e magazine
[eMagazine] Ngân hàng số: Từ nhu cầu đổi mới đến cách mạng công nghệ - Kỳ cuối

16:14 | 30/12/2019

Kỳ cuối: Để phát triển ngân hàng số đúng nghĩa

Với sự “thúc ép“ của CMCN 4.0, trên 90% ngân hàng Việt Nam đang theo đuổi chiến lược phát triển ngân hàng số. Trong cuộc chạy đua với quá nhiều đối thủ lẫn đối tác này, họ sẽ phải giải quyết những vấn đề gì?

Trao đổi với phóng viên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng một trong những thách thức lớn nhất trong tiến trình số hoá ngân hàng nằm ở hành lang pháp lý. Đơn cử gần đây, Chính phủ bắt đầu cho phép thực hiện e-KYC (định danh khách hàng điện tử).

Tuy nhiên, bất cập nằm ở chỗ Việt Nam chưa có một cơ sở dữ liệu cá nhân để định danh thống nhất, nên việc xác thực khách hàng trong tương lai bằng số hoá vẫn còn gặp khó khăn.

Ông Lực cũng nhận thấy, tốc độ chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng vẫn còn chậm, chưa đồng đều, có ngân hàng tiến nhanh, có nhà băng còn khá chậm, thậm chí có ngân hàng gần như vẫn “dậm chân tại chỗ”. Đó là chưa kể, nguồn nhân lực cho kinh doanh số, ngân hàng số của Việt Nam nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng còn tương đối mỏng, chúng ta đang khan hiếm những kỹ sư vừa hiểu biết về công nghệ thông tin vừa hiểu biết về lĩnh vực ngân hàng.

"Chúng ta đang khan hiếm những kỹ sư vừa hiểu biết về công nghệ thông tin vừa hiểu biết về lĩnh vực ngân hàng" - TS. Cấn Văn Lực

HÓA GIẢI THÁCH THỨC NHÂN SỰ

Đây thực sự là vấn đề không dễ giải quyết, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao đang diễn ra ngày càng gay gắt. Chưa kể, dân số Việt Nam đang có nguy cơ “già trước khi giàu”.

Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 công bố hôm 19/12 cho biết tổng số dân của Việt Nam hiện là 96,2 triệu người, tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi vẫn chiếm đa số (khoảng 68% tổng dân số) nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh nhất (chiếm 7,7%).

Những con số trên cho thấy dù Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tốc độ già hoá dân số đang tăng nhanh, đòi hỏi phải vừa có chính sách để thích ứng, đồng thời tập trung nguồn nhân lực vàng cho phát triển kinh tế.

Một khảo sát của McKinsey rút ra kết luận 43% thời gian làm việc tại các ngân hàng có thể được tự động hoá bằng công nghệ hiện đại.

TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, cho rằng mô hình quản trị nhân sự truyền thống trong ngân hàng vốn cồng kềnh sẽ ngày càng thiếu hiệu quả. Một cấu trúc tổ chức nhân sự giảm bớt các cơ cấu hành chính cũ, linh hoạt và gọn nhẹ theo mô hình tổ chức của phương pháp Agile (được hiểu là sự thay thế tối ưu cho các mô hình quản lý công việc truyền thống đối với nhiều lĩnh vực) sẽ là một xu hướng mới.

Theo bà Hiền, các ngân hàng sẽ chuyển dần từ cấu trúc phân cấp từ trên xuống dưới sang cấu trúc mạng lưới kiểu đội/nhóm - nơi các nhà quản lý cho phép mỗi nhóm đảm nhiệm một công việc mới hay phát triển một dự án cụ thể.

GIẢI PHÁP TỰ ĐỘNG HÓA

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang cách thức quản trị mới của ngân hàng khó khăn hơn so với các công ty công nghệ. Việc đòi hỏi tuân thủ các quy định pháp lý, quy trình giám sát, kiểm soát rủi ro chặt chẽ là yếu tố làm giảm tốc độ áp dụng tự động hoá cũng như chuyển đổi sang mô hình tổ chức linh hoạt hơn.

