Big Data và AI hỗ trợ hoạt động tín dụng
Trên thế giới, dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng nhiều trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Đối với các NHTM, các thông tin liên quan tới hành vi, thói quen tiêu dùng của khách hàng sẽ giúp ngân hàng có lợi thế cạnh tranh lớn. Chuyên gia cho rằng dữ liệu lịch sử như mức lương, số tiền tiết kiệm hàng tháng, số tiền chi tiêu vào dịch vụ tiện ích, mua sắm, thông tin cá nhân như giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, giáo dục, nơi ở, phương tiện di chuyển… đều là những yếu tố nền tảng để ngân hàng đề ra chiến lược kinh doanh hợp lý, kết hợp với sử dụng AI để phân tích thông tin thu thập được, chỉ ra các khoản chi tiêu, cung cấp các sản phẩm tài chính cộng thêm… Cũng trên thông tin thu thập được, AI sẽ đưa ra những tiêu thức chấm điểm tín nhiệm của từng khách hàng, giúp ngân hàng dễ dàng thẩm định hồ sơ, giảm thiểu rủi ro, hỗ trợ xây dựng kế hoạch cho vay phù hợp với từng đối tượng khách hàng...
Ảnh minh họa |
Hiện một số ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu triển khai ứng dụng Big Data và AI. Như SeABank là một trong những đơn vị tiên phong đầu tư nền tảng AI trong hoạt động ngân hàng hàng ngày khi triển khai dự án Core AI năm 2020 thông qua việc xây dựng nền tảng về công nghệ thông minh, ứng dụng AI, tích hợp các hệ thống khác giúp nâng cao sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng. Ứng dụng SeAMobile của nhà băng này là ứng dụng tài chính duy nhất có tính năng như một trợ lý tài chính cá nhân. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên xây dựng hệ thống tổng đài tự động chăm sóc khách hàng (Callbot) và sẵn sàng golive vào đầu năm 2021 với các tính năng như Tự động chăm sóc khách hàng đến hạn thẻ tín dụng, tự động nhắc nợ đến hạn khoản vay, tự động chăm sóc khách hàng đến hạn sổ tiết kiệm… Hay với VIB đã công bố ứng dụng thành công công nghệ xử lý Big Data và AI vào quy trình chấm điểm tín dụng và duyệt hạn mức thẻ tín dụng dựa trên hợp tác với công ty Fintech cung cấp giải pháp chấm điểm tín dụng Trusting Social.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cũng cho biết, ngân hàng này hiện đã đưa vào hoạt động 130 robot, có khả năng tạo ra trung bình 5 robot/tuần để triển khai trong các quy trình vận hành nội bộ nhằm thay thế nhân viên thực hiện những công việc có tính chất lặp đi lặp lại. Trong năm 2021, TPBank sẽ tiếp tục triển khai 145 robot mới với akaBot, dự kiến có khoảng 20 robot áp dụng AI; kỳ vọng năng suất lao động chung với các nghiệp vụ dùng robot sẽ tăng ít nhất 20-30%, tiết kiệm được hàng trăm nhân sự…
Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc VietinBank cũng cho hay, phòng giao dịch của ngân hàng này hiện đã trang bị các ki-ốt tiếp đón khách hàng và đều có khả năng nhận diện khuôn mặt để biết thông tin cũng như nhu cầu của khách hàng, chuyển tới giao dịch viên, cũng nhờ AI mà nhà băng này cho phép khách hàng mở tài khoản online qua eKYC, đăng ký khoá thẻ qua chatbot. VietinBank cũng định hướng phát triển ứng dụng ngân hàng thành trợ lý tư vấn tài chính, không chỉ dừng lại ở tương tác một chiều.
CEO một NHTMCP chia sẻ, sự phát triển nhanh như vũ bão của Internet bên cạnh sự tích cực thì cũng ngày càng làm gia tăng nhiều loại hình tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Trước bối cảnh đó thì Big Data cho phép ngân hàng đưa ra các giải pháp kịp thời, an toàn cho hệ thống. Việc liên hệ giữa các dữ liệu khác nhau cũng cho phép ngân hàng phát hiện dấu hiệu gian lận để từ đó đề ra những giải pháp ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, trước khi cho vay hay quyết định mức lãi suất cho vay, cấp hạn mức tín dụng… các ngân hàng đều sẽ phải đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Hiện nay, với sự “trợ giúp” của Big Data, các quyết định cho vay hay kiểm soát khoản vay sẽ được thực hiện nhanh chóng, chính xác hơn so với việc sử dụng các mô hình chấm điểm tín dụng trước đây. Đơn cử như các thông tin về việc thanh toán hoá đơn đúng hạn kết hợp với nguồn dữ liệu khác có thể hỗ trợ cho ngân hàng đánh giá đầy đủ so với mô hình truyền thống chỉ dựa vào lịch sử tín dụng.
Trao đổi về vấn đề này, một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng ứng dụng Big Data hay AI là cả một quá trình bao gồm nhiều khâu, và ở khâu nào cũng cần được triển khai thật sự bài bản, có sự đầu tư thoả đáng. Đặc biệt, một trong những điều kiện tiên quyết để quyết định việc triển khai thành công hay không là nhận thức rõ ràng từ các cấp lãnh đạo quản lý về tầm quan trọng và lợi ích của việc ứng dụng Big Data và AI trong ngân hàng của mình.
“Nếu từ các cấp lãnh đạo mà không quyết liệt trong tư duy và hành động thì sẽ rất dễ kéo ngân hàng tụt hậu. Tư duy của lãnh đạo ảnh hưởng và tác động rất lớn tới hành động của các cấp bên dưới. Chuyển đổi số là cả một quá trình, không phải ngày một ngày hai nên chiến lược chuyển đổi nên chia thành từng cấu phần, từng giai đoạn cụ thể, và đề ra mục tiêu phù hợp”, vị chuyên gia này chia sẻ.
JP Morgan Chaser có đến gần 30% nhân sự là dân công nghệ thông tin (IT), trong khi đó con số này ở Việt Nam hiện nay mới chỉ khoảng chưa tới 5%. Theo lãnh đạo một NHTM, số hoá là hành trình mà không một nhà băng nào có thể thoái thác hay chần chừ, “và đã xác định được chiến lược chuyển đổi số thì phải có sự đầu tư đáng kể, nhiều phía. Ứng dụng AI hay Big Data, hay các công nghệ khác của thời đại 4.0 thì đều phải được nghiên cứu rõ là triển khai ở mảng nào, từ đó tìm kiếm đối tác cũng như nhà cung cấp phù hợp để bắt tay vào công việc”.