Chuyển đổi xanh: Cơ hội giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
09:31 | 23/12/2023
Chuyển đổi xanh không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển, ứng dụng công nghệ mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất-kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Chuyển đổi xanh để tăng trưởng bền vững Cơ hội và thách thức chuyển đổi xanh Vinamilk: Sức mạnh chuyển đổi xanh từ hơn 10.000 lao động |
Chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp giảm được giá thành sản phẩm, có sức cạnh tranh. |
Chiều ngày 22/12/2023, Báo Xây dựng phối hợp cùng Liên minh hỗ trợ công nghiệp Việt Nam Visa tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp - Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải” tại Hà Nội.
Nhận thức đúng mới có hành động đúng
PGS.TS. Vũ Ngọc Anh -Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng ưu tiên. Theo số liệu kiểm kê, tổng phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014 là 59,91 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 101,89 triệu tấn CO2 tương đương.
Trong đó, sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014. Tỷ trọng này tăng lên khoảng 90% vào năm 2022.
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0", bên cạnh các nhóm giải pháp kỹ thuật cụ thể được đưa ra thì Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình.
Theo đó các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững của mình.
Ông Ngô Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch thường trực Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải xác định tầm nhìn mới và khẩn chương chuyển mình trong công tác chống biến đổi khí hậu.
Cũng theo ông Khánh, việc đạt được tính bền vững là một hành trình dài và đầy thách thức, mỗi doanh nghiệp cần vạch ra lộ trình rõ ràng và cụ thể để tối ưu nguồn lực và nắm bắt cơ hội. Việc thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính được xem là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp nhận định số liệu phát thải của bản thân, từ đó làm cơ sở để nhà quản trị hoạch định chiến lược giảm phát thải bền vững.
Theo ông Lương Quang Huy - Chuyên gia Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đang tích cực triển khai một cách bài bản các cam kết kể từ Hội nghị COP26 và COP28 về chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, các bộ ngành đã ban hành các quy định cũng như định mức phân bố hạn ngạch phát thải cho từng doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường chỉ chú trọng vào việc phát triển kinh tế mà quên đi hạn mức phát thải cho phép, dẫn đến việc vi phạm và phải nộp phạt, gây ảnh hưởng đến doanh thu cũng như uy tin của doanh nghiệp. Vì vậy, hiểu cặn kẽ và nắm rõ các quy định sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các tổn thất", ông Lương Quang Huy chia sẻ.
Bà Phạm Thị Tình - Giám đốc Thương mại Công ty Cổ phần Giao nhận tiếp vận Quốc tế (InterLogistics) cho biết, khi không có nhận thức đúng thì cũng không thể có hành động đúng. Do đó đòi hỏi doanh nghiệp phải tự thay đổi nhận thức từ lãnh đạo cho đến nhân viên để mọi người thấy được vai trò và trách nhiệm của mình trong mục tiêu chuyển đổi xanh.
Chuyển đổi xanh mang tính sống còn của nền kinh tế
Ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường cho biết, chuyển đổi xanh là cơ hội giúp doanh nghiệp sản xuất phát triển bền vững và hiệu quả hơn. Qua đây, các doanh nghiệp có tiếp cơ hội cận các nguồn vốn ưu đãi, tín dụng xanh.
"Các doanh nghiệp có cơ hội chuyển đổi công nghệ, tạo ra sản phẩm ưu việt với giá thành hợp lý, có sức cạnh tranh sẽ tốt hơn không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà cả với doanh nghiệp nước ngoài", ông Kiều Văn Mát chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS. Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec chia sẻ, chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp là một xu hướng quan trọng trong việc phát triển bền vững. Chuyển đổi này đòi hỏi sự chuyển đổi từ các phương pháp sản xuất truyền thống sử dụng năng lượng, tài nguyên không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường sang các quy trình sản xuất sạch sẽ, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Theo TS. Phạm Hồng Điệp, chuyển đổi xanh ngành công nghiệp hiện nay đang trở thành xu hướng mang tính sống còn của mỗi nền kinh tế.
Đối với vấn đề giảm phát thải nhà kính, theo ông Kiều Văn Mát, Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường đã triển khai từ rất lâu. Công ty xác định đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp nên doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để xử lý, tận dụng các nguồn chất thải của các nhà máy nhiệt điện chạy than và phân bón hóa chất để tái sử dụng vào sản xuất của công ty.
"Công ty xác định đổi mới công nghệ là vấn đề cốt lõi, tạo ra năng xuất chất lượng có tính năng ưu việt cao để người tiêu dùng đón nhận. Chính vì vậy đã giúp cho công ty có điều kiện về nguồn lực, uy tín để có thể tham gia chuyển đổi xanh giúp công ty phát triển bền vững hơn", ông Kiều Văn Mát cho hay.
Bằng công nghệ của mình, Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường đã tiến hành xử lý triệt trên 20 triệu tấn tro xỉ tồn đọng, lưu chứa tại hai hồ Khe Lăng và hồ Bình Giang của nhà máy nhiệt điện Phả Lại, trả lại hơn 90 ha diện tích hồ cho địa phương sử dụng làm nơi lưu chứa nước sạch.
Theo ông Kiều Văn Mát, chuyển đổi xanh-kiểm kê khí nhà kính là 1 vấn đề rất quan trọng, các doanh nghiệp cần phải biết từng công đoạn trong quá trình sản xuất, để xem chỗ nào cần cải tiến đổi mới. Nó đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ công nhân có kỹ thuật và am hiểu thì mới làm được, giúp tiết kiệm chi phí, quỷ lý công nghệ, quản trị được tốt hơn. Đặc biệt, doanh nghiệp giảm được giá thành sản phẩm, có sức cạnh tranh và bảo vệ môi trường.
Bà Phạm Thị Tình cho biết, Công ty Cổ phần Giao nhận tiếp vận Quốc tế đã nghiên cứu và đưa ra các giải pháp cho các doanh nghiệp, chú trọng vào việc tối ưu quy trình vận tài bằng các giải pháp ngành logistics.
Cụ thể, với hàng nguyên container, công ty đưa ra giải pháp kết hợp sà lan trucking với quy mô 500 TEU/năm, giúp cho các doanh nghiệp cắt giảm khoảng 100.000 kg CO2 và tiết kiệm được 200 triệu đồng chi phí mỗi năm.
Bên cạnh đó, đối với hàng lẻ, giải pháp gom hàng ICD Tiên Sơn mà công ty mang đến cho khách hàng sẽ giúp cho hàng hóa tại ICD được thông quan nhanh hơn so với ở càng biển. Hơn thế, với quy mô 250 tấn/năm, doanh nghiệp sẽ cắt giảm được 2.000 kg CO2 và tiết kiệm được 50 triệu đồng chi phí vận chuyển mỗi năm.
Theo PGS.TS. Vũ Ngọc Anh, để chuyển đổi xanh - giảm phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp cần có các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất để xanh hóa ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
Hải Yến