![]() |
Một trung tâm tài chính quốc tế chỉ có thể thành công nếu có hệ thống hạ tầng tài chính và khung pháp lý đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Là "người mới" trong lĩnh vực này, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, đồng thời lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia để rút ngắn lộ trình phát triển. Điều quan trọng là Việt Nam sẽ xây dựng một trung tâm tài chính mang đậm bản sắc Việt Nam, phù hợp với đặc thù kinh tế, văn hóa và định hướng phát triển của đất nước.
Việt Nam hướng đến mạng lưới tài chính thương mại toàn cầu
![]() |
Trao đổi về chủ trương xây dựng và vận hành trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam trong chuyến công tác gần đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định, xây dựng và phát triển các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là một quyết định quan trọng nhằm tạo nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đưa tăng trưởng GDP của Việt Nam lên hai chữ số, hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2045.
Việt Nam quyết tâm xây dựng một trung tâm tài chính theo chuẩn mực quốc tế, minh bạch, hiệu quả, có nền tảng pháp lý vững chắc, trình độ nhân lực cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, có môi trường đầu tư an toàn, bền vững, góp phần kết nối ASEAN với các trung tâm tài chính thế giới.
Theo đó, việc xây dựng và vận hành trung tâm tài chính quốc tế gắn liền với tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn và uy tín đối với nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, có các giải pháp như cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng, dễ đoán định, phù hợp với chuẩn mực quốc tế; hoàn thiện cơ sở hạ tầng như hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số...
![]() |
Thực tế trong các buổi làm việc, tiếp xúc gần đây với đại diện Chính phủ Việt Nam, các đối tác, doanh nghiệp quốc tế cũng khẳng định, việc xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam là một quyết định rất quan trọng, đúng đắn, sáng suốt, giúp bảo đảm tương lai vững mạnh về tài chính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vương quốc Anh (quốc gia có London được tổ chức Z/Yen - tổ chức tư vấn thương mại hàng đầu có trụ sở tại London, Anh - đánh giá là trung tâm tài chính đã phát triển toàn diện và có thế mạnh đặc biệt trong các sản phẩm tài chính) Lord Livermore đánh giá cao khát vọng và tiến độ của Chính phủ Việt Nam trong xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Đại diện phía Anh chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình trung tâm tài chính London, nhấn mạnh ba yếu tố then chốt tạo nên thành công của trung tâm này là cơ chế quản lý hiệu quả; nguồn nhân lực chất lượng cao; cùng hệ thống giải quyết tranh chấp phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phía Anh khẳng định hoàn thiện khung pháp lý sẽ là yếu tố quyết định giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư tài chính quốc tế. Đồng thời, Vương quốc Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực tài chính xanh và quản trị trung tâm tài chính, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai quốc gia trong thời gian tới.
![]() |
Nhận thức được việc phát triển thị trường vốn và thị trường tiền tệ - ngân hàng là những cấu phần quan trọng mang tính nền tảng để tạo lập các trung tâm tài chính, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng chia sẻ, thời gian qua, NHNN đã và đang nghiên cứu để triển khai các chính sách và lộ trình áp dụng về hoạt động ngoại hối, phát triển thị trường tiền tệ, ngân hàng... trong trung tâm tài chính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài; hướng tới phát triển trung tâm tài chính vừa đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Về cơ chế giám sát đảm bảo an ninh - an toàn tài chính quốc gia, trong trung tâm tài chính sẽ thành lập các cơ quan quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp. NHNN sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành phân tích, đánh giá tác động của các chính sách ưu đãi đột phá, đưa ra các cách thức quản lý, điều hành phù hợp. Trong bất kỳ trường hợp nào, bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ quốc gia luôn là ưu tiên hàng đầu. Thu hút đầu tư nước ngoài phải đi đôi với việc bảo đảm an toàn - an ninh tài chính quốc gia Thống đốc nhấn mạnh.
![]() |
Chia sẻ kĩ hơn về vai trò của ngành Ngân hàng trong phát triển các trung tâm tài chính quốc tế, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, NHNN đang nghiên cứu những thay đổi pháp lý và chính sách đặc thù một cách kỹ lưỡng nhằm hướng tới mục tiêu tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các định chế tài chính và các nhà đầu tư quốc tế uy tín, xây dựng một hệ sinh thái tài chính hấp dẫn và lành mạnh. Trong đó, NHNN sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc giám sát và điều tiết hoạt động của các tổ chức tài chính trong trung tâm, đảm bảo các hoạt động tài chính không chỉ hợp pháp mà còn an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia.
NHNN cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác để đưa ra những biện pháp giám sát mạnh mẽ, bao gồm việc kiểm tra định kỳ, đánh giá rủi ro và quản lý các hoạt động của các tổ chức tài chính trong trung tâm tài chính quốc tế. Điều này không chỉ giúp tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mà còn đảm bảo rằng Việt Nam sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực tài chính.
Tích cực lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm quốc tế
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chia sẻ, xây dựng và phát triển các trung tâm tài chính quốc tế là một tham vọng lớn với nhiều thách thức, phức tạp, trong khi Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, để khắc phục những khó khăn này, không có cách nào khác là phải dựa vào kinh nghiệm của các trung tâm tài chính có nhiều năm hoạt động thành công.
Để xây dựng một cơ chế pháp lý và hệ thống giám sát vững mạnh, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng khẳng định, Việt Nam cần học hỏi từ các mô hình tài chính thành công trên thế giới để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Các quốc gia như Singapore, Hong Kong, London, Dubai… đã xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế mạnh và có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Những mô hình này không chỉ thu hút được dòng vốn đầu tư quốc tế mà còn giúp các quốc gia củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế.
Đây cũng là lý do trong chuyến công tác Anh, Luxembourg và Cộng hòa Liên bang Đức vừa qua cùng với Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng dẫn đầu Đoàn NHNN đã có liên tiếp các buổi làm việc song phương với các đối tác để tìm hiểu sâu hơn về kinh nghiệm xây dựng chính sách đặc thù trong lĩnh vực ngân hàng tại trung tâm tài chính.
![]() |
Trước lời hiệu triệu từ Tổ quốc thân yêu, chị Phạm Thị Hương Ly - Thạc sỹ kế toán kiểm toán, Trưởng nhóm báo cáo tài chính tại Tập đoàn Aztec Luxembourg chuyên về dịch vụ tài chính quỹ đầu tư đã chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình tham gia vào trung tâm tại chính. Theo chị Phạm Thị Hương Ly, để thành lập một trung tâm tài chính quốc tế thành công, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng một hệ thống thể chế minh bạch và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Nhà đầu tư luôn tìm kiếm môi trường đầu tư ổn định, nơi mà sự minh bạch cùng việc bảo đảm an toàn tài chính được đặt lên hàng đầu. Song song với đó, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là yếu tố không thể thiếu. Đội ngũ lãnh đạo và nhân viên của trung tâm tài chính cần được trang bị kiến thức quốc tế sâu rộng, đáp ứng mọi yêu cầu của thị trường tài chính toàn cầu. Điều này không chỉ giúp trung tâm vận hành hiệu quả mà còn tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, tầm quan trọng của hạ tầng pháp lý vững chắc, đặc biệt trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng. Cơ sở hạ tầng pháp lý cần được xây dựng chặt chẽ, đảm bảo sử dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tài chính (FinTech) để giảm thiểu rủi ro từ các cuộc tấn công mạng - một vấn đề đang được Luxembourg đặc biệt quan tâm với những quy định mới dự kiến ban hành trong năm 2025.
Bên cạnh đó, cần thông qua các diễn đàn quốc tế để quảng bá hình ảnh trung tâm tài chính Việt Nam. Theo chị Phạm Thị Hương Ly, việc tổ chức các hội nghị, diễn đàn sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo cơ hội giao lưu, học hỏi và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Xây dựng trung tâm tài chính mang đậm bản sắc riêng
Chia sẻ tại Hội nghị Xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam ngày 28/3/2025, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đánh giá cao vai trò của các tổ chức tư vấn, chuyên gia quốc tế trong việc cung cấp các khuyến nghị và chia sẻ các thông lệ quốc tế để Việt Nam có thể xây dựng được một hệ thống tài chính phát triển và bền vững, nhưng đề nghị những góp ý phải gắn với điều kiện của Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của Việt Nam.
Khi tận dụng được trí tuệ và kinh nghiệm từ những chuyên gia Việt Nam trên thế giới, kết hợp với chiến lược phát triển bài bản, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn toàn cầu, khẳng định vị thế trên bản đồ tài chính quốc tế.
![]() |
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng cho rằng, Việt Nam sẽ không áp dụng các mô hình trung tâm tài chính quốc tế của các quốc gia khác một cách máy móc. Thay vào đó, Việt Nam sẽ chọn lọc những yếu tố phù hợp với điều kiện thực tế của mình để phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Điều này không chỉ giúp trung tâm tài chính của Việt Nam phát triển bền vững mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh với các trung tâm tài chính quốc tế lớn.
Lấy ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, mô hình trung tâm tài chính tại London (Anh) không thể áp dụng trực tiếp cho Việt Nam bởi Anh có một hệ thống pháp lý rất riêng biệt, với cơ quan giám sát tài chính độc lập và quy định rất rõ ràng cho mọi hoạt động tài chính trong và ngoài trung tâm tài chính.
Tuy nhiên, các trung tâm tài chính ở các quốc gia phát triển như Anh hay Luxembourg không được huy động vốn từ dân cư, nên trong trung tâm tài chính tại Việt Nam, các tổ chức tài chính sẽ không được phép huy động vốn từ dân cư, người cư trú tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc các tỷ lệ an toàn do NHNN quy định như tỷ lệ huy động vốn so với tỷ lệ cho vay sẽ không áp dụng cho các ngân hàng trong trung tâm tài chính này.
Cũng liên quan đến huy động vốn, Phó Thống đốc dẫn chứng, các định chế tài chính trong trung tâm tài chính có thể mở cửa tự do đối với các giao dịch huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế nhờ công nghệ, nhưng cần phải xem xét liệu các nguồn vốn này có tác động đến nợ nước ngoài của Việt Nam hay không.
Hay về vấn đề ngoại hối, Phó Thống đốc cho biết, mặc dù Việt Nam đã có các quy định về vấn đề này nhưng qua làm việc với một số ngân hàng trung ương ở châu Âu, họ cho rằng quy mô nền kinh tế Việt Nam khác biệt so với các quốc gia khác, do đó cần có một lộ trình áp dụng chính sách phù hợp.
Đại diện lãnh đạo NHNN cũng chỉ ra rằng, trong trung tâm tài chính, giao dịch ngoại tệ sẽ được tự do hóa giữa các định chế tài chính, nhưng đối với phần còn lại của nền kinh tế Việt Nam và thế giới, các quy định sẽ phải chặt chẽ hơn.
“Chúng ta phải tính rất kỹ các câu chuyện đó và phải được thể hiện chi tiết trong các quy định để đảm bảo các bên tham gia vào trung tâm tài chính hiểu rõ, phải làm theo các quy định pháp luật, từ đó đảm bảo sự hoạt động ổn định và tin cậy của trung tâm tài chính”, Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Thiết kế cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch và ổn định
Phó Thống đốc nhấn mạnh, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam không chỉ cần sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng tài chính, mà còn phải có một cơ chế pháp lý vững mạnh để giám sát và điều hành các hoạt động trong trung tâm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp trung tâm này phát triển một cách ổn định và bền vững trong dài hạn. Do vậy, cơ chế pháp lý cần phải được thiết kế một cách rõ ràng, đảm bảo tính minh bạch và ổn định cho các hoạt động của các định chế tài chính trong trung tâm tài chính quốc tế.
![]() |
"Chúng tôi dự kiến hoạt động của trung tâm tài chính này sẽ gồm chi nhánh của ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và ngân hàng con của tổ chức tín dụng Việt Nam. Tại sao chỉ có 3 thực thể này mà không có các chi nhánh ngân hàng của tổ chức tín dụng trong nước? Bởi với tổ chức tín dụng trong nước, không thể áp dụng hai cơ chế, hai pháp luật ở trung tâm tài chính này và rõ ràng là rất khó để phân biệt. Chúng tôi đang làm dự thảo nghị định làm rõ khung hoạt động để có thể triển khai”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng thông tin.
