Cần lập lại trật tự khai thác khoáng sản
Diễn biến phức tạp
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tục diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện và kiên quyết xử lý nhiều vụ, song tình hình vẫn cứ tiếp diễn. Thậm chí, có trường hợp các đối tượng manh động, chống lại người thi hành công vụ, khiến dư luận xã hội bức xúc.
Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm |
Đơn cử, mới đây Chủ tịch UBND huyện Chư Sê (Gia Lai) ra quyết định xử phạt ông Hồ Ngọc Dự và ông Trương Văn Dũng mỗi cá nhân 15 triệu đồng về hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng mà không có giấy phép khai thác khