Thị trường vật liệu xây dựng: Biến động trái chiều
Theo chủ cửa hàng VLXD Tuấn Bích (Đội Cấn, Ba Đình), thời gian qua, giá VLXD liên tục có sự thay đổi, trong khi giá thép xây dựng có chiều hướng giảm, thì xi măng lại tăng chóng mặt. Chỉ trong thời gian ngắn mà tất cả các mặt hàng xi măng đều điều chỉnh tăng giá và biến động nhanh. Chỉ riêng trong tháng 5/2022, cửa hàng đã 2 lần phải thông báo tăng giá xi măng. Trong tháng 5/2022, giá bán xi măng tăng khoảng 40.000 - 80.000 đồng/tấn, tùy từng loại và thương hiệu. Không chỉ vậy, hàng loạt nguyên VLXD khác như: cát, bê tông, đá cấp phối, đất, cát san lấp mặt bằng... cũng đua nhau tăng giá.
Thời gian qua, giá các mặt hàng VLXD biến động trái chiều |
Đánh giá của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho thấy, xi măng tăng giá thời gian qua do nhiều nguyên nhân, trong đó có giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là than, đã làm tăng giá thành sản xuất xi măng. Trong tháng 5/2022, hầu hết các DN đều điều chỉnh tăng giá bán, mức tăng dao động từ 60.000-80.000 đồng/tấn. Trong đó, thương hiệu Vicem Bút Sơn điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm như xi măng bao dân dụng PCB30, PCB40, MC25, C91, xi măng bao PCB30, PCB40 sử dụng vỏ bao dán đáy công trình (tăng 50.000 đồng/tấn); xi măng rời PCB30, PCB40 (bao gồm cả xi măng đóng bao Jumbo, vỏ bao Jumbo của khách hàng) tăng 70.000 đồng/tấn. Cuối tháng 5/2022, hàng loạt các công ty xi măng như Vicem Hoàng Thạch, Tân Thắng, Xuân Thành Quảng Nam, Sông Lam, Luks Việt Nam, Nghi Sơn, cũng thông báo tăng giá bán 55.000-80.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT)...
Số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy, trong tháng 5/2022, sản lượng tiêu thụ xi măng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu ước đạt 9,27 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt khoảng 44,12 triệu tấn, tương đương với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước là 26,73 triệu tấn, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi nhiều mặt hàng VLXD có xu hướng tăng giá, thì thép lại đảo chiều giảm sâu. Trong nửa đầu tháng 6/2022, các nhà sản xuất đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng. Đây là lần giảm thứ 5 liên tiếp của giá thép trong nước trong hơn 3 tuần qua. Theo đó, giá thép trong nước tiếp tục giảm thêm 300.000-310.000 đồng/tấn xuống còn 16,92-17,42 triệu đồng/tấn. Thép Hòa Phát tại miền Bắc điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn đối với thép CB240 và D10 CB300, xuống còn 16,95 triệu đồng/tấn và 17,51 triệu đồng/tấn. Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý cũng điều chỉnh giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn với 2 loại thép CB240 và D10 CB300 xuống còn 16,92 triệu đồng/tấn và 17,42 triệu đồng/tấn… Như vậy, mức điều chỉnh giảm thép xây dựng tại thị trường nội địa từ đầu năm 2022 cho tới nay đối với thép cuộn phổ biến từ 1,7 – 1,85 triệu đồng/tấn, thép cây dân dụng từ 1,4 – 1,6 triệu đồng/tấn. Sau đợt điều chỉnh này, giá bán thép xây dựng hiện nay trên thị trường đã quay về tương đương với giá bán tại thời điểm giữa tháng 2/2022.
Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, mặc dù giá thép có sự giảm liên tục thời gian qua nhưng sản lượng tiêu thụ vẫn ổn định. Tháng 5/2022, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 780.000 tấn thép thô, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 660.000 tấn, tăng 10% so với tháng 5/2021. Riêng thép xây dựng cung cấp cho thị trường là 393.000 tấn, tăng 32% so với tháng trước và 21% so với cùng kỳ năm trước. Với sản phẩm HRC, sản lượng tháng 5 đạt trên 200.000 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 3,6 triệu tấn thép thô, tăng 10% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng và HRC đạt 3,4 triệu tấn, tăng 5%. Thép xây dựng đóng góp 2 triệu tấn, tăng 26% so với cùng kỳ 2021…
Thị trường các sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ đang trì trệ, dẫn đến mức tiêu thụ nguyên liệu thép cuộn cán nóng thấp hơn so với cùng kỳ và tháng 4/2022. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ ống thép là 51.000 tấn, tăng 17% so với tháng trước, nhưng giảm 20% so với cùng kỳ.
Có thể thấy, biến động giá cả của thị trường VLXD thời gian qua, nhất là sự tăng giá các mặt hàng khiến nhiều chủ thầu xây dựng lao đao, nhiều công trình lo vỡ tiến độ, thua lỗ. Trước thực trạng đó, mới đây Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có Công văn số 2360/VPCP-CN, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương vào cuộc nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn giá nguyên liệu, VLXD, trước thực tế, giá mặt hàng VLXD thiết yếu đang biến động khó lường…