e magazine
Xây dựng hệ sinh thái cho kinh tế tư nhân vươn mình

07:00 | 28/03/2025

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8%, tạo đà cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030. Để đạt mục tiêu này, khu vực kinh tế tư nhân sẽ phải đạt mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm, nếu không nền kinh tế sẽ khó có thể đạt được các mục tiêu đề ra.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8%, tạo đà cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030. Để đạt mục tiêu này, khu vực kinh tế tư nhân sẽ phải đạt mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm, nếu không nền kinh tế sẽ khó có thể đạt được các mục tiêu đề ra.

Cần những hỗ trợ mang tính hệ thống

Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khu vực tư nhân vẫn phát triển một cách thụ động. TS. Nguyễn Đình Cung nhận định: "Doanh nghiệp tư nhân chưa được khuyến khích, hỗ trợ một cách có hệ thống để khơi dậy hết tiềm năng. Nếu khu vực kinh tế tư nhân không đạt mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm, nền kinh tế sẽ khó có thể đạt được các mục tiêu đề ra".

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, trong một nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp hình thành và phát triển theo nhiều tầng lớp, từ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, vừa, đến các tập đoàn kinh tế lớn. "Nền tảng doanh nghiệp càng rộng và đông đảo thì các doanh nghiệp ở đỉnh cao mới có cơ hội xuất hiện nhiều hơn. Không thể xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn nếu bỏ qua việc củng cố nền tảng", ông nhấn mạnh.

Quá trình này đòi hỏi sự phát triển theo hướng mở rộng số lượng doanh nghiệp trước khi tập trung vào nâng cao chất lượng. Khi số lượng doanh nghiệp đủ lớn, các đơn vị tiềm năng mới có thể vươn lên thành những tập đoàn kinh tế chủ lực. Để làm được điều đó, mỗi tầng lớp doanh nghiệp cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ phù hợp.

Doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ hiện chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm và đảm bảo sinh kế cho người dân. Đây cũng là tầng lớp quyết định sự ổn định và khả năng chống chịu của nền kinh tế. Tuy nhiên, để dẫn dắt và tạo động lực tăng trưởng, không thể thiếu sự hiện diện của các tập đoàn kinh tế - những "con sếu đầu đàn" trong hệ sinh thái doanh nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 20 tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, hoạt động trong các ngành trụ cột của nền kinh tế, như Vingroup, Thaco... Để nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc gia cần nhân rộng con số này lên 50, 70 hay 100 tập đoàn, tổng số doanh nghiệp tăng lên mức 1,5 triệu, 2 triệu, thậm chí 3 triệu.

Theo đó, "Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế lớn. Các chiến lược phát triển kinh tế hiện nay đã xác định rõ những dự án lớn, trọng điểm quốc gia, các ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cần có sự tham gia của các tập đoàn tư nhân như những đối tác chiến lược", ông Cung khuyến nghị.

Điều này không chỉ tạo cơ hội để các doanh nghiệp lớn đóng góp cho nền kinh tế mà còn khơi dậy khát vọng cống hiến của giới doanh nhân – những người không chỉ hướng đến lợi nhuận mà còn mong muốn đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Xây dựng hệ sinh thái cho kinh tế tư nhân vươn mình

Ông Cung cũng cho rằng, việc làm chủ khoa học công nghệ là yếu tố then chốt thúc đẩy kinh tế tư nhân, trong đó vai trò của Nhà nước không thể thay thế. Nhìn vào các nền kinh tế phát triển như Mỹ, có thể thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển công nghệ. Việt Nam cũng đang hướng đến mô hình này để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

"Khi các doanh nghiệp tư nhân phát triển thành tập đoàn đa quốc gia, tiềm lực của họ đôi khi còn vượt trội hơn cả Nhà nước trong một số lĩnh vực. Do đó, cần có chính sách tận dụng sức mạnh của các tập đoàn này trong công cuộc phát triển quốc gia", ông cho biết.

