Cần gỡ nút thắt tài chính cho doanh nghiệp, hỗ trợ du lịch phục hồi
Doanh nghiệp vẫn khó khăn về tài chính
Ban VI cho biết: “Cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp vừa quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm, cũng như các doanh nghiệp đã kiên trì chống chọi, nỗ lực duy trì hoạt động suốt thời gian qua, vẫn rất cần có sự trợ lực về tài chính để có thể duy trì hoạt động và phục hồi”.
Phản ánh từ các tổ chức, hiệp hội cho thấy vấn đề này đến từ nhiều lý do, điển hình như: Thiếu vốn lưu động do hậu quả của hơn hai năm đại dịch không có hoặc ít doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền nợ, lãi vay cùng các khoản khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ở mức độ tối thiểu; Chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao do đô la Mỹ tăng ảnh hưởng đến giá hàng hoá nhập khẩu, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất; Giá nhiên liệu tăng cao do xung đột Nga - Ukraine kéo dài làm tăng áp lực lên chi phí vận tải và logistics vốn đã tăng rất cao trong hơn hai năm dịch, kéo theo sự tăng giá của một loạt mặt hàng...
Ảnh minh họa. |
Đáng nói là số lượng và lợi nhuận đơn hàng đầu ra sụt giảm do sự thắt chặt của điều kiện tài chính toàn cầu, cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp đi ở hầu hết các thị trường. Ngoài ra, việc đồng Việt Nam mạnh hơn tương đối so với những đồng tiền khác như yên Nhật hay đồng tiền chung châu Âu (euro) khiến cho các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu tại Liên minh châu Âu hay Nhật Bản chịu nhiều bất lợi do thu về những đồng tiền đang mất giá mạnh.
Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay vì một số lý do các hiệp hội phản ánh như: Quy mô doanh nghiệp hầu hết là vừa và nhỏ nên tài sản đảm bảo của doanh nghiệp thấp, dẫn đến việc các ngân hàng thường không ưu tiên cho các doanh nghiệp này vay; Dòng tiền “tự thân” của các doanh nghiệp cũng nhỏ và không ổn định khiến các doanh nghiệp cơ bản không thỏa mãn được các điều kiện khi muốn tiếp cận những nguồn vay hỗ trợ, vay ưu đãi, vay vốn trung và dài hạn; Ngay cả đối với các doanh nghiệp không gặp vướng mắc bởi hai yếu tố trên thì trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng thương mại cũng không còn nhiều room tín dụng để cho doanh nghiệp vay.
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân phân tích, thực tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam, nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì các doanh nghiệp và hộ kinh doanh này sẽ có nguy cơ phá sản bởi hai lý do: Thứ nhất là không có tiền trả lương cho người lao động và theo đó, doanh nghiệp sẽ mất nguồn nhân lực; Thứ hai là không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới, không thể khắc phục được các hậu quả sau những năm Covid-19 vừa qua.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò như những doanh nghiệp vệ tinh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong quá trình triển khai những dự án trọng điểm của đất nước. Do đó, việc cần thiết lúc này là phải có các biện pháp kiểm soát mức tăng lạm phát một cách hợp lý để nới room tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh nói trên. Nếu không sẽ xảy ra kịch bản trong năm tới là các doanh nghiệp này bị phá sản, không thể tồn tại được, kéo theo suy thoái kinh tế. Như vậy còn nguy hiểm hơn lạm phát.
Từ thực tế này, Ban IV và các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Chính phủ xem xét giải quyết khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp. Trong đó, tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, tín dụng; Giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, mở rộng hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi; Đẩy nhanh các gói hỗ trợ kinh tế, bao gồm gói bù lãi suất bổ sung 40 nghìn tỷ đồng, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho phục hồi nền kinh tế.
Ngoài ra, đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phương án nâng “trần” tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại để ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như du lịch, công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản; bên cạnh mục tiêu kiểm soát kỹ lưỡng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán.
