Cách tính, mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân xa rời thực tế
Dự kiến sửa đổi, bổ sung 31/35 điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân [Infographic] Đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân cho một số lĩnh vực ưu tiên |
Nhận diện nhiều quy định không hợp lý
Vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản lấy ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế Thu nhập cá nhân (thay thế).
Theo nhận định của Bộ Tài chính, sau hai lần sửa đổi vào các năm 2012, 2014, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành đã góp phần tăng cường kiểm soát, phân phối thu nhập; hạn chế sự gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư. Đồng thời chính sách thuế cũng đã hỗ trợ hiệu quả cho cá nhân, người lao động trong những giai đoạn, thời điểm kinh tế khó khăn, dịch bệnh, tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, hiện nay với sự thay đổi thực tiễn về công việc, thu nhập và biến động các loại hình sản xuất, kinh doanh; Luật Thuế TNCN đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp, nhất là các quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với người lao động.
Chẳng hạn, đối với các quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế và cách tính thuế đối với từng loại thu nhập, Luật hiện hành thiếu các quy định về thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản. Các quy định về thu nhập từ kế thừa, quà tặng cũng chưa được luật hóa chi tiết và chưa có các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Về thu nhập được miễn thuế, giảm thuế, hiện nay các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, an sinh xã hội… được Đảng, Chính phủ quan tâm với nhiều chính sách ưu đãi về tài chính và tín dụng, tuy nhiên các quy định của Luật Thuế TNCN cũng chưa có quy định cụ thể và danh mục những lĩnh vực người lao động được ưu đãi, ưu tiên miễn, giảm thuế TNCN.
Đặc biệt, đối với các quy định về giảm trừ gia cảnh, giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo và cách tính thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh hiện nay có nhiều bất cập và không còn phù hợp. Trong đó, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại (11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng tháng đối với người phụ thuộc) được nhiều ý kiến cho là còn quá thấp so với mức thu nhập và sự thay đổi về mức sống dân cư. Trong khi đó, mức 100 triệu đồng/năm để xác định cá nhân, hộ kinh doanh không thuộc diện nộp thuế TNCN là không phù hợp; cá nhân kinh doanh nộp thuế theo tỷ lệ trên doanh thu hiện nay cũng không được giảm trừ gia cảnh, tạo ra bất bình đẳng giữa những người nộp thuế.
Hiện tỷ trọng số thu từ thuế TNCN chiếm 9% trong tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 và tăng đều từng năm giai đoạn 2011-2023 |
Nên “bám” vào lương để linh hoạt tính mức giảm trừ
Mặc dù Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Luật mức giảm trừ gia cảnh được giữ nguyên theo quy định hiện hành, bao gồm 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Tuy nhiên, Bộ này cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh quy định về giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế. Trong đó, sẽ căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng vừa được điều chỉnh tăng trong năm 2024 và các kiến nghị phù hợp, khả thi của các bộ, ngành, địa phương để điều chỉnh mức giảm trừ phù hợp theo từng khu vực kinh tế, cũng như tính toán các bậc thuế đảm bảo công bằng.
Từ góc độ tư vấn thuế, ông Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH BCTC cho rằng, Bộ Tài chính cần cân nhắc kỹ lưỡng mức giảm trừ gia cảnh, tổng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế ở khu vực thành thị khoảng 18-20 triệu đồng là phù hợp. “Hiện tại ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng là không đủ để nuôi bản thân và gia đình cơ bản”, ông Thức nhận định.
Cũng theo ông Thức, Luật Thuế TNCN nên quy định cơ chế linh hoạt điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng tương ứng. Ví dụ, mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế bằng 4 lần lương tối thiểu vùng và người phụ thuộc bằng 1,5 - 2 lần lương tối thiểu vùng. Như vậy, mỗi lần điều chỉnh giảm trừ gia cảnh không cần trình, không cần xin ý kiến, đồng thời có thể linh hoạt điều chỉnh cho từng khu vực thành thị và nông thôn.
Đồng quan điểm, LS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh lương tối thiểu vùng là 4,96 triệu đồng. Với mức này, nếu giảm trừ gia cảnh gấp 4 lần lương thì người lao động phải được giảm trừ 19,84 triệu đồng, thay vì 11 triệu mỗi tháng như dự thảo Luật.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, giảm trừ gia cảnh là mức chi phí để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người đóng thuế và người phụ thuộc. Để giảm trừ gia cảnh không lạc nhịp với chi tiêu, lương thực tế của người dân, Chính phủ nên điều chỉnh khi CPI biến động 5-10% là cần thay đổi mức giảm trừ thuế thu nhập. Với người phụ thuộc, LS. Nghĩa đề nghị ngưỡng giảm trừ nên bằng 50% mức của người nộp thuế, cao hơn tỷ lệ 40% hiện hành.
Riêng đối với biểu thuế lũy tiến đối với thu nhập từ lương, hiện nay trong dự thảo Luật Thuế TNCN sửa đổi, Bộ Tài chính giữ lại khung biểu thuế 7 bậc với thuế suất từ 5-35%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan soạn thảo nên giảm xuống còn 5 bậc thuế và hạ mức thuế tối đa xuống còn 20-25%, mỗi bậc thuế cách nhau 5%. “Thuế suất của bậc 1 phải giảm xuống còn khoảng 1-2%; bậc cao nhất là 20%. Không có lý do gì để thuế TNCN ở bậc 7 hiện là 35%, gần gấp đôi thuế thu nhập doanh nghiệp”, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định.
Theo các chuyên gia, việc giảm số bậc và nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế sẽ đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Điều này giúp người nộp thuế ở bậc đầu tiên, nhất là lao động trẻ, có điều kiện tích lũy thu nhập để đầu tư nâng cao năng lực bản thân và ổn định cuộc sống. Đây là việc cần thiết thay đổi trong bối cảnh giá nhà đất và các chi phí dịch vụ liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân tại các đô thị lớn ngày càng đắt đỏ.