Cần cơ chế đặc biệt phát triển đội tàu container
Vận tải biển yếu và thiếu
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, hơn 80% khối lượng hàng hoá thương mại trên toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển. Vận tải biển đóng vai trò một mắt xích quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics, đặc biệt đối với Việt Nam là một quốc gia có bờ biển dài, gần các tuyến đường hàng hải quan trọng của thế giới. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam tăng trưởng cao và ổn định trong nhiều năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 13,8%.
Trong ba tháng đầu năm nay, ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng là 179,6 triệu tấn. Đặc biệt, hàng container thông qua cảng biển trong tháng 3/2022 ước đạt 2,3 triệu TEUs, tăng 6% so với cùng kỳ.
Cấp thiết phát triển đội tàu container tạo đà thúc đẩy xuất nhập khẩu |
Trong Dự thảo Đề án phát triển đội tàu biển quốc tế của Cục Hàng hải Việt Nam chỉ ra, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển ở Việt Nam chủ yếu do hãng tàu nước ngoài đảm nhận, đặc biệt tuyến biển xa đến các nước phát triển như châu Âu, châu Mỹ. Đội tàu container của Việt Nam còn quá nhỏ bé, đến 31/3/2022 cả nước có 10 công ty vận tải container, sở hữu 48 tàu container với tổng sức chở 39.519 TEU, tổng trọng tải 548.236 DWT, trong đó có tới 13 tàu trên 25 tuổi, 3 tàu trên 20 tuổi, 15 tàu có trọng tải từ 300 TEU đến dưới 600 TEU chỉ có thể chạy ở trong nước, còn lại 17 tàu có trọng tải từ 600 TEU trở lên trong đó có 14 tàu có trọng tải từ 1.000 đến 1.800 TEU hoạt động tuyến quốc tế ngắn trong khu vực châu Á.
Thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu vận tải biển Việt Nam ngày càng giảm, năm 2015 đảm nhận 11% thị phần, đến năm 2018 thị phần giảm xuống 7% và đến năm 2020 thị phần giảm còn 5%, trong 6 tháng đầu năm 2021 nhích nhẹ lên 6%.
Bà Nguyễn Thị Phương Hiền - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông - Vận tải nhận định: Chi phí logistics của Việt Nam hiện khoảng trên 16%, trong đó chi phí vận chuyển chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua đã có những đứt gãy trong chuỗi cung ứng khiến giá vận tải tăng cao, giá vận tải container có những thời điểm tăng hàng chục lần. Đây là một thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội để lĩnh vực vận tải tái cấu trúc. Dự kiến, nhu cầu vận tải đến năm 2050 sẽ tăng 6,4 lần so với hiện nay, đặt ra những yêu cầu mới trong việc phát triển hệ thống vận tải.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam chưa đủ sức vận hành tuyến dịch vụ đi châu Âu, Mỹ thì không những doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam không nắm bắt được thời cơ do hiệp định thương mại tự do mang lại mà còn đứng trước thách thức về việc giảm thị phần vận tải biển nội địa với sự tham gia sân chơi của các nhà vận tải ngoại.
Đề xuất hai giai đoạn phát triển
Việc phát triển đội tàu biển xứng với tiềm năng kinh tế của Việt Nam là yêu cầu cấp thiết hiện nay nhưng phát triển như thế nào, huy động nguồn lực ra sao vẫn là câu hỏi lớn đang được đặt ra.
Nhìn ra kinh nghiệm của một số nước, đơn cử như Thái Lan, Chính phủ Thái Lan đã miễn thuế doanh nghiệp cho các tuyến vận tải biển; xem xét việc giảm thuế giá trị gia tăng cho những nhà xuất khẩu vận chuyển hàng bằng đường biển mà sử dụng tàu trong nước; miễn thuế thu nhập với nhân viên ngành vận tải biển… Chính phủ nước này cũng hỗ trợ tìm các nguồn cho vay, tài trợ vốn với lãi suất thấp để tăng hiệu quả đầu tư cho ngành, khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ vốn, cho vay ưu đãi để doanh nghiệp có vốn đầu tư nâng cấp đội tàu.
Còn tại Philippines, Chính phủ đã thông qua đạo Luật Hàng hải cho vay lãi suất thấp hoặc Chính phủ tài trợ tài chính để mua tàu. Nếu chủ tàu vay vốn của tư nhân, Chính phủ đứng ra bảo đảm. Chính phủ còn khuyến khích ngân hàng trong nước và các tổ chức kinh tế cho vay có thế chấp đầu tư tàu mang cờ Philippines. Đồng thời, xây dựng chương trình hiện đại hoá vận tải biển trong nước (DSMP) nhằm hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tham gia vận tải biển trong nước và các lĩnh vực liên quan đến vận tải biển.
Tại Việt Nam, chuyên gia nhấn mạnh, để xây dựng và phát triển đội tàu container quốc gia, không thể chỉ tính toán lỗ lãi trong thời gian ngắn mà phải có tầm nhìn lâu dài. Mới đây Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã có đề xuất Chính phủ xây dựng cơ chế đặc biệt cho việc phát triển đội tàu container và phân kỳ đầu tư làm hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 kéo dài từ ba đến 5 năm tập trung đầu tư các loại tàu phù hợp để hoạt động trên các tuyến Nội Á, bao gồm tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đến Ấn Độ và Trung Đông. Giai đoạn 2 kéo dài khoảng 5 năm tiếp theo, sau khi đã hoạt động thành công ở khu vực Nội Á cùng với đối tác, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư các loại tàu container lớn hơn từ Panamax, Post Panamax có trọng tải 4.000 - 5.500 - 6.500 TEU, tàu container cỡ lớn có trọng tải từ 7.000 - 11.000 TEU và có thể cả tàu cỡ rất lớn với trọng tải từ 11.000 - 14.000 và 18.000 TEU để tham gia vận chuyển trên các tuyến liên lục địa chính của thế giới như tuyến châu Á - Mỹ, tuyến châu Á - châu Âu… Tổng cộng số vốn đầu tư cho giai đoạn 1 khoảng 1,5 tỷ USD.
Theo đại diện VLA, tổng số vốn đầu tư cho giai đoạn đầu rất lớn, vì vậy phải xây dựng kế hoạch để huy động từ nhiều nguồn. Cụ thể, huy động nguồn vốn tư nhân để đầu tư là chủ yếu, có kết hợp với các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, đơn cử như Chính phủ cho các doanh nghiệp vay tối thiểu 50% tổng vốn đầu tư từng con tàu với lãi suất ưu đãi, thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay thông qua hệ thống NHTM.
Cùng với đó cần tổ chức hợp tác giữa các doanh nghiệp chủ hàng lớn trong việc góp vốn cùng đầu tư đội tàu viễn dương; đồng thời bảo đảm kết hợp nguồn hàng xuất - nhập khẩu với khối lượng lớn cho đội tàu. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có hàng cần vận chuyển sẽ nhận được những khuyến khích, ưu đãi nhất định.
Ngoài ra, các bộ, ngành cần hỗ trợ về tìm nguồn vốn đầu tư, hợp tác quốc tế và điều chỉnh cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển đội tàu. Đặc biệt các bộ, ngành liên quan phải cùng với các doanh nghiệp hàng hải nghiên cứu, thống nhất trình nhà nước bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp như hạn chế tuổi tàu nhập khẩu, áp dụng thuế thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu tàu…