Phát triển ngành logistics xứng tầm
Chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp thách thức lớn | |
Mòn mỏi chờ chi phí được kéo giảm | |
Những nút thắt khó gỡ trong chuỗi cung ứng toàn cầu |
"Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics", Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định tại Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics".
Đại diện ngành Công Thương cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân. Sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cùng những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã làm cho ngành logistics Việt Nam có những bước tiến đáng kể, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 tăng 4,25 so với năm 2010 đạt 668,55 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam đã vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Ảnh minh họa |
Báo cáo chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility vừa công bố cho thấy, năm 2021, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong Top 10 quốc gia đứng đầu. Tuy nhiên, dù có bước phát triển mạnh mẽ thời gian qua nhưng ngành logistics vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Một trong những hạn chế lớn là doanh nghiệp logistics vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của ngành.
Theo số liệu từ Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam, hiện 90% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. “Số lượng doanh nghiệp trong nước nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”, Thứ trưởng Tân nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu phát triển ngành logistics các ý kiến cho rằng, không còn cách nào khác, các doanh nghiệp cần kết nối để tăng trưởng và nâng cao hiệu quả hoạt động. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp logistics tích hợp, bà Phạm Lan Hương - Tổng giám đốc Công ty Vinafco chỉ ra logistics của nước ta không chỉ phân tán về quy mô mà còn phân tán cả về loại hình, các doanh nghiệp hoạt động ở rất nhiều mảng dịch vụ đơn lẻ khác nhau, địa bàn trải rộng trên toàn quốc.
Mảng logistics tích hợp là mảng phức tạp hơn, đòi hỏi nguồn lực lớn hơn thì hiện nay trên thị trường số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này chiếm tỷ trọng rất nhỏ và rất hạn chế, đa phần “miếng bánh” này lại nằm trong tay của các doanh nghiệp nước ngoài.
Chính vì vậy, chúng ta cần phải xây dựng năng lực cạnh tranh cho ngành logistics và phải bắt kịp với xu thế thị trường. Muốn vậy ngành logistics Việt Nam cần phải có thêm nhiều nữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực 3PL (Cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng) và 4PL (Cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 4 hay logistics chuỗi phân phối, hay nhà cung cấp logistics chủ đạo) bởi vì chỉ những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tích hợp với sự liên kết của rất nhiều mảng dịch vụ logistics nhỏ mới đủ sức để có thể dẫn dắt và là mũi nhọn để kéo thị trường logistics Việt Nam tiến lên và phát triển mạnh hơn.
Về phía doanh nghiệp logistics, bà Hương cho rằng cần quan tâm đến bốn từ: định vị, chiến lược, thực thi và liên kết. Bởi lẽ, doanh nghiệp khi muốn chuyển hướng hoặc muốn bắt đầu đầu tư vào mảng logistics sẽ phải thẳng thắn nhìn nhận và định vị hiện trạng của mình. Thứ hai, doanh nghiệp bắt buộc phải có một chiến lược trung hạn và dài hạn vì để đầu tư theo lộ trình, ít nhất là 3 năm, 5 năm hoặc thậm chí 10 năm. Có chiến lược rồi thì bước thực thi cũng là bước đặc biệt quan trọng bởi vì năng lực thực thi sẽ quyết định tất cả thành công của doanh nghiệp.
“Tất cả những việc này đều rất khó nên quan trọng là doanh nghiệp phải có sự liên kết, tìm được đối tác để giúp mình có được liên kết trong ngành, liên kết ngoài ngành, để giúp khâu thực thi đi được nhanh hơn”, bà Hương nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, song đại diện một số doanh nghiệp logistics cũng đề xuất, nhà nước cần đầu tư và phát triển tốt quy hoạch về cơ sở hạ tầng liên hoàn. Bởi chúng ta sẽ cần có những trung tâm đấu nối tất cả các phương thức vận chuyển, vận tải nội địa, vận tải hàng không, vận tải đường bộ, vận tải đường biển và có các trung tâm kho bãi lớn tại đây. Nếu chúng ta có những quy hoạch lớn như vậy, các doanh nghiệp logistics sẽ là những nhà đầu tư thứ cấp đầu tiên bởi vì đây là bệ phóng cho doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp logistics cũng mong muốn Chính phủ có thêm cơ chế ưu đãi về nguồn vốn, về tiền thuê đất và tiền thuế… bởi vì đầu tư cho hạ tầng logistics rất tốn kém và cần có nguồn lực khổng lồ, trong khi doanh nghiệp Việt nguồn lực yếu, lại phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài có nguồn vốn rất lớn. Về công nghệ, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng nhà nước sẽ có những chương trình quốc gia lớn về đầu tư và phát triển các giải pháp công nghệ cho ngành logistics nói riêng…