Phát huy tiềm năng để sản phẩm vùng sâu, vùng xa vươn tầm
Tiềm năng rất lớn
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, tiềm năng sản xuất hàng hóa của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo là rất lớn với nhiều sản vật được thiên nhiên ban tặng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã được ban hành.
Chẳng hạn như trong Đề án mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn đến năm 2030 thì hoạt động kết nối cung cầu nông sản là điểm nhấn quan trọng nhất. Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Công thương hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho đồng bào dân tộc và đặc biệt là khu vực miền núi trong Đề án Đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2030… Nhờ đó, trong thời gian qua, hoạt động kinh tế thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã có những chuyển biến đáng kể, góp phần tạo cơ hội giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.
Đơn cử, tại Tuyên Quang, nhiều hộ sản xuất chè đã được hỗ trợ, tư vấn chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng tới các sản phẩm tiêu chuẩn, chất lượng, bảo vệ môi trường... để vươn ra các thị trường xa hơn.
Cần tăng cường kết nối tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa địa phương |
Anh Nguyễn Hữu Quang (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, từ năm 2019 gia đình anh được hợp tác xã lựa chọn 3 ha chè từ 5 đến 7 tuổi để chuyển sang mô hình sản xuất hữu cơ. Sau hơn 2 năm chăm sóc theo quy trình hữu cơ, năng suất tuy giảm 30% nhưng chất lượng chè được đảm bảo hơn và giá bán cao gấp đôi, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Mỗi sào chè hữu cơ mỗi lứa thu được 20 kg chè khô, giá bán 500.000 - 600.000 đồng/kg, nhiều cơ sở sản xuất đến tận vườn để thu mua và bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, anh Quang có điều kiện tập trung sản xuất hiệu quả, tạo ra những sản phẩm an toàn.
Còn xét trên toàn quốc, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản của một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa, rượu sim Phú Quốc… đã được chú trọng phát triển thương hiệu và xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, châu Âu… góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân.
Mới đây, sản phẩm xơ mướp của đồng bào Tày tại xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai được xuất khẩu thử nghiệm sang thị trường Áo, bước đầu được đón nhận, mở ra hướng phát triển mới cho người dân vùng cao Lào Cai, nhất là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Để phát triển xứng với tiềm năng
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa góp phần vào việc tăng cường kết nối cung cầu, bảo đảm nguồn lực duy trì chuỗi cung ứng liên tục, đa dạng ở thị trường trong và ngoài nước; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Tuy vậy, vẫn có nhiều sản phẩm vùng cao dù được đầu tư mẫu mã, nhãn hiệu và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, nhưng vẫn chưa thể cạnh tranh trên thị trường. Tại Thanh Hóa, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mường Ca Da cho biết, cơ sở đã đầu tư hệ thống máy sấy, nồi hấp và cơ giới hóa nhiều công đoạn chế biến sản phẩm; liên kết với những vùng có diện tích nứa, luồng thâm canh lớn để thu mua măng tươi nguyên liệu; nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối sản phẩm đến một số thị trường tiềm năng… Tuy nhiên, hiện việc đưa sản phẩm ra thị trường vẫn chủ yếu qua “mối thân quen”, chưa có kênh phân phối hay marketing chuyên nghiệp; chưa xây dựng được vùng nguyên liệu lớn, ổn định để chế biến sản phẩm đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Ông Mai Thanh Thảo, Phó trưởng phòng Ngành nghề nông thôn, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) còn chỉ ra, hiện nay hạ tầng phục vụ sản xuất và hạ tầng kết nối tiêu thụ nông sản còn hạn chế; quy mô sản xuất còn nhỏ, thiếu sự ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, rất khó để phát triển thành vùng hàng hóa lớn; phương pháp sản xuất còn thủ công nên số lượng sản phẩm đạt được còn hạn chế… Việc đa dạng hóa, mẫu mã sản phẩm để thu hút được người tiêu dùng trong nước và quốc tế cũng chưa được quan tâm đúng mức; công tác quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm chưa được chú trọng... là những nhân tố khiến nông sản miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa mở rộng được thị trường.
Để khắc phục, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm này, góp phần kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ; thúc đẩy sản xuất, phát triển thương mại của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền.
Đặc biệt, việc bổ sung nguồn kinh phí hỗ trợ cho quá trình này cũng cần được quan tâm. Theo ông Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các địa phương hàng năm cần bố trí một phần kinh phí nhất định từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình. Chính phủ cũng cần quan tâm, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, hải đảo nhất là những vùng đặc biệt khó khăn; xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Ngoài ra, một số chuyên gia đề xuất, cần tăng cường hướng dẫn và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa hoàn thiện, chuẩn hóa bao bì, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc; tăng cường rà soát, kiểm tra, đánh giá, giám sát tất cả các mã số vùng trồng hiện có, thực cấp mã số vùng trồng mới và số hóa vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, cơ sở xông hơi khử trùng đã được cấp; tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa là lợi thế phát triển của các địa phương...