Đà Nẵng: Gỡ vướng để logistics trở thành “mỏ vàng”
09:41 | 25/07/2022
Với nhiều ưu thế phát triển kinh tế biển, Đà Nẵng đang tận dụng cơ hội để ngành logistics vượt khó, bứt tốc.
![]() | Phát triển ngành logistics xứng tầm |
![]() | Cần cơ chế đặc biệt phát triển đội tàu container |
![]() | Những nút thắt khó gỡ trong chuỗi cung ứng toàn cầu |
Ngành kinh tế mũi nhọn
Logistics được coi là ngành “dịch vụ cơ sở hạ tầng” của nền kinh tế. Bởi, lĩnh vực này không chỉ đem lại nguồn lợi to lớn đối với quốc gia, mà còn đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, TP. Đà Nẵng có nhiều tiềm năng phát triển logistics. Bởi, địa phương này nằm ở trung điểm của cả nước, điểm cuối tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Bên cạnh đó, thành phố còn hội tụ nhiều loại hình vận tải hàng không, cảng biển, đường sắt, các tuyến cao tốc…
Nhìn nhận vai trò, vị trí quan trọng của TP. Đà Nẵng trong EWEC, đại diện Hiệp hội Logistics khu vực miền Trung tại Đà Nẵng nhấn mạnh, thành phố cần khai thác tốt tiềm năng từ tuyến hành lang này nhằm có được nguồn hàng hóa dồi dào từ khu vực nam Lào, Thái Lan và cả từ miền Bắc vận chuyển xuống. Có thể nói, logistics đang được xem là “mỏ vàng” để Đà Nẵng khai thác trong tương lai, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
![]() |
Đà Nẵng có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm logistics. |
Trong những năm gần đây, Đà Nẵng đã có rất nhiều nỗ lực phát triển dịch vụ logistics, tập trung vào 3 lĩnh vực là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, địa phương chú trọng phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics.
Theo ông Đặng Nam Sơn - Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP. Đà Nẵng, thời gian qua, địa phương đã có nhiều kế hoạch thúc đẩy hạ tầng giao thông, mang lại những chuyển biến rõ nét. Trong đó, các trung tâm logistics tập trung của Đà Nẵng bao gồm: cảng Liên Chiểu (69ha), trung tâm logistics đường bộ Hòa Nhơn (54ha), trung tâm logistics đường sắt Hòa Liên (10ha), cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (8ha) và trung tâm llogistics tại Khu công nghệ cao (20ha).
Ngoài ra, Đà Nẵng dự kiến sẽ phát triển thêm nhiều trung tâm logistics nhỏ lẻ và kho bãi để hỗ trợ các trung tâm logistics tập trung và phân phối hàng hóa cho thành phố cùng các vùng lân cận với diện tích 65 ha vào năm 2045.
Đặc biệt, thành phố sẽ xây dựng hệ thống giao thông kết nối các trung tâm logistics với các trục giao thông chính Bắc - Nam. Trong khi đó, về cảng biển, địa phương sẽ phát triển cảng Liên Chiểu thành cảng hàng hóa container gắn với tổ chức không gian đô thị tại khu vực và chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, bến du thuyền.
Được biết, cảng Liên Chiểu được quy hoạch có thể đón tàu lớn nhất thế giới 200.000 DWT (18.000 Teu). Đây là dự án quy mô lớn, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics lớn nhất miền Trung - Tây Nguyên.
Theo ông Lê Thành Hưng - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án), cảng Liên Chiểu được quy hoạch làm cảng loại I và trong tương lai sẽ là cảng đặc biệt. Thành phố sẽ khởi công dự án cảng Liên Chiểu ngay trong năm 2022 và hoàn thành trước năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tại Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng cũng đã khởi công xây dựng dự án nhà xưởng cho thuê Dana Logistics của Công ty cổ phần Dana logistics trên diện tích 44 nghìn m2, với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần vào việc triển khai hiệu quả định hướng phát triển ngành logistics của Đà Nẵng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và hướng đến hình thành chuỗi cung ứng logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của TP. Đà Nẵng...
Cần những “cú hích” về chính sách
Với nhiều ưu thế phát triển kinh tế biển, Đà Nẵng đang tận dụng cơ hội để ngành logistics vượt khó, bứt tốc. Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn khi chưa có đủ nhân lực chất lượng cao, thị trường nhỏ về cả mật độ dân số, khu công nghiệp, hệ thống đường sá, kết nối với địa phương khác còn khó khăn…
Vùng duyên hải miền Trung có diện tích hơn 49 nghìn km2, chiếm gần 14,9% diện tích tự nhiên của cả nước bao gồm 9 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 5 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa các trục quốc lộ, giữa các điểm nút giao thông với các địa phương trong khu vực vẫn còn hạn chế, dễ bị xuống cấp, chia cắt khi gặp phải mưa lũ...
Những bất lợi trên hạn chế tiềm năng phát triển ngành dịch vụ logistics của Đà Nẵng nói riêng và cả vùng duyên hải miền Trung nói riêng. Chưa kể, năng lực cung ứng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và năng lực kết nối logistics giữa TP. Đà Nẵng với các quốc gia trong khu vực và thế giới còn khó khăn…
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực logistics ở Đà Nẵng vẫn thiếu. Phần lớn doanh nghiệp phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc.
TP. Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện vẫn chưa có trường đại học đào tạo nguồn nhân lực riêng cho ngành logistics, chủ yếu lồng ghép vào các ngành khác nên nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ cho ngành còn rất hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Cũng như nhiều địa phương khác trong khu vực, đây đang là trở ngại lớn đối với việc phát triển lĩnh vực logisics ở địa phương.
Ngoài ra, việc phát triển logistics ở Đà Nẵng còn gặp nhiều rào cản khác. Trong đó, có thể kể đến như việc thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách có hiệu quả. Quy mô của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tại địa phương còn nhỏ, chưa thực sự đủ tầm để vươn xa...
Bởi vậy, để logisics thực sự trở thành “mỏ vàng” như kỳ vọng, Đà Nẵng đang còn nhiều việc phải làm. Trong đó, trước hết cần phải thấy được những hạn chế, từ đó có những “cú hích” mạnh mẽ để ngành logistics phát triển.
Thành phố này cũng cần xây dựng các chương trình cụ thể nhằm nâng cao năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ logistics thông qua ứng dụng công nghệ với các chỉ tiêu xác định về năng suất, tốc độ, độ chính xác, chất lượng và mức độ dịch vụ...; chú trọng sử dụng nguồn quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để tài trợ cho các chương trình này.
Bài và ảnh Nghi Anh