Cũng theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính tại Việt Nam sẽ là Nghị quyết khung, nên NHNN sẽ dự thảo xây dựng một Nghị định trình Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế vượt trội trong trung tâm tài chính và sẽ có những thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho nhà đầu tư. Hướng xây dựng Nghị định phải đặt ra các quy định, mọi hoạt động ngân hàng từ khâu cấp phép, tổ chức hoạt động, cung ứng dịch vụ, các tỷ lệ an toàn, đến thanh tra giám sát…
Theo đó, khung pháp lý phải làm rõ được các thực thể tham gia vào trung tâm tài chính, họ được làm gì và không được làm gì. Đồng thời, các ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư, quản lý tài sản… hoạt động trong trung tâm tài chính ra sao cần được làm rõ. Sự phân định này để phân biệt một định chế tài chính đang hoạt động theo quy định pháp luật hiện hành, với kinh doanh trong môi trường chính sách vượt trội của trung tâm tài chính.
Cùng với việc áp dụng cơ chế vượt trội thì các ngân hàng thương mại hoạt động trong trung tâm tài chính có được phép huy động tiền gửi từ dân cư, có áp dụng tỷ lệ cho vay trên vốn huy động như đang áp dụng đối với các ngân hàng, có được nhà điều hành can thiệp sớm khi gặp tình trạng rút tiền gửi đột ngột, có cơ chế tái cấp vốn… hay không thì đó là những vấn đề cần đặt ra. Đối với các định chế tài chính và phi tài chính đăng ký hoạt động trong trung tâm tài chính, yếu tố người cư trú, người không cư trú… cũng cần cụ thể hóa.
Hiện có hai phương án để ngân hàng và các định chế tài chính hoạt động trong trung tâm tài chính. Ở phương án thứ nhất, các định chế tài chính hoạt động trong trung tâm tài chính cung ứng dịch vụ tương tự như bên ngoài thì áp dụng quy định pháp luật hiện hành. Với phương án thứ hai, các định chế tài chính trong trung tâm tài chính hoạt động dưới một khung quy định chung của Nghị quyết Quốc hội. Trong đó, các định chế tài chính này có thể giao dịch ngoại tệ tự do, trong khi pháp luật hiện hành không cho phép thực hiện việc đó.
Dù ở phương án nào, Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh đến việc bảo vệ các nhà đầu tư quốc tế và các doanh nghiệp trong trung tâm tài chính. Điều này có thể đạt được thông qua việc tạo ra một hệ thống pháp lý rõ ràng và các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế. Sự minh bạch trong các quy định và quy trình sẽ giúp đảm bảo rằng mọi giao dịch tài chính đều được thực hiện công bằng, đồng thời bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên tham gia.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng nghị định và các quy định liên quan đến trung tâm tài chính là một quá trình minh bạch, sòng phẳng và có sự phản biện từ các bên liên quan, bao gồm các ngân hàng trong và ngoài nước. Chính vì vậy, sự phối hợp giữa các chuyên gia quốc tế và trong nước là rất quan trọng để tìm ra phương án phát triển phù hợp nhất cho trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Do đó, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng mời gọi các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm giúp Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính với những nội dung thiết thực, để đảm bảo được sự hoạt động ổn định của các thực thể tham gia vào trung tâm tài chính của Việt Nam.
![]() |
Sắp diễn ra Tọa đàm “Kinh nghiệm quốc tế và vai trò của hệ thống ngân hàng trong xây dựng trung tâm tài chính” Nhằm trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng trung tâm tài chính và làm rõ vai trò của hệ thống ngân hàng trong quá trình này tại Việt Nam, được sự đồng ý của Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sáng ngày 16/4, Thời báo Ngân hàng sẽ tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế và vai trò của hệ thống ngân hàng trong xây dựng trung tâm tài chính”. Tham dự Tọa đàm có chuyên gia quốc tế hàng đầu về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan... cùng đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, một số NHNN chi nhánh khu vực, Hiệp hội Ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các tổ chức quốc tế, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam… |
Bài viết: Hương Giang |
Ảnh: Lâm.TV |