc rách len lỏi giữa núi rừng. Đây là nơi cư ngụ của nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, lưu giữ những nét văn hoá độc đáo. Song đằng sau vẻ đẹp ấy là những khó khăn, chật vật trong đời sống của một bộ phận người dân, những con người đã “vượt khó đi lên” nhờ đồng vốn tín dụng chính sách.

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Những chương trình tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội", đã mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nguồn vốn ưu đãi không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn tạo động lực để người dân thay đổi tư duy sản xuất.

Trước đây, đa phần đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sống dựa vào nông nghiệp truyền thống với phương thức canh tác lạc hậu. Diện tích đất sản xuất nhỏ, kỹ thuật canh tác thô sơ và phụ thuộc vào thời tiết khiến năng suất cây trồng thấp, kéo theo cuộc sống khó khăn.

Chị Y Nông, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, chia sẻ: "Ngày trước, người dân chỉ biết gieo hạt rồi chờ trời cho mưa. Một năm chỉ thu hoạch được một vụ lúa, sản lượng không đủ ăn".

Không có vốn, nhiều hộ gia đình phải vay mượn từ nguồn không chính thống với lãi suất cao, rơi vào vòng xoáy nợ nần. Một số hộ buộc phải bán cả ruộng vườn để trả nợ.

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Nhằm tháo gỡ khó khăn này, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi giúp người dân tiếp cận vốn, thay đổi phương thức sản xuất.

Nhờ sự triển khai hiệu quả của Ngân hàng Chính sách xã hội, các chương trình tín dụng đã giúp nhiều hộ nghèo phát triển kinh tế. Chỉ thị số 40 ra đời đúng thời điểm, giúp người dân vùng sâu, vùng xa có cơ hội thoát nghèo.

Tại Kon Tum, gia đình bà Y Giang ở thôn Đăk Klong, xã Đăk Hring là một minh chứng điển hình. Là người khuyết tật bẩm sinh, trước đây bà chỉ trồng lúa trên diện tích nhỏ, không đủ ăn. Năm 2014, bà được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ hướng dẫn của Hội Nông dân, gia đình bà chuyển đổi từ trồng lúa sang cà phê và cao su. Sau ba năm, vườn cây cho thu hoạch, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Năm 2024, bà tiếp tục vay 120 triệu đồng để mở rộng sản xuất và kinh doanh tạp hóa.

Tại Gia Lai, ông Kpuih Tit ở làng Lung Prông, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, cũng thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách. Ban đầu, ông vay 50 triệu đồng để trồng 800 cây cà phê. Sau ba năm, vườn cà phê mang lại thu nhập hơn 70 triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, năm 2020, ông tiếp tục vay 50 triệu đồng để trồng thêm 400 cây điều. Hiện nay, kinh tế gia đình đã ổn định với thu nhập bình quân 60 - 80 triệu đồng/năm.

Hiệu quả của tín dụng chính sách không chỉ thể hiện qua các câu chuyện thực tế mà còn được chứng minh qua những con số cụ thể.

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Tại Gia Lai, theo ông Lê Văn Chí, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tín dụng chính sách đã giúp hơn 532.000 lượt hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn, trong đó hơn 254.000 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng số vốn giải ngân đạt trên 8.000 tỷ đồng.

Tại Kon Tum, tín dụng chính sách đã hỗ trợ hơn 48.000 lao động có việc làm, giúp hơn 2.500 học sinh, sinh viên khó khăn vay vốn học tập, xây dựng hơn 11.900 căn nhà cho hộ nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 26,11% (năm 2015) xuống còn 6,84% (cuối năm 2023). Đến nay, 48/85 xã của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tín dụng chính sách còn giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Từ chỗ trông chờ vào thiên nhiên, họ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, tiết kiệm và lập kế hoạch phát triển dài hạn.

Tín dụng chính sách xã hội đã thắp sáng hy vọng cho hàng nghìn hộ dân Tây Nguyên, giúp họ từng bước thoát nghèo bền vững. Dù hành trình phía trước còn nhiều thách thức, nhưng với sự hỗ trợ từ Nhà nước và nỗ lực của người dân, một Tây Nguyên ấm no, thịnh vượng không còn là giấc mơ xa vời.

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Tín dụng chính sách xã hội không chỉ là "cần câu cơm" giúp hàng nghìn hộ dân Tây Nguyên thoát nghèo, mà còn là đòn bẩy kiến tạo cuộc sống ổn định, bền vững cho cả cộng đồng. Những khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã mở ra cánh cửa tri thức, xây dựng nhà ở khang trang, cải thiện vệ sinh môi trường, góp phần thay đổi diện mạo vùng đất này.

Trên thực tế, giáo dục là chìa khóa thoát nghèo, nhưng gánh nặng chi phí học tập luôn là rào cản lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết bài toán khó khăn này, giúp hàng nghìn em nhỏ được đến trường, nuôi dưỡng ước mơ.

Câu chuyện của bác sĩ H'Yên Niê ở xã Krông Jing, huyện M'Drắk (Đắk Lắk) là một minh chứng. Năm 2009, khi nhận giấy báo nhập học Đại học Y khoa, H'Yên Niê vừa mừng vừa lo vì gia cảnh khó khăn. Nhờ khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk, chị đã hoàn thành chương trình đại học và trở thành trạm trưởng trạm y tế xã.

"Tín dụng chính sách xã hội không chỉ hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, mà còn trao cả tương lai tươi sáng cho con cái họ", bác sĩ H'Yên Niê chia sẻ.

Ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk ví von, tín dụng chính sách xã hội như dòng sông mềm mại uốn lượn qua các buôn làng, như làn gió thổi qua những đồi cà phê bạt ngàn. Tại Đắk Lắk, từ năm 2014 đến nay, tổng doanh số cho vay đạt hơn 14.943 tỷ đồng, giúp hơn 485.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn. Riêng chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đã giải quyết gần 8.000 lượt vay vốn, với dư nợ hơn 127 tỷ đồng.

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Nhà ở và vệ sinh môi trường là hai yếu tố then chốt ảnh hưởng đến chất lượng sống, nhưng lại là vấn đề nan giải ở nhiều vùng dân cư Tây Nguyên. Tín dụng chính sách xã hội đã tập trung hỗ trợ hộ nghèo xây nhà kiên cố và cải thiện điều kiện vệ sinh.

Gia đình bà Nay H'Krôn ở xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa (Gia Lai) là một ví dụ điển hình. Năm 2020, nhờ khoản vay 70 triệu đồng, gia đình bà đã đầu tư chăn nuôi bò, xây nhà tắm, nhà vệ sinh. Sau 4 năm, gia đình bà đã vươn lên trở thành hộ khá giả, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. "Nhờ vốn vay, gia đình tôi đã xây được nhà khang trang, không còn cảnh nhà tạm bợ", bà H'Krôn chia sẻ.

Tại Gia Lai, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần xây dựng 242.017 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường và 3.022 căn nhà cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tín dụng chính sách xã hội không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho từng hộ gia đình, mà còn tạo ra những tác động xã hội tích cực, thay đổi diện mạo cả cộng đồng. Nhờ vốn vay học sinh, sinh viên, tỷ lệ trẻ em bỏ học ở Tây Nguyên đã giảm đáng kể. Các chương trình tín dụng hỗ trợ xây nhà ở, nhà vệ sinh đã nâng cao chất lượng sống của người dân. Riêng tại Đắk Lắk, chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp gần 56.000 hộ dân cải thiện điều kiện sống. Sự thay đổi về điều kiện sống và môi trường đã nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ sức khỏe và phát triển bền vững.

Những câu chuyện đổi đời của người dân Tây Nguyên là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả và ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội. Với sự đồng hành của Nhà nước và nỗ lực của mỗi cá nhân, Tây Nguyên đang từng ngày "thay da đổi thịt", vững bước trên con đường phát triển và hội nhập.

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Từ những bản làng xa xôi ở Kon Tum, những cánh đồng cà phê bạt ngàn ở Gia Lai, đến những hộ gia đình tại Đắk Lắk, tinh thần chung tay đã và đang tạo nên sức mạnh tập thể, giúp Tây Nguyên phát triển ngày càng vững bền.

Chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, triển khai các chương trình tín dụng đến tận tay người dân. Các buổi tuyên truyền, hội thảo hướng dẫn, và những chuyến đi thực tế đến từng hộ gia đình được tổ chức thường xuyên, đảm bảo chính sách được hiểu và áp dụng hiệu quả.

Tại Kon Tum, việc thực hiện Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW đã được cụ thể hóa bằng các kế hoạch phù hợp với tình hình địa phương. Nguồn lực được tập trung vào tín dụng chính sách xã hội, gắn liền với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, việc làm và an sinh xã hội.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong việc giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.

Nhờ sự chỉ đạo sát sao, nhiều hộ dân đã biết cách khai thác nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Ví dụ, tại huyện Kon Plông (Kon Tum), chính quyền đã tổ chức các nhóm hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp, giúp người dân phát triển các mô hình trồng rau sạch và cây dược liệu có giá trị cao.

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Chính quyền các địa phương còn đóng vai trò cầu nối giữa ngân hàng và người dân, đảm bảo nguồn vốn vay được phân bổ đúng đối tượng, đúng mục tiêu.

Các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên đã trở thành lực lượng nòng cốt trong việc triển khai, giám sát và hỗ trợ thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Hội Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ người dân sử dụng vốn vay hiệu quả, tổ chức các lớp tập huấn khuyến khích phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

Hội Nông dân Đắk Lắk đã đóng vai trò cầu nối chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hội viên nông dân, giúp họ đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cách tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách xã hội; phối hợp tổ chức diễn đàn “Tín dụng an toàn cho phụ nữ” cho hội viên là những người có nguy cơ cao liên quan đến “tín dụng đen” để được lắng nghe, trao đổi của các ngành chức năng cảnh báo những phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, lừa đảo, các hành vi đòi nợ trái pháp luật; triển khai các văn bản pháp luật về chính sách tín dụng, các khoản cho vay ưu đãi… góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”.

Tín dụng chính sách xã hội tại Tây Nguyên còn là câu chuyện của sự đoàn kết và sẻ chia trong cộng đồng. Các tổ tiết kiệm và vay vốn trở thành mô hình điểm, tạo điều kiện cho người dân chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sử dụng vốn.

Tại Kon Tum có 1.674 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động hiệu quả tại 756 thôn, tổ dân phố. Các tổ tiết kiệm và vay vốn chịu sự quản lý trực tiếp của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác với gần 68.000 thành viên, bình quân mỗi tổ có 41 thành viên.

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Hàng năm, các tổ tiết kiệm và vay vốn đều tổ chức đánh giá, kiểm điểm xếp loại để kịp thời động viên, phê bình những mặt làm được và chưa được. Nhiều năm qua, các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các địa phương trên toàn tỉnh luôn làm tốt nhiệm vụ quản lý nguồn vốn vay ưu đãi một cách hiệu quả.

Sự gắn kết trong cộng đồng còn thể hiện ở tinh thần chia sẻ tri thức và kinh nghiệm. Nhiều hộ dân sẵn sàng hỗ trợ nhau về kỹ thuật sản xuất, cách tìm kiếm thị trường, và thậm chí là cùng nhau tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương như đường làng, trường học.

Sự phối hợp giữa hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Tây Nguyên. Chính sự chung tay đồng lòng giữa các bên giúp Tây Nguyên chuyển mình từ một vùng đất khó khăn trở thành một khu vực đầy tiềm năng phát triển.

Tín dụng chính sách xã hội không chỉ đơn thuần một giải pháp tài chính mà còn là một sứ mệnh xã hội mang đậm tính nhân văn. Khi chính sách gặp được sự đồng lòng và quyết tâm, Tây Nguyên chắc chắn sẽ vươn cao và phát triển bền vững, trở thành niềm tự hào của đất nước.


Bài: Công Thái - Trình bày: Hoàng Long

Có thể bạn quan tâm

Các tổ chức tín dụng tại Khu vực 12 hoạt động an toàn, hiệu quả

Các tổ chức tín dụng tại Khu vực 12 hoạt động an toàn, hiệu quả

Ngày 1/4, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng dẫn đầu Đoàn công tác làm việc với NHNN chi nhánh Khu vực 12 (bao gồm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu) về các mặt hoạt động sau hơn một tháng sáp nhập 63 NHNN chi nhánh tỉnh thành phố thành 15 NHNN khu vực.
Đồng vốn Agribank - động lực cho khởi nghiệp thành công

Đồng vốn Agribank - động lực cho khởi nghiệp thành công

Bắt đầu câu chuyện về hành trình hơn 30 năm làm trang trại, trồng cây ăn quả của mình, ông Lê Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã Nga Hải (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), kể về những gian nan đã trải qua. Năm 1993, trong thời điểm vô cùng khó khăn, ông đã được Agribank chi nhánh Hà Tĩnh cho vay thế chấp 100 triệu đồng để làm nông nghiệp. Đây là khách hàng đầu tiên được vay nhiều đến thế trên địa bàn lúc đó. Với đồng vốn này, ông dùng để san lấp mặt bằng, đầu tư con giống như nuôi bò, dê, sau đó là vịt, ngan…
Ngân hàng mở rộng hệ sinh thái tài chính

Ngân hàng mở rộng hệ sinh thái tài chính

Ngày càng nhiều ngân hàng thành lập và sở hữu các công ty bảo hiểm, qua đó tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm tài chính toàn diện cho khách hàng. Đây cũng chính là xu hướng tất yếu để các ngân hàng mở rộng hệ sinh thái, trở thành các tập đoàn tài chính theo mô hình ngân hàng mở tích hợp.
Phiên bản di động