"Các TCTD cần phải xác định rất rõ cách tiếp cận đối với câu chuyện ngân hàng số. Đó là chiến lược hay chỉ là dự án, là thêm thắt của mỗi TCTD? Quan điểm của tôi, đây phải là vấn đề chiến lược vì nó sẽ làm thay đổi mô hình, mô thức kinh doanh của TCTD" - TS. Cấn Văn Lực

Liên quan đến áp dụng tự động hoá, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ, cần có chính sách về thuế để khuyến khích TTKDTM cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ, cũng như chế tài xử phạt. Chúng ta có các chính sách mở cửa thị trường thanh toán, song theo TS. Nghĩa thì cơ sở pháp lý về số hoá nền kinh tế còn khá trống vắng. Không chỉ đơn thuần dừng ở việc cấp phép, mà còn phải xem các tổ chức sử dụng công nghệ gì, có ích cho hệ thống thanh toán của quốc gia hay không?

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu của bản thân mỗi TCTD cũng đứng trước thách thức phải xây dựng theo xu hướng của dữ liệu lớn - Big Data. Dữ liệu lớn hiện vẫn chưa thật sự được các đơn vị chú trọng triển khai quyết liệt.

Trong đó, việc tận dụng và làm sạch dữ liệu ra sao để tăng về chất cho dữ liệu cũng là thách thức đối với mỗi ngân hàng. Ở thời đại CMCN 4.0, tổ chức nào càng nắm được nhiều dữ liệu được chuẩn xác thì càng có giá trị. Với dữ liệu, ngân hàng phải “vừa làm sạch những gì đã có, và làm giàu những gì chưa có”.

Thêm nữa, nhận thức, hành động từ phía cơ quan quản lý, ngân hàng, đến khách hàng trong việc đồng hành với quá trình số hoá, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, đâu đó vẫn còn chưa đạt được như kỳ vọng. Đây là những vấn đề cần phải khắc phục mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để đảm bảo quá trình số hoá trong hệ thống ngân hàng hiệu quả.

emagazine ngan hang so tu nhu cau doi moi den cach manh cong nghe ky cuoi
emagazine ngan hang so tu nhu cau doi moi den cach manh cong nghe ky cuoi

NHỮNG CUỘC CHẠY ĐUA ĐẾN 4.0

Vậy, trong khi chúng ta đang chạy đua với CMCN 4.0, nhưng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng như thế nào được coi là ngân hàng 4.0?

Theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới (WB), ngân hàng số có bốn mức độ: Ngân hàng 1.0 là ngân hàng đa kênh cung cấp nhiều kênh dịch vụ cho khách hàng như Internet banking, Mobile banking; Ngân hàng 2.0 là ngân hàng hợp kênh (omni- channel) khi mọi dịch vụ ngân hàng cung cấp lên một ứng dụng rất thuận tiện cho khách hàng sử dụng; Ngân hàng 3.0 là tất cả dịch vụ ngân hàng không cần đến ngân hàng cũng có thể thực hiện được; Ngân hàng 4.0 là ngân hàng trải nghiệm, cá thể hóa cho khách hàng.

Theo đánh giá của Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đình Thắng, ở Việt Nam đa phần các ngân hàng đã bước qua ngân hàng 1.0. Một số ngân hàng sử dụng hợp kênh, tức là nhiều sản phẩm, dịch vụ được đưa lên app (ứng dụng) cho khách hàng sử dụng.

LienVietPostBank cũng định hướng vừa song hành ngân hàng 2.0, và phát triển lên 3.0 với nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái cho khách hàng. Tiến trình số hoá của ngân hàng theo lãnh đạo nhà băng này cần có nhiều giải pháp, nhưng quan trọng là ngân hàng phải chủ động làm, thực hiện ngay chiến lược chuyển đổi số, khung pháp lý và những hỗ trợ khác từ phía cơ quan quản lý chỉ là tác động tăng thêm.

Từ góc độ của một công ty trung gian thanh toán, ông Nguyễn Tuấn Lương, Phó Tổng Giám đốc VNPay nhận thấy, thách thức lớn của cả Fintech và ngân hàng là cần thay đổi về mặt công nghệ để tạo ra những kết nối dễ dàng hơn.

