Thị trường trái phiếu năm 2023: Nhiều khó khăn và thách thức
Năm 2022… gần như đóng băng
Đánh giá về thị trường trái phiếu năm 2022, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VMBA) cho biết, năm 2022, đại dịch Covid-19 bắt đầu suy giảm sau hơn hai năm bùng phát toàn cầu. Với bối cảnh sau đại dịch thì nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Chính sách phong tỏa dẫn tới sự đứt gãy trong quá trình sản xuất, đầu tư, thương mại toàn cầu làm cho chi phí tiếp tục phát sinh, trong khi dòng thu của hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả nguồn thu từ các cơ quan quản lý của các Chính phủ cũng có xu hướng giảm.
Sau đại dịch, khi nhiều nước phát sinh các vấn đề thì Việt Nam cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng chung đó. Ngay từ đầu năm 2022, chúng ta phải điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt và nâng dần lãi suất. Đi theo xu hướng chung của quốc tế, trái phiếu Chính phủ, khối lượng phát hành thành công cho đến thời điểm này đạt khoảng trên 55% kế hoạch. Tỷ lệ trúng thầu trên thị trường sơ cấp giảm khá mạnh so với năm 2021 với bình quân trên 50% so với mức khoảng trên 70% của năm 2021.
Trên thị trường thứ cấp, khối lượng giao dịch cũng giảm khá mạnh, khoảng gần 40% so với cùng kỳ. Đặc biệt, lãi suất của trái phiếu Chính phủ có xu hướng tăng khá nhanh, nhất là với kỳ hạn 10 năm lãi suất tăng thêm trên 2% so với cuối năm 2021.
Với TPDN, trong năm 2022 khối lượng phát hành thành công cũng giảm rất mạnh so với 2021. Trên thị trường thứ cấp, hoạt động giao dịch cũng sụt giảm mạnh và có nhiều diễn biến khá bất thường. Nếu các năm trước, hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp nhằm để đầu tư và phát triển nên tỷ lệ mua lại trước hạn thấp, nhưng năm 2022, tỷ lệ mua lại trước hạn rất cao, đó chính là yếu tố bất thường. Đi cùng với cả xu hướng đó, lãi suất của TPDN cũng tăng lên cao với thanh khoản giảm thấp.
Với bối cảnh thị trường bị tác động bởi cả yếu tố biến động chung của thị trường quốc tế, trong nước, cộng với yếu tố lành mạnh hóa thị trường và thêm yếu tố về tâm lý của nhà đầu tư... đã làm cho thị trường TPDN trong năm 2022, đặc biệt đến quý IV gần như đóng băng.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty CP FiinGroup cho biết, mức xếp hạng tín nhiệm của Chính phủ Việt Nam trên thị trường quốc tế được cải thiện tăng lên nhưng lãi suất tăng chủ yếu do vấn đề về mặt môi trường, về lãi suất của quốc tế.
Còn với TPDN, ông Thuân cho biết, năm 2022 có tổng giá trị phát hành khoảng 300.000 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 50% so với năm 2021, trong khi từ 2019, phát hành trái phiếu đã ngang bằng hoặc vượt tăng ròng về tín dụng trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng. Ví dụ như năm 2021, tăng ròng về tín dụng trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng khoảng 485.000 tỷ đồng thì tổng trị phát hành của kênh TPDN khoảng hơn 600.000 tỷ đồng. Điều rất đáng tiếc là từ tháng 10/2022, thị trường này khựng lại, không phải chỉ là sự thay đổi về tiết cung mà nó cũng là vấn đề về cầu, vấn đề về sự việc vi phạm và hệ quả từ sự tham gia của quá nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự hiểu biết trên thị trường này.
Nguyên nhân từ khó khăn chung
Nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng này, ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho biết, thứ nhất là tác động từ yếu tố mang tính thị trường, bao gồm cả thị trường quốc tế lẫn các yếu tố thị trường trong nước với xu hướng thắt chặt tiền tệ, lãi suất nâng lên làm cho chi phí vay vốn của doanh nghiệp tăng lên và khả năng vay vốn của danh hiệu khó hơn.
Thứ hai, trong năm 2022, chủ trương của Chính phủ là thực thi các chính sách giúp lành mạnh hóa thị trường tài chính, tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát và cũng có những xử lý đối với một số các doanh nghiệp vi phạm.
Thứ ba, là yếu tố tác động bởi tâm lý của thị trường khi các nhà đầu tư nhìn thấy những diễn biến như vậy, cả diễn biến của thị trường lẫn các yếu tố rủi ro về pháp lý cũng làm cho tâm lý của các nhà đầu tư thận trọng hơn. Và họ có xu hướng co lại, thậm chí là chủ động, mong muốn là cắt giảm để thu tiền về sớm hơn so với cả dự kiến ban đầu.
Ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, không chỉ là những biện pháp lành mạnh hóa của cơ quan quản lý, mà thị trường cũng chịu tác động kép, mang tính chu kỳ ngành. “Chúng ta đã thấy tổ chức phát hành trái phiếu ngoài ngân hàng chủ yếu là bất động sản, họ chịu tác động không chỉ là lãi suất, không chỉ là pháp lý bất động sản, mà bản chất, sau một chu kỳ, một thời gian phát triển rất mạnh và nóng, rồi có tính đầu cơ cao, thì nó phải "hạ cánh". Thị trường TPDN ở trong nước mới phát hành ở đỉnh cao trong thời gian 3 năm, từ 2019 nên nó cũng là điểm rơi về mặt dòng tiền, phải áp lực trả nợ, cộng với tác động từ bên ngoài, và với đặc thù mang tính chu kỳ của ngành. Các yếu tố này đã làm cho vấn đề trở nên lớn hơn: doanh nghiệp phát hành buộc phải mua lại trái phiếu, gây bất lợi cho doanh nghiệp. Đương nhiên không hoàn toàn chỉ có vấn đề của doanh nghiệp mà tâm lý của nhà đầu tư và những yếu tố mang tính khách quan mà không ai có thể kiểm soát được nữa”, ông Thuân trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính trên VTV8.
Thị trường trái phiếu năm 2023 còn khá bất định
Dự báo thị trường trái phiếu năm 2023, ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho biết, thị trường thế giới hiện nay còn khá bất định và hầu hết các tổ chức dự báo ở trên thế giới cho rằng 2023 nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ rơi vào suy thoái, khó khăn trong 2023 sẽ vẫn còn tiếp tục. Đặc biệt khi xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn còn tiếp diễn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm sáng. Chúng ta cũng đang hy vọng chu kỳ tăng lãi suất của FED có thể bắt đầu giảm xuống và sẽ dừng lại rồi kết thúc vào quý I/2023. Thứ hai là khả năng Trung Quốc có thể sớm chấm dứt chính sách Zero - Covid, tác động đến các nền kinh tế nói chung và Việt Nam là một nền kinh tế ở ngay bên cạnh. Riêng với thị trường trong nước, các doanh nghiệp đã bộc lộ rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp cũng đã chủ động có những biện pháp để tổ chức lại hoạt động và tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, thiết yếu.
“Tôi hy vọng rằng, những biện pháp họ đã triển khai sẽ giúp cho các doanh nghiệp ổn định hơn và các hoạt động sản xuất kinh doanh đi theo hướng lành mạnh hơn. Tôi cũng hy vọng Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới, đặc biệt vào 2023 sẽ có những biện pháp và giải pháp, các chính sách trúng hơn, kịp thời hơn, tháo gỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, thời gian gần đây, huy động vốn nợ trái phiếu, chủ yếu là vốn nợ quốc tế diễn ra rất mạnh, đặc biệt là với các doanh nghiệp minh bạch. Riêng trong tháng 10, con số thống kê khoảng 1,9 tỷ USD. Trong đó có một số doanh nghiệp đơn vị ông tham gia xếp hạng tín nhiệm, họ có đặc điểm chung là doanh nghiệp minh bạch. Lãi suất thì do môi trường mới, có phần cao hơn một chút nhưng doanh nghiệp giải quyết được vấn đề về mặt thanh khoản và đây là xu hướng của 2023. Hy vọng nó sẽ xảy ra đối với thị trường trái phiếu nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, minh bạch, quản trị doanh nghiệp tốt và nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền để có thể tham tham gia.
Hiện tại Bộ Tài chính cũng đã có những giải pháp để khai thông kênh TPDN đại chúng. Ông kỳ vọng đây là hai vấn đề sẽ là điểm sáng trong năm 2023.
“Chúng tôi cũng làm việc với một số doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư quốc tế về việc phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh. Mặc dù mới bắt đầu ở Việt Nam, chỉ có một vài doanh nghiệp phát hành theo chuẩn quốc tế nhưng tôi hy vọng trái phiếu xanh cũng sẽ là điểm sáng về thị trường trái phiếu trong năm 2023.
Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang dự thảo quyết định của Thủ tướng về phân loại xanh, hy vọng điều đó sẽ được phê duyệt và đi vào hiệu lực. Còn các nhà đầu tư quốc tế thì vẫn đang rất nỗ lực đồng hành cùng với doanh nghiệp, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chí xanh để có vốn hợp lý hoặc rẻ với kỳ hạn dài”, ông Thuân nói đồng thời cho biết: Những doanh nghiệp nào năng lực tín dụng tốt, có các dự án phát triển lớn và cần phải đầu tư vẫn cứ chủ động và tìm kiếm, sàng lọc các nhà đầu tư thì dòng tiền thông minh vẫn tìm đến. Còn những doanh nghiệp chẳng may yếu hoặc cạn dòng tiền thì phải chuẩn bị tâm thế phải chủ động minh bạch; làm việc với trái chủ, đại diện chủ nợ để minh bạch về tình hình tài chính của mình…
"Tôi nghĩ doanh nghiệp cần chủ động minh bạch trước để tránh rơi vào tình huống bị động mà có những hậu quả không mong muốn như đã từng xảy ra”, ông Thuân khuyến nghị.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh thì cho rằng, thanh khoản của thị trường đến từ niềm tin, niềm tin lại đến từ sự minh bạch của doanh nghiệp đang ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào. Cơ quan quản lý nhà nước cần phải nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của nhà đầu tư cũng như của các thành phần tham gia thị trường về những thông tin minh bạch để có đánh giá đúng và xử lý thông tin một cách phù hợp. Tiếp đó, môi trường pháp lý và thực thi pháp lý phải công bằng, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, của các thành viên tham gia thị trường.