Thúc đẩy giáo dục tài chính tại Việt Nam
Theo TS. Đinh Thị Thanh Vân, Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính – Ngân hàng, UEB-VNU, Đồng sáng lập Mạng lưới tăng cường hiểu biết tài chính cho Việt Nam, các kết quả nghiên cứu gần đây của Nhóm ở một số đối tượng cho thấy, trình độ hiểu biết tài chính của các nhóm sinh viên, các hộ gia đình đều đang ở mức thấp. Nghiên cứu cũng đề xuất thiết kế các chương trình giáo dục tài chính được chuẩn hóa cho cá nhân và hộ gia đình, trên cơ sở học tập kinh nghiệm quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng UEB-VNU cho biết, giáo dục tài chính được coi là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phổ cập tài chính tại nhiều quốc gia.
Việt Nam cũng là một trong 25 quốc gia mà WB và một nhóm các đối tác ưu tiên tập trung cho các nỗ lực về phổ cập tài chính trong sáng kiến Phổ cập tiếp cận tài chính (UFA) đến năm 2020, với mục tiêu sẽ giúp cho 2 tỷ người hiện nay chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng được tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức.
"Hiện nay, chỉ số phổ cập tài chính của Việt Nam chỉ đạt 21,28 điểm, xếp thứ 112/176 trên toàn thế giới và đứng ở vị trí 22/37 quốc gia đang phát triển tại châu Á. Những hạn chế về hiểu biết tài chính của phần lớn người dân đã trực tiếp ảnh hưởng tới việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính của họ", PGS.TS Nguyễn Trúc Lê thông tin.
Tại Việt Nam, hiện đã có một số ngân hàng và công ty đang triển khai những chương trình về phổ biến kiến thức tài chính hướng tới nhiều đối tượng người học khác nhau từ học sinh các cấp cho tới người tiêu dùng trưởng thành. Tuy nhiên nhìn chung hoạt động giáo dục tài chính hiện nay vẫn chưa được tổ chức một cách thống nhất theo một chiến lược quốc gia cũng như chưa được thực hiện theo một lộ trình dài hạn nhằm phục vụ mục tiêu nâng cao hiểu biết tài chính cho cộng đồng.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Alwaleed Alatabani, Chuyên gia trưởng trong lĩnh vực tài chính của WB tại Việt Nam đã đưa ra những bài học kinh nghiệm và thông lệ quốc tế tốt về phổ cập tài chính, qua đó rút ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam. Ông Alwaleed Alatabani nhấn mạnh các bài học gợi ý cho Việt Nam bao gồm tăng cường yếu tố địa phương, tính gần gũi về mặt văn hóa cũng như điều kiện tài chính của người dân được hướng tới.
Trong bài trình bày của mình, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV đã tổng kết, đánh giá những thành tựu, tồn tại và định hướng tương lai cho giáo dục tài chính tại Việt nam. Theo TS. Lực, với sự thay đổi nhận thức của người dân cũng như sự phát triển của xã hội, các chương trình giáo dục hiểu biết tài chính được đánh giá sẽ phát triển mạnh mẽ và có nhiều chuyển biến tích cực trong tương lai.
Hội thảo thu hút được sự tham gia của đông đảo các đại diện trong nước và quốc tế như WB, Tổ chức phát triển Đức (GIZ); UNDP Việt Nam; Ủy Ban CK Nhà Nước, UB Giám sát Tài chính Quốc Gia, NHNN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam…