Chuyển đổi xanh để tăng trưởng bền vững
Vinamilk: Nhận thức sẽ quyết định hành động chuyển đổi xanh ở mỗi doanh nghiệp Chuyển đổi xanh: Cơ hội cho những doanh nghiệp tiên phong |
Chuyển đổi tích cực để thích ứng với các tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững trong nỗ lực tham gia chuỗi cung ứng quốc tế phải kể đến những doanh nghiệp dệt may. Ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang cho biết, công ty đã và đang thực hiện các sáng kiến cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh như tiết kiệm điện 10%, nước 20%, nguyên phụ liệu 5-10%… nhằm giảm thiểu “dấu chân” carbon trên sản phẩm. Bên cạnh đó, đa số các nhà máy trong hệ thống Tổng công ty đã và đang được lắp đặt thiết bị pin mặt trời áp mái giúp chủ động được 20-30% lượng điện tiêu thụ cho toàn bộ quá trình sản xuất.
“Điều này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các tiêu chí thời trang, tái tạo và giảm phát thải, mà còn giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp, đồng thời có thể tăng thị phần và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng. Công ty đang tìm kiếm và thành lập các chuỗi cung ứng mới đáp ứng các tiêu chuẩn thời trang, tái tạo và giảm phát thải. Chúng tôi đã đặt nhiều công sức xây dựng các chuỗi liên kết và cung ứng từ thiết kế, sản xuất vải đến sản xuất quần áo và tiêu thụ, bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Dũng cho biết.
Việc chuyển đổi xanh còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chí phí. Ông Gonjanart Kanarat, đại diện nhà máy sản xuất thực phẩm Củ Chi Công ty cổ phẩn Chăn nuôi C.P Việt Nam chia sẻ, công ty chú trọng vào việc tiết kiệm năng lượng và tái tạo năng lượng. Nhà máy được lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời giúp giảm lượng khí thải CO2 hơn 1.700 tấn trong năm vừa qua. Hoạt động theo mô hình khép kín “Feed – Farm – Food”, nhà máy đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng phân tán và tiên tiến: áp dụng năng lượng mặt trời, thu hồi và tái sử dụng 15.054 m3/năm nước làm nguội xúc xích tiết kiệm 129 triệu đồng tiền nước và 7020 kWh điện/năm. Hơn thế, nhà máy còn dùng nước lạnh thay cho đá vảy cấp cho bồn rửa xúc xích tiết kiệm 134.784 kWh/năm.
Cũng như vậy, lãnh đạo công ty TNHH Giấy Xuân Mai cho biết, nhờ sớm chuyển đổi sang sản xuất xanh, bền vững, mà hiện công ty đã tiết kiệm mỗi năm khoảng 200.000 USD. Ông Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty cho biết ngay từ những ngày đầu thành lập, ban lãnh đạo Giấy Xuân Mai xác định kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững. Từ đó, công ty đã đầu tư các thiết bị, công nghệ nhằm giảm tối đa việc sử dụng nguyên, nhiên liệu, giảm thiểu lượng chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, và giảm thiểu tối đa việc ảnh hưởng của quá trình sản xuất đến môi trường.
Với việc đầu tư hệ thống lọc đĩa để thu hồi bột và tái sử dụng nước, công ty đã tiết kiệm chi phí mua nước sạch 37.500 USD/năm. Ngoài ra, hệ thống lọc đĩa này còn thu hồi được lượng bột giấy khoảng 0,3% so với nguyên liệu đầu vào – tiết kiệm tiền mua nguyên liệu 45.000 USD/năm. “Việc xử lý rác bằng lò hơi của công ty đã giảm chi phí vận chuyển và phí xử lý rác; đồng thời nguồn năng lượng thu được trong quá trình xử lý rác bằng công nghệ này cũng góp phần giảm chi phí nhiên liệu đốt, tiết kiệm chi phí mua than 150.000 USD/năm”, ông Dũng khẳng định. Nhờ sản xuất xanh, Công ty TNHH Giấy Xuân Mai không chỉ có nhiều đơn hàng trong nước mà còn có được đơn hàng ổn định từ các tập đoàn lớn như Pepsico (đa quốc gia), Ojitex (Nhật), Box-Pax (Malaysia) và nhiều quốc gia khu vực châu Âu, châu Mỹ…
Cơ hội sẽ càng rộng mở hơn nữa khi các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, đơn vị đạt điểm cao trong chương trình sản xuất lúa gạo bền vững SRP, được chứng nhận bởi Viện Nghiên cứu Lúa gạo thế giới IRRI và các cơ quan kiểm định độc lập quốc tế. Chứng nhận SRP này cũng mang đến cơ hội có “tín chỉ carbon” được xác nhận có thể giao dịch trên thị trường. Doanh nghiệp cũng xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc các hoạt động và sản phẩm, tích hợp tất cả vào siêu ứng dụng để quản lý nông nghiệp.
Khẳng định sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong mục tiêu phát triển bền vững, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ sớm ban hành khung chiến lược, hành động, chính sách về phát triển xanh trên cơ sở nghiên cứu quy chuẩn quốc tế, từ sản xuất, tiêu dùng và các yếu tố liên quan phát triển xanh, cũng như nghiên cứu các chính sách để đồng hành với phát triển xanh.