Hai trụ cột cần thiết để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ

TS. Nguyễn Đình Cung cũng chỉ ra hai trụ cột quan trọng cần xây dựng hoàn thiện để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân vươn mình trong kỷ nguyên mới, đó là thể chế và vốn.

Thứ nhất là cải cách thể chế. Tháo được “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, tạo “đột phá của đột phá” thì trọng tâm của trụ cột là tháo bỏ, chuyển đổi hệ thống pháp luật chồng chéo, trùng lặp, không rõ ràng, không hiệu quả, không cụ thể, minh bạch…

Hệ thống pháp luật thiên về quản lý, “không quản được thì cấm”, tức “năng lực hiểu biết của cơ quan nhà nước đến đâu thì mở cho làm đến đó”, cần phải được chuyển sang một hệ thống pháp luật thông thoáng, tạo môi trường thực sự tự do kinh doanh, thực sự tự do sáng tạo, kinh doanh bình đẳng với một chi phí tuân thủ thấp, không gặp rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp được thể hiện hết khả năng của mình để cống hiến làm giàu cho bản thân và đất nước. Đồng thời, những tranh chấp xảy ra được giải quyết một cách công bằng, hiệu quả.

Xây dựng hệ sinh thái cho kinh tế tư nhân vươn mình

Về vốn ngân hàng, hiện đã có hàng trăm tổ chức tín dụng hỗ trợ vốn cho kinh tế tư nhân. Tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp tư nhân tại các tổ chức tín dụng đạt gần 7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 14,7% so với năm 2023, chiếm khoảng 44% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, có hơn 100 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng dư nợ đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2023, chiếm 17,6% dư nợ nền kinh tế; trong đó có 208.992 doanh nghiệp nhỏ và vừa còn dư nợ.

Điều đó cho thấy nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho mục đích sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguồn vốn để doanh nghiệp phát triển không chỉ cần vốn tín dụng, mà còn là vốn đầu tư dài hạn. Như vậy, Nhà nước cần mở ra thị trường vốn đầu tư đa dạng hơn, giảm gánh nặng cho phía ngân hàng. Phải phát triển thị trường vốn có các loại quỹ, điều mà hiện nay chúng ta đang thiếu rất nhiều. Vì thiếu nên nhiều doanh nghiệp chưa phát triển được…

"Cần tạo ra một môi trường, hệ thống chính sách hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, tạo cho họ một môi trường tiếp cận vốn, đất đai, khoa học công nghệ, dữ liệu… kịp thời, đủ lớn về quy mô và đồng bộ để họ bứt phá lên một cấp độ mới, từ siêu nhỏ đến vừa, vừa đến lớn - một ngưỡng rất khó của doanh nghiệp". TS. Nguyễn Đình Cung phân tích và nhấn mạnh, "một hệ thống pháp luật thông thoáng, chi phí tuân thủ thấp, không rủi ro pháp lý sẽ tạo môi trường tự do kinh doanh, khơi dậy sáng tạo và động lực cống hiến của doanh nghiệp".

Lê Minh

Có thể bạn quan tâm

Luật Dữ liệu sẽ tăng cường an ninh mạng, tạo động lực cho phát triển kinh tế số

Luật Dữ liệu sẽ tăng cường an ninh mạng, tạo động lực cho phát triển kinh tế số

Luật Dữ liệu sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước, cắt giảm thủ tục hành chính, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế số của Chính phủ. Xung quanh vấn đề này, Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hiệp hội Tin học TP. Hồ Chí Minh (HCA)
Dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025

Dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025

Các chuyên gia cho rằng năm 2025, giá trị dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng 15-20%. Trong đó, ngân hàng vẫn là người mua chính đối với trái phiếu doanh nghiệp.
Doanh nghiệp dân tộc - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng

Doanh nghiệp dân tộc - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những biến động nhanh chóng, Việt Nam cần phải tận dụng thời cơ để phát triển kinh tế một cách bền vững. Trong đó, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phiên bản di động