Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang thiếu tổ chức xếp hạng
Theo báo cáo, việc có được một tổ chức xếp hạng đáng tin cậy và có uy tín là một trong những mảnh ghép còn thiếu trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Trong đó, việc thu hút một tổ chức xếp hạng toàn cầu đầu tư vào một trong những tổ chức xếp hạng trong nước trong tương lai là rất quan trọng cho sự tín nhiệm đó.
Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ sáu trong ASEAN và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong 18 tháng vừa qua đã thúc đẩy việc dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. So với các quốc gia châu Á khác, Việt Nam bị ảnh hưởng ít nhất từ dịch bệnh Covid-19. Mặc dù dự kiến có sự suy giảm tăng trưởng kinh tế ngắn hạn trong năm 2020, song nền kinh tế VIệt Nam được kỳ vọng sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2021 và giữ vững vị thế là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của khu vực.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng kể từ năm 2017 và lượng phát hành trị giá 12,8 tỷ USD trong năm 2019 - lớn hơn so với con số của Indonesia và Philippines. Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tới 94% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2018 và 2019 sau khi có sự nới lỏng các quy định về công bố thông tin và điều kiện phát hành. Tuy nhiên, việc thiếu xếp hạng tín nhiệm đặt ra những rủi ro đáng kể đối với thị trường trái phiếu và lĩnh vực tài chính, đặc biệt khi các nhà đầu tư riêng lẻ hiện đang sở hữu gần một phần tư tổng lượng trái phiếu phát hành.
Việc thiếu nhu cầu xếp hạng tín nhiệm trong quá khứ luôn là nhân tố hạn chế đối với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước ở Việt Nam. Hai công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước đã được Bộ Tài chính cấp phép nhưng cả hai đơn vị này đều chưa hoạt động.
Luật Chứng khoán mới ban hành năm 2019 yêu cầu một số trái phiếu phát hành ra công chúng (nhưng không phải phát hành riêng lẻ) phải được xếp hạng bởi một đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong nước sẽ có hiệu lực kể từ tháng 1/2021. Hơn nữa, dự thảo các quy định hướng dẫn thực hiện Luật Chứng khoán mới chỉ đòi hỏi rất ít, nếu không muốn nói là không đòi hỏi, trái phiếu phát hành phải được xếp hạng, khác với các thị trường ASEAN khác nơi quy định bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm đối với các trái phiếu phát hành ra công chúng, và thường là cả phát hành riêng lẻ, trong suốt những năm hình thành trái phiếu.
Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đang mong muốn nhìn thấy sự tăng trưởng có trật tự của một thị trường trái phiếu lành mạnh và đã bày tỏ cam kết mạnh mẽ đối với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước. Sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhanh trong những năm gần đây và bối cảnh kinh doanh cho một công ty xếp hạng tín nhiệm toàn cầu gia nhập thị trường Việt Nam thông qua một thỏa thuận dịch vụ kỹ thuật là rất hấp dẫn. Theo báo cáo, một thỏa thuận dịch vụ kỹ thuật sẽ mang lại việc gia nhập thị trường với rủi ro thấp.
Các bên gia nhập thị trường của Việt Nam sẽ mong muốn được chứng kiến sự hợp tác của các thể chế địa phương với một công ty xếp hạng toàn cầu. Điều này sẽ dẫn tới sự kết hợp lý tưởng giữa thông lệ tốt toàn cầu với sự hiểu biết địa phương về văn hóa, doanh nghiệp và thực tiễn.
Hơn nữa, hợp tác kỹ thuật giữa một công ty xếp hạng tín nhiệm toàn cầu và một đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong nước sẽ giúp nâng cao uy tín của đơn vị xếp hạng trong nước (thông qua danh tiếng của công ty xếp hạng toàn cầu về các quy trình quản lý và phân tích nghiêm ngặt), dẫn tới sự chấp nhận rộng rãi hơn của thị trường và sử dụng xếp hạng của công ty xếp hạng trong nước nhiều hơn.
Báo cáo nhận định, khi càng nhiều trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng, cho dù thông qua những thay đổi trong văn hóa hay quy định về xếp hạng, bối cảnh kinh doanh sẽ càng rõ ràng hơn để một công ty xếp hạng quốc tế vượt ra ngoài khuôn khổ thỏa thuận kỹ thuật và đầu tư cổ phần vào một công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước đã được thành lập hoặc một đơn vị mới.