Kích thích tài khóa và tiêm chủng đẩy kinh tế Mỹ vượt mức trước đại dịch
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP, theo Bộ Thương mại Mỹ báo cáo hôm thứ Năm, vẫn chậm hơn so với dự báo của các nhà kinh tế. Đó là do các doanh nghiệp giảm hàng tồn kho do nhu cầu tăng lên mạnh mẽ trong khi nguyên liệu đầu vào khó tiếp cận. Hạn chế về nguồn cung đã gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, đặc biệt là xe có động cơ và thiết bị gia dụng, điều này đang khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn.
"Nền kinh tế Mỹ đang hoạt động không ổn định", Scott Hoyt, nhà kinh tế cấp cao tại Moody's Analytics ở West Chester, Pennsylvania, nói. "GDP thực tế đã phục hồi hoàn toàn như trước thời kỳ suy thoái diễn ra. Nền kinh tế Mỹ đang đi trước phần lớn phần còn lại của thế giới, ngoài trừ so với Trung Quốc và một số khu vực ở Đông Nam Á".
Tăng trưởng GDP của Mỹ đạt tốc độ 6,5% trong quý II. Tuy nhiên, con số của quý I đã được điều chỉnh xuống 6,3%, thay vì 6,4% như được báo cáo trước đó.
Tăng trưởng GDP của Mỹ
Quy mô GDP của Mỹ hiện tại đã cao hơn 0,8% so với mức đỉnh điểm vào quý IV/2019, đánh dấu thời kỳ suy thoái ngắn nhất và phục hồi nhanh nhất trong lịch sử nước này. Sau cuộc suy thoái 2007-2009, nền kinh tế phải mất tới 3 - 2 năm để trở lại đỉnh cao trước suy thoái.
“Nền kinh tế đã đạt được tốc độ để thoát ra khỏi khủng hoảng và không trở lại", Chris Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại FWDBONDS ở New York, nói.
Các nhà kinh tế do Reuters thăm dò đã dự báo GDP quý II của Mỹ tăng với tốc độ 8,5%. Hàng tồn kho giảm 165,9 tỷ đô la kéo giảm 1,13 điểm phần trăm tăng trưởng GDP.
Thương mại, nhà ở và chi tiêu của chính phủ cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP trong quý II. Nếu loại trừ hàng tồn kho, thương mại và chi tiêu của chính phủ, nền kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ 9,9% trong quý vừa qua. Trước đó, nhu cầu nội địa đã tăng với tốc độ 11,8% trong quý I.
Dữ liệu điều chỉnh hàng năm cho thấy nền kinh tế đã thu hẹp 3,4% vào năm 2020, thay vì 3,5% như ước tính trước đây. Tuy nhiên, đó vẫn là mức giảm GDP lớn nhất kể từ năm 1946. Các điều chỉnh về tăng trưởng trong các năm và quý khác là nhỏ.
Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia đã tuyên bố vào tuần trước rằng cuộc suy thoái do đại dịch bắt đầu từ tháng 2/2020 đã kết thúc vào tháng 4/2020.
Ngay cả khi quý II đánh dấu đỉnh tăng trưởng trong chu kỳ này, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ vẫn vững chắc trong phần còn lại của năm. Các nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng GDP năm nay đạt khoảng 7%, đây sẽ là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1984.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm thứ Ba đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ lên 7,0% cho năm 2021 và 4,9% vào năm 2022, điều chỉnh tăng lần lượt 0,6 và 1,4 điểm phần trăm so với dự báo cơ quan này từng đưa ra vào tháng Tư.
Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại các trường hợp nhiễm COVID-19 do biến thể Delta đã gây ra rủi ro cho triển vọng kinh tế Mỹ. Lạm phát cao hơn, nếu được duy trì, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng hiện nay có thể khiến nền kinh tế chậm lại.
Lạm phát đã tăng vọt trong quý II, với chỉ số giá chi tiêu cá nhân không bao gồm năng lượng và thực phẩm đã tăng với tốc độ 6,1%, sau khi tăng với tốc độ 2,7% trong quý I.
Fed hôm thứ Tư đã giữ nguyên lãi suất chuẩn qua đêm gần bằng 0 và không thay đổi chương trình mua trái phiếu. Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với các phóng viên rằng tác động kinh tế của đại dịch tiếp tục giảm bớt, nhưng rủi ro đối với triển vọng vẫn còn.
Chứng khoán Phố Wall tăng, với chỉ số S&P 500 và chỉ số Dow đạt mức cao kỷ lục nhờ dữ liệu GDP và một loạt các báo cáo thu nhập doanh nghiệp mạnh mẽ. Đồng đô la giảm so với rổ tiền tệ. Trái phiếu kho bạc Mỹ mất giá.
Tiêu dùng là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Mỹ |
Liên quan đến tiêu dùng dân cư - một động lực tăng trưởng cho GDP quý II của Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cấp phát 1,9 nghìn tỷ đô la cứu trợ đại dịch vào tháng Ba, bao gồm việc gửi ngân phiếu một lần 1.400 đô la cho các hộ gia đình đủ điều kiện, nâng số tiền viện trợ của chính phủ lên gần 6 nghìn tỷ đô la kể từ khi đại dịch bắt đầu ở Mỹ vào tháng 3/2020.
Gần một nửa dân số đã được chủng ngừa COVID-19, cho phép người Mỹ quay trở lại tham gia vào các hoạt động liên quan đến dịch vụ.
Chi tiêu của người tiêu dùng, đóng góp hơn 2/3 GDP mỹ, đã tăng với tốc độ 11,8% trong quý II, sau khi tăng với tốc độ 11,4% trong quý I.
Người Mỹ thường xuyên lui tới nhà hàng, ở khách sạn và ghé qua các sòng bạc. Họ cũng mua xe cơ giới và quần áo.
Mặc dù các kích thích tài khóa đang giảm dần và các trường hợp mắc bệnh COVID-19 đang gia tăng ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ tiếp tục tăng.
Các hộ gia đình đã tích lũy được ít nhất 2 nghìn tỷ đô la tiết kiệm thêm trong thời gian xảy ra đại dịch. Chỉ số chứng khoán cao kỷ lục và giá nhà tăng nhanh cho thấy sự giàu có của các hộ gia đình. Tiền lương cũng đang tăng lên khi các công ty cạnh tranh để tìm kiếm nhân công khan hiếm.
Một báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Năm cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của tiểu bang giảm thêm 24.000 xuống còn 400.000 trong tuần kết thúc vào ngày 24/7. Trong khi vào tuần trước, lượng đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp đạt mức cao nhất hai tháng.
Các doanh nghiệp vẫn đang duy trì tốc độ đầu tư mạnh mẽ, mua xe tải nhẹ, máy bay và máy móc. Họ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như phần mềm, nhưng cắt giảm chi tiêu cho các hoạt động thương mại và chăm sóc sức khỏe.
"Chuỗi cung ứng vẫn được kết nối nhưng nhu cầu cơ cấu lại hàng tồn kho hiện đang rất thấp, cần được thiết lập để thúc đẩy GDP trong những quý tới. Tuy nhiên, mức độ sẵn có thấp của một số hàng hóa nhất định có thể sẽ là hạn chế sự phục hồi đó", Ellen Zentner, chuyên gia kinh tế trưởng tại Morgan Stanley ở New York, nói.