Tăng độ bao phủ tài chính toàn diện
Thanh toán điện tử là trụ cột quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện | |
Tài chính toàn diện trong nền kinh tế không tiền mặt |
Phát triển TCVM phải đi cùng mức độ tiếp cận và tính an toàn |
Theo PGS. TS. Trần Thị Thanh Tú, Khoa Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu xét về mặt xã hội, TCVM đem lại cơ hội cho người nông thôn, nhất là người nghèo tiếp cận dịch vụ tài chính, tăng cường sự tham gia vào cộng đồng. Bởi dễ nhận thấy, tại các khu vực mà ngân hàng, hay các mô hình chi nhánh truyền thống không thể với tay tới thì các tổ chức TCVM lại có thể tiếp cận khách hàng trực tiếp, từ việc phát vốn tới thu hồi vốn.
Không những vậy, TCVM còn trao quyền cho phụ nữ khi tăng khả năng thu và kiểm soát tài sản, giúp tự chủ và ra quyết định lớn trong gia đình; tăng thu nhập cho hộ nghèo bằng việc trang trải các chi phí y tế, giáo dục, cải thiện sức khoẻ và dinh dưỡng...
Thúc đẩy sự phát triển của TCVM có ý nghĩa kinh tế, chính trị, an sinh xã hội rất lớn thông qua việc mở rộng cánh cửa tiếp cận dịch vụ tài chính và tín dụng cho người nghèo, người yếu thế, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tín dụng vi mô và tiếp cận tín dụng vi mô là điều kiện quan trọng quyết định khả năng nâng cao mức sống và thoát khỏi nghèo đói.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vẫn phải nhìn nhận rằng TCVM tại Việt Nam hoạt động còn khá manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa thật đa dạng, các chỉ số bền vững hoạt động và tài chính của các tổ chức TCVM chưa cao.
Bà Đinh Thị Minh Thái, Viện Tài chính vi mô và Phát triển cộng đồng (MACDI) nhận thấy: Hoạt động của chương trình, dự án TCVM có nhiều thử thách khi theo đuổi đồng thời mục tiêu tài chính và mục tiêu xã hội. Việc cân bằng cả hai mục tiêu cần hướng tới sự chuyên nghiệp hoạt động, để tạo dựng dịch vụ tài chính thân thiện và dễ dàng tiếp cận cho người nghèo ngay tại cộng đồng, góp phần làm giảm nạn cho vay nặng lãi với người nghèo.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS. Lê Thanh Tâm, Đại học Kinh tế quốc dân, Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam (MFWG) chia sẻ thêm, tổ chức TCVM sẽ bền vững nếu duy trì được sự cân bằng giữa an toàn - sinh lời trong thời gian dài, phục vụ lợi ích của khách hàng, gia tăng lợi ích cho cộng đồng, xã hội, môi trường. Hiệu quả xã hội của một tổ chức TCVM là những ảnh hưởng tích cực tới khách hàng, nhân viên, cộng đồng và môi trường mà hoạt động TCVM mang lại, thể hiện trách nhiệm xã hội của tổ chức TCVM. Bền vững luôn được đánh giá kèm với mức độ tiếp cận và tính an toàn.
Đối với các tổ chức TCVM, bà Tâm thấy phải tăng cường công tác quản trị và điều hành, tăng cường minh bạch hoá thông tin để tăng uy tín và bảo vệ quyền lợi khách hàng; tăng cường chất lượng dịch vụ TCVM cung cấp cho khách hàng, cân bằng giữa các dịch vụ tài chính và xã hội. “Nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức TCVM, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường sự liên kết giữa các tổ chức có hoạt động TCVM, đẩy mạnh tuyên truyền/giáo dục tài chính”, PGS.TS. Lê Thanh Tâm nhấn mạnh.
Hiện nay, nhóm các tổ chức TCVM chính thức và bán chính thức hoạt động với quy mô trung bình và lớn mặc dù đã đạt được sự phát triển về mức độ tiếp cận, nhưng PGS.TS Trần Thị Thanh Tú chia sẻ rằng còn thiếu tính ổn định và biến động chu kỳ lớn; khả năng sinh lời thấp; tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức TCVM tại Việt Nam có tăng, đặc biệt với nhóm tổ chức TCVM bán chính thức.
Theo bà Tú, với tổ chức TCVM cần quản lý tài chính theo quy định hiện hành và thông lệ tài chính quốc tế đối với các tổ chức TCVM, xây dựng chiến lược thu hút vốn, nhất là với khu vực tư nhân. Đi cùng với đó là đa dạng hoá sản phẩm tiết kiệm nhằm tăng trưởng tiết kiệm tự nguyện; cung cấp sản phẩm phong phú hơn, áp dụng công nghệ vào sản phẩm tài chính như một hướng đa dạng hoá sản phẩm của các tổ chức TCVM chính thức. Quan trọng nhất, là củng cố năng lực quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm, xây dựng công cụ phòng ngừa rủi ro; tăng cường cho vay các doanh nghiệp siêu nhỏ; tận dụng các cơ hội hợp tác quốc tế.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều lĩnh vực đang được hưởng thành tựu từ CMCN 4.0 và công nghệ số. ThS. Đồng Thị Quỳnh Lê - Giám đốc Trung tâm Thanh toán (VietinBank) cho rằng các tổ chức TCVM nên áp dụng những thành tựu CNTT như một giải pháp nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Vị này cũng đề xuất, nên xem xét phát triển ví điện tử ứng dụng trên điện thoại thông minh dành riêng cho đối tượng của TCVM và sử dụng ví này để đưa dòng vốn tới tận tay người cần vay vốn; kết hợp với các cá nhân, tổ chức để cung cấp sản phẩm dịch vụ cho phép thanh toán bằng ví này.
“Với giải pháp này, nhiều mục tiêu từ vi mô tới vĩ mô sẽ được thực hiện, giảm thiểu chi phí nguồn lực cán bộ tín dụng tới từng nhà để cấp phát vốn, giảm tỷ lệ sử dụng vốn ưu đãi sai mục đích, tăng tính minh bạch hoá đối với nguồn vốn huy động từ xã hội, tăng tính phủ rộng địa bàn hoạt động của tổ chức, từ đó tăng độ bao phủ của tài chính toàn diện”, ThS. Đồng Thị Quỳnh Lê cho hay.