IMF: Tắc nghẽn nguồn cung cản trở sự phục hồi
Lạm phát tăng đang kìm hãm đà phục hồi
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) vừa công bố, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống 5,9% từ mức 6% đưa ra hồi tháng 7, đồng thời giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 ở mức 4,9%. IMF cảnh báo các mối đe dọa đối với tăng trưởng đã gia tăng, trong đó bao gồm biến thể Delta khiến dịch bệnh lây lan nhanh, chuỗi cung ứng tiếp tục căng thẳng, lạm phát tăng tốc và chi phí cho lương thực, nhiên liệu tăng mạnh.
“Đây chỉ là sự điều chỉnh nhẹ nhưng hàm chứa sự sụt giảm lớn đối với một số quốc gia. Các động lực tăng trưởng suy giảm đã làm mờ đi triển vọng ở các nền kinh tế đang phát triển có thu nhập thấp (với khả năng tiếp cận với vắc xin còn hạn chế), trong khi một số nước phát triển cũng đang phải vật lộn với sự gián đoạn nguồn cung”, báo cáo cho biết. Theo kinh tế gia trưởng của IMF, bà Gita Gopinath, nhìn chung rủi ro đối với triển vọng kinh tế đã tăng lên và việc lựa chọn chính sách trở nên phức tạp hơn. Trong đó, sự khác biệt về triển vọng kinh tế giữa các quốc gia vẫn là một mối quan ngại lớn.
IMF điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 |
Tuy nhận định đà tăng của lạm phát kinh tế toàn cầu nhiều khả năng đạt đỉnh vào mùa thu năm nay, sau đó giảm xuống về mức trước đại dịch trong năm 2022 nhưng chuyên gia Gita Gopinath cũng cảnh báo IMF đang ngày càng lo ngại hơn về tình trạng lạm phát sẽ kéo dài dai dẳng, qua đó có thể khiến lạm phát cao hơn kỳ vọng. "Các ngân hàng trung ương nên sẵn sàng hành động nhanh chóng nếu rủi ro của kỳ vọng lạm phát gia tăng trở nên quan trọng hơn trong sự phục hồi hiện chưa được báo trước này", bà Gopinath nói. Trong đó, các nhà hoạch định chính sách cần phải "đặc biệt cảnh giác" đối với các dấu hiệu cho thấy lạm phát tiền lương đang lan rộng hơn ở một số lĩnh vực và liệu giá nhà ở (bất động sản) tăng mạnh có góp phần làm thay đổi kỳ vọng lạm phát hay không.
Đồng thời chuyên gia này cũng cho rằng, cần thận trọng khi so sánh tình trạng hiện nay với tình trạng “đình lạm” theo kiểu những năm 1970, bởi về cơ bản nhu cầu vẫn rất mạnh và các vấn đề hiện nay chủ yếu nằm ở phía cung. Hoạt động sản xuất toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự không khớp cung - cầu và những thách thức khác như thiếu chất bán dẫn, chip hay các cảng biển bị tắc nghẽn, thiếu container hàng hóa và tình trạng thiếu hụt lao động… Tất cả những yếu tố như vậy khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn rối loạn, chưa được vận hành trở lại một cách tối ưu sau khi bị gián đoạn, ngừng hoạt động vì đại dịch Covid-19 vào năm ngoái.
Nhiều nền kinh tế lớn sẽ tăng trưởng chậm lại
Trong đó, Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất bị điều chỉnh khá mạnh. IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 của Hoa Kỳ xuống còn 6%, từ mức dự báo 7% đưa ra vào tháng 7, chủ yếu là do hạn chế về nguồn cung (nhưng đã tăng dự báo năm 2022 lên 5,2% từ mức 4,9%). Ngay cả khi chỉ đạt được mức tăng trưởng này, đây vẫn là mức tăng “hiếm có” của kinh tế Hoa Kỳ trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên IMF cũng cho biết, tăng trưởng của Hoa Kỳ có thể giảm hơn nữa so với mức đã điều chỉnh trên, vì hiện Quốc hội nước này đang bị chia rẽ sâu sắc để có thể thông qua gói trên 4 nghìn tỷ USD cho CSHT và chi tiêu xã hội của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Các nhà lập pháp đang cố gắng đạt được sự đồng thuận về một gói nhỏ hơn và theo IMF, nếu quy mô gói kích thích này bị cắt giảm đáng kể sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng của Hoa Kỳ và các đối tác thương mại.
Báo cáo WEO cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế đã phát triển khác. Tăng trưởng kinh tế Đức điều chỉnh giảm 0,5% so với dự báo hồi tháng 7, xuống 3,1% trong khi tăng trưởng của Nhật Bản điều chỉnh giảm 0,4 điểm xuống 2,4%. Dự báo tăng trưởng kinh tế Anh cũng được điều chỉnh giảm trong năm nay, nhưng chỉ giảm 0,2 điểm xuống 6,8%. Đây vẫn là mức dự báo tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế G7.
Dự báo tăng trưởng năm 2021 của Trung Quốc cũng bị cắt giảm nhẹ 0,1 điểm xuống còn 8%, nhờ quy mô chi tiêu đầu tư công nhanh hơn dự kiến. Dự báo tăng trưởng của Ấn Độ không thay đổi ở mức 9,5%, nhưng triển vọng ở các nước châu Á mới nổi khác đã bị giảm sút do đại dịch ngày càng trầm trọng hơn. Trong đó, IMF đã cắt giảm dự báo 1,4% đối với nhóm "ASEAN-5" gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Báo cáo cũng cảnh báo về sự khác biệt trong triển vọng kinh tế được thúc đẩy bởi "sự phân rẽ lớn về vắc xin" và chính sách hỗ trợ. Trong khi đã có khoảng 60% người dân được tiêm ngừa Covid-19 ở các nước giàu, thì gần 96% dân số vẫn chưa được tiêm chủng tại các nước thu nhập thấp, khiến các quốc gia này đang đối mặt với tình trạng tăng trưởng thấp hơn trong thời gian dài, nghèo đói gia tăng và viễn cảnh kỳ vọng lạm phát tăng vọt. “Ước tính sẽ có thêm khoảng 65 triệu đến 75 triệu người rơi vào tình trạng cực kỳ nghèo đói trong năm nay so với dự báo trước đại dịch”, báo cáo nêu, đồng thời cho biết các quốc gia có thu nhập thấp phần lớn ở châu Phi sẽ cần thêm khoảng 250 tỷ USD chi tiêu để chống lại Covid-19 và trở lại con đường phát triển trước đại dịch. Hiện tại, các nền kinh tế này được dự báo sẽ có GDP tích lũy trong năm tới thấp hơn 6,7% so với mức trước đại dịch. Trong khi đó, các nền kinh tế tiên tiến sẽ có sản lượng năm 2022 cao hơn gần 1% so với mức trước đại dịch, IMF cho biết.