Nghệ An đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, UBND tỉnh Nghệ An đã triển khai kịp thời, đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các công văn chỉ đạo của Chính phủ, NHNN… về đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Các cơ quan, đơn vị ở địa phương cũng đã tăng cường tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang là đơn vị “chủ công”, trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc NHNN chi nhánh Nghệ cho biết, đơn vị đã tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn, đưa ra nhiều giải pháp và xây dựng hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt. Nâng cấp hạ tầng nền tảng về khả năng xử lý dữ liệu, đảm bảo an ninh, an toàn, bổ sung các tiện ích, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng các tiêu chuẩn để nâng cao hiệu quả hoạt động chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của người dân lẫn doanh nghiệp.
Ngành Ngân hàng trên địa bàn Nghệ An đang là đơn vị “chủ công”, trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở địa phương. |
Đến nay, trên địa bàn Nghệ An hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, QR code… phát triển mạnh; mạng lưới ATM, POS, điểm chấp nhận thanh toán qua QR code bao phủ đến tất cả các địa bàn các huyện, thành phố, thị xã; Hệ thống thanh toán áp dụng công nghệ QR code, NFC, eKyc trong hoạt động thanh toán mở tài khoản thẻ từ xa; Các công nghệ như AI/ML, Bigdata, Cloud-computing,… được ứng dụng trong các dịch vụ, quy trình nghiệp vụ; kết nối và mở rộng hệ sinh thái cung ứng dịch vụ qua API, Open banking.
Ở địa phương số lượng và giá trị thanh toán không dùng tiền mặt qua Mobile Banking tăng vượt trội hơn so với Internet Banking. Giao dịch thanh toán qua Internet Banking giảm mạnh, phản ánh xu hướng thanh toán qua các ứng dụng ngân hàng số trên thiết bị di động. Đồng thời, giao dịch rút tiền mặt qua thẻ ATM có xu hướng giảm mạnh phản ánh xu thế giảm tiêu dùng bằng tiền mặt, tăng thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán điện tử trên địa bàn.
Các TCTD trên địa bàn Nghệ An đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, sự thuận lợi, an toàn của việc thanh toán không dùng tiền mặt. |
Ngành Ngân hàng trên địa bàn cũng đã đẩy mạnh thanh toán điện tử trong các lĩnh vực, dịch vụ hành chính công. Theo đó, các TCTD trên địa bàn tăng cường phối hợp với Cục Hải quan, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước tỉnh trong công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Đến nay, 100% doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan qua mạng (Hệ thống Hải quan điện tử VNACC/VCIS và Hệ thống dịch vụ công hải quan trực tuyến); 100% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đối với thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Trong năm 2024, Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã triển khai phối hợp thu ngân sách nhà nước qua hệ thống thu thuế trực tiếp tại 8 ngân hàng (tăng 3 ngân hàng so với giai đoạn 2015-2020), số chi thanh toán bằng tiền mặt cho các đối tượng thu hưởng đã giảm hơn 1.300 tỷ so với năm 2023.
Ngành Giáo dục triển khai quyết liệt thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh năm học 2023 - 2024, trong đó áp dụng đa dạng hình thức thu nộp học phí (qua phần mềm Sisap, hệ thống Vnedu, tài khoản ngân hàng), đến nay, đã có 929/929 (đạt 100%) trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở triển khai thu, nộp học phí bằng hình thức không dùng tiền mặt; 98,85% học sinh (hoặc phụ huynh học sinh) đã có tài khoản tại các ngân hàng để thực hiện thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt.
Trên địa bàn Nghệ An hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, QR code… phát triển mạnh. |
Trong khi đó, đối với dịch vụ thanh toán tiền viện phí, hiện có 51/56 cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện thanh toán viện phí không sử dụng tiền mặt, lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ để thanh toán các khoản viện phí (đạt 91%, năm 2023 chỉ đạt 68,3%), vượt chỉ tiêu đề ra.
Đối với công tác thu tiền điện, 100% các đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực Nghệ An chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng, đã và đang hợp tác với 11 ngân hàng (tăng 1 ngân hàng so với năm 2023) và 9 tổ chức trung gian trong công tác thu hộ tiền điện. Đối với công tác thu tiền nước, 100% các đơn vị cấp nước trên địa bàn chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng.
Cũng trong năm 2024, số người hưởng trợ cấp an sinh xã hội, hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp được chi trả thông qua thanh toán không dùng tiền mặt là 369.362 người, chiếm 67,6% trên tổng số người hưởng toàn tỉnh; giá trị thanh toán là 6.786 tỷ đồng (tăng 57,9% so với năm 2023), chiếm 53,6% tổng giá trị thanh toán.
Thanh toán không dùng tiền mặt nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của các cơ quan, đơn vị và người dân ở địa phương. |
Có thể nói, trong thời gian qua tại Nghệ An hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của các cơ quan, đơn vị và người dân. Qua đó, giúp doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn trong việc thanh toán, khắc phục được các hạn chế trong việc sử dụng tiền mặt để thanh toán theo phương thức truyền thống...
Tuy nhiên, trên thực tế việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở Nghệ An vẫn còn những khó khăn. Nguyên nhân, do một bộ phận lớn người dân chưa có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu để đồng bộ hóa dữ liệu, kết nối thanh toán không dùng tiền mặt. Một số khách hàng, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt…
Đặc biệt, hiện tình hình tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao và gian lận trong hoạt động thanh toán diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm và gian lận trong thanh toán thẻ, thanh toán qua internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc và các phương tiện thanh toán sử dụng công nghệ cao. Do đó, phần nào làm tăng tâm lý e ngại trong người dân khi thực hiện thanh toán trực tuyến...
Ngành Ngân hàng trên địa bàn Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó tập trung ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... |
Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở Nghệ An trong thời gian đến, cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Thu, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó tập trung ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; triển khai các giải pháp phát triển đa dạng tổ chức cung ứng, kênh phân phối, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai từng bước hoạt động đại lý thanh toán; chú trọng thông qua các tổ chức triển khai hoạt động đại lý thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa theo quy định.
Đồng thời, chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên, đáp ứng nhu cầu phát triển của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng; Tăng cường công tác thanh tra, giám sát trong hoạt động thanh toán đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh các tổ chức tín dụng đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về thanh toán...