Nên giữ nguyên lời Quốc ca Việt Nam
Thời gian gần đây, dư luận lại có dịp xôn xao trước đề xuất của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành (tỉnh Gia Lai) về việc sửa lời đối với Quốc ca của Việt Nam. Cụ thể, ông Huỳnh Thành có nêu ý kiến: “Tôi thấy Quốc ca hiện nay có giai điệu hào hùng rất phù hợp và đi vào lòng người, nhưng nên thay lời mới cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước. Ví dụ, nên sửa những câu chữ như “Đường vinh quang xây xác quân thù” bằng nội dung khác”.
Trước vấn đề này, giới chuyên gia về lĩnh vực âm nhạc cũng như nhiều tầng lớp nhân dân đã không đồng tình, và cho rằng “Tiến quân ca” không cần phải sửa chữa.
“Tiến quân ca” - Quốc ca Việt Nam
Trước hết, cần phải thấy rõ Quốc ca Việt Nam - “Tiến quân ca” đã có một sức sống mãnh liệt và có vai trò lịch sử đặc biệt từ khi ra đời cho đến nay. “Tiến quân ca” được nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) sáng tác vào năm 1944. Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17/8/1945, bài “Tiến quân ca” đã được cất lên lần đầu tiên trước đông đảo dân chúng.
Tới ngày 19/8/1945, khi Cách mạng tháng Tám vĩ đại thành công, tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội trong cuộc mít tinh lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài “Tiến quân ca” chào lá cờ đỏ sao vàng. Đặc biệt, “Tiến quân ca” chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945) tại Quảng trường Ba Đình. Hôm đó, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã chỉ huy ban nhạc Giải phóng quân tấu lên giai điệu hào sảng của ca khúc này.
Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca. Năm 1955, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá I đã quyết định mời nhạc sĩ Văn Cao tham gia sửa một số phần lời của Quốc ca. Nhạc sĩ Văn Cao sau này có chút luyến tiếc vì một số chữ sửa đã làm giảm đi khí thế hùng tráng của ca khúc. Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, khi Tổ quốc được thống nhất thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Quốc ca của nước ta vẫn là “Tiến quân ca”.
Quay về với thực tại của vấn đề hôm nay, theo Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành thì “nên thay lời mới cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước”, song ông cũng đã khẳng định trước đó “Quốc ca hiện nay có giai điệu hào hùng rất phù hợp và đi vào lòng người”.
Nói vậy để thấy được ông Thành vẫn khẳng định sức sống cũng như vai trò của “Tiến quân ca” không hề thay đổi dù ở bất kỳ thời gian, hoàn cảnh lịch sử nào. Tuy nhiên, ở góc độ muốn thay đổi “một số câu chữ” trong Quốc ca Việt Nam để phù hợp với tình hình mới, thì nhiều chuyên gia về âm nhạc đã có lý do để phản biện.
Trao đổi với giới truyền thông sau khi được biết có Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến nên thay một số câu từ của Quốc ca Việt Nam, nhạc sĩ gạo cội Phạm Tuyên chia sẻ: “Lời của ca khúc tôi nghĩ rằng nó hội tụ đủ yếu tố hào sảng của lịch sử dân tộc, nói đến nó là niềm tự hào. Nên nếu thế hệ sau muốn hiểu kỹ hơn về câu chữ, thì có thể tìm hiểu thêm về lịch sử. “Tiến quân ca” hơn nửa thế kỷ đã ngấm vào máu của nhân dân, bản thân lời bài hát đã rất hay rồi”.
Và nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng nhấn mạnh: “Bản thân nhạc sĩ Văn Cao cũng đã sửa đi, sửa lại nhiều lần trước khi ca khúc trở thành Quốc ca của đất nước. Những câu từ đã được cân nhắc kỹ mới cho ra được tác phẩm hoàn chỉnh như thế”. Bởi lẽ đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên không ủng hộ việc sửa lời của “Tiến quân ca”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương lại đưa ra nhận định, nếu có thay đổi câu từ của “Tiến quân ca” thì cũng sẽ khá phức tạp. Nhạc sĩ là người rất am hiểu về vấn đề bản quyền tác giả trong âm nhạc, nên ông cho biết việc sửa bài hát không thể tùy tiện mà phải xin phép quyền chủ sở hữu là tác giả, bởi họ mới là đối tượng có quyền giữ nguyên vẹn tác phẩm của mình.
Theo ông Phương, nếu Nhà nước đồng thuận việc sửa lời thì phải có động tác trao đổi với chủ sở hữu. Vị nhạc sĩ này tha thiết “Đừng sửa lời Quốc ca” bởi “Tiến quân ca” đã đi vào tâm khảm của người dân Việt Nam, đi cùng lịch sử nên hãy để nguyên như vậy”.
Đại diện cho thế hệ trẻ hôm nay, bạn Thùy Chi – sinh viên năm thứ 3 đang học tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội bày tỏ: “Em sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã kết thúc, xã hội bình yên và phát triển. Mỗi khi cất lên lời của “Tiến quân ca”, em đã tự nhận thức rằng sự yên bình mà thế hệ chúng em đang có đã được xây dựng bằng xương máu của cha ông mình. Và hơn bao giờ hết, em mong muốn những người có thẩm quyền hãy giữ nguyên lời bài Quốc ca, để thế hệ hôm nay, mai sau hiểu và quý trọng sự yên bình này”.
Năm 1981, một cuộc thi sáng tác nhằm thay đổi Quốc ca Việt Nam được tổ chức. Nhưng hơn một năm sau, cuộc thi này không được nhắc tới nữa và cũng không có tuyên bố chính thức gì về điều này. “Tiến quân ca” từ đó đến nay vẫn là Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bài và ảnh Quỳnh Hoa