“Làm sao để người dùng có thể giảm thiểu thời gian tương tác thì đứng đằng sau phải là công nghệ, để rút ngắn từ 10 bước thao tác xuống 4 bước, 2 bước, và tiến tới không chạm. Công nghệ sẽ được giải quyết từ các nguồn lực, đầu tư mạnh mẽ từ các công ty Fintech cũng như ngân hàng”, ông Lương nói.

"Chuyển đổi số không còn là một khái niệm, mà là hành động cụ thể, quyết định sự sống còn, tồn vong của bất kỳ tổ chức nào, trong đó có ngân hàng" - Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú

HOÀN THIỆN PHÁP LÝ - CƠ SỞ CHO NGÂN HÀNG SỐ

Với tinh thần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy khách hàng làm trọng tâm và kịp thời nắm bắt, tận dụng hiệu quả những ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc CMCN 4.0, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, NHNN đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động của Ngành nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0.

Ngoài việc tạo lập hành lang pháp lý qua hàng loạt văn bản, quy định đã, sẽ được ban hành, NHNN sẽ tập trung xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ, trước hết là hạ tầng thanh toán điện tử với việc nâng cấp Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng theo hướng tập trung hóa và thúc đẩy việc vận hành chính thức Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ cho các giao dịch bán lẻ (ACH) hoạt động 24x7, xử lý thanh toán tức thời (real-time); Triển khai các tiêu chuẩn về thanh toán QR code, tiêu chuẩn thẻ chip nhằm tăng cường tính kết nối, xử lý liên thông giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán và phục vụ thanh toán an toàn, thuận tiện, tích hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác…

Có thể nói ngành Ngân hàng đã, đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để làm cơ sở cho các đơn vị phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số. Mục tiêu của cơ quan quản lý không chỉ là tạo sân chơi an toàn, bình đẳng cho các bên tham gia thị trường mà còn hướng tới người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dễ dàng và hiệu quả hơn các dịch vụ tài chính, để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình số hoá ngân hàng.

"Thách thức lớn của cả Fintech và ngân hàng là cần thay đổi về mặt công nghệ, tạo ra những kết nối dễ dàng hơn" - Phó Tổng Giám đốc VNPay, Nguyễn Tuấn Lương

Bài: An Bình, Minh Khuê, Hà Thành

Trình bày: Lê Thành, Anh Quân

[eMagazine] Ngân hàng số: Từ nhu cầu đổi mới đến cách mạng công nghệ - Kỳ I [eMagazine] Ngân hàng số: Từ nhu cầu đổi mới đến cách mạng công nghệ - Kỳ II [eMagazine] Ngân hàng số: Từ nhu cầu đổi mới đến cách mạng công nghệ - Kỳ III

Có thể bạn quan tâm

Phát triển dịch vụ ngân hàng trên nền tảng đối tác BAAS

Phát triển dịch vụ ngân hàng trên nền tảng đối tác BAAS

Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 diễn ra sáng 8/5, ông Vũ Thành Trung, Thành viên Ban Điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã chia sẻ những thông tin liên quan đến chủ đề Phát triển dịch vụ ngân hàng trên nền tảng đối tác Banking as a service (BAAS).
ACB: Tăng trưởng tín dụng 3,8%

ACB: Tăng trưởng tín dụng 3,8%

Theo Báo cáo tài chính quý 1/2024 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa được công bố, ngân hàng này tiếp tục thuộc tốp đầu nhóm ngân hàng tư nhân, có mức tăng trưởng quy mô vượt xa bình quân toàn Ngành trong bối cảnh nhiều thách thức.
HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận 16.000 tỷ đồng, chia cổ tức 30%

HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận 16.000 tỷ đồng, chia cổ tức 30%

Ngày 26/4/2024, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank, mã chứng khoán: HDB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 và thông qua chỉ tiêu lợi nhuận 16.000 tỷ đồng, chia cổ tức 30%.

Tin mới

Phiên bản di động