Tăng cường hợp tác công tư, đẩy mạnh tiếp thị du lịch
Mặc dù tổng lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt, gấp 1,3 lần so với mức trước đại dịch của 6 tháng năm 2019. Tuy nhiên, cả nước chỉ mới đón được hơn 600 nghìn lượt khách quốc tế, tương đương 7% mức trước đại dịch do còn đối mặt nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan. Mục tiêu đón trên 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2022 vì thế còn rất nhiều thách thức.
Một số khó khăn đặc thù liên quan đến phục hồi ngành du lịch đã được nhận diện. Đó là thời điểm mở cửa (15/3/2022) rơi vào cuối mùa cao điểm của du lịch inbound (thường từ tháng 10 đến tháng hết 3 hàng năm), đồng thời có sự biến động rất lớn ở một số thị trường khách truyền thống và mục tiêu (do cuộc chiến Nga - Ukraine, do lạm phát ở cả Mỹ và nhiều nước Châu Âu, hoặc do các chính sách thắt chặt Covid-19 từ Trung Quốc, Nhật Bản…) nên hiệu ứng thu hút khách quốc tế còn rất hạn chế.
Khâu truyền thông, xúc tiến, quảng bá chính sách mở cửa du lịch tới các thị trường khách mục tiêu còn hạn chế. Mặc dù Chính phủ có tuyên bố mở cửa du lịch quốc tế chính thức từ ngày 15/3/2022, đi kèm từng bước nới lỏng về quy định y tế đối với du khách nhập cảnh vào Việt Nam sau đó, tuy nhiên các hoạt động truyền thông và xúc tiến cho du lịch Việt Nam ở nước ngoài vẫn đang chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện một cách riêng lẻ, phụ thuộc vào năng lực và mối liên hệ của từng doanh nghiệp, chưa hội tụ được đồng thời nguồn lực và nỗ lực công - tư cho các thị trường khách mục tiêu.
Chính sách thị thực nói chung dù đã được tuyên bố cởi mở như trước dịch Covid-19 tuy nhiên những ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch sau dịch (ví dụ, khách quốc tế ít đi lại, di chuyển, có xu hướng ở dài ngày tại một quốc gia trong khi thời gian miễn thị thực của Việt Nam chỉ tối đa là 15 ngày), chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, các vấn đề như thị thực nhận tại cửa khẩu vẫn phải cần giấy “chấp thuận visa”, cần nhiều loại giấy tờ thủ tục phức tạp hơn so với trước Covid-19; hay thị thực điện tử (e-visa) cũng chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả tự động trên trang web và chưa giải thích lý do vì sao hồ sơ bị từ chối, khiến du khách nhập cảnh vào Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn không đáng có.
Để hỗ trợ ngành du lịch nhanh chóng phục hồi, đặc biệt phục hồi lượng khách quốc tế tới Việt Nam, Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch), các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tăng cường hợp tác công - tư để lên kế hoạch đồng bộ đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra quốc tế, đặc biệt tìm cơ chế phát huy mạnh mẽ vai trò của các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số nước (như Anh, Úc - đã được Hội đồng tư vấn du lịch TAB và các doanh nghiệp du lịch chủ động phát triển bước đầu).
Đồng thời, giao Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện chính sách thị thực/thị thực điện tử theo hướng: Mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan,... nhằm đa dạng hóa thị trường, không để bị lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống, nhất là các thị trường chi phối trong khu vực nhưng du khách chưa sẵn sàng đi du lịch trở lại như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; Tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như thị trường châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý và các nước Bắc Âu) từ 15 ngày lên 30 ngày; Áp dụng thị thực xuất - nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn nhằm thu hút và giữ chân khách ở lại Việt Nam lâu hơn, qua đó tăng doanh thu cho ngành du lịch.
Bên cạnh đó, cần giảm bớt giấy tờ và thủ tục với các doanh nghiệp lữ hành hoặc trực tiếp với du khách, đơn giản hóa thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu để phát huy hiệu quả hơn nữa các hình thức thị thực này.
Ngoài ra, đối với các cải cách tới đây liên quan tới hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, đề xuất Chính phủ tăng cường các chương trình đối thoại, chia sẻ công - tư để doanh nghiệp nhận thức được tác dụng, hiệu quả và gia tăng sự ủng hộ, niềm tin với nỗ lực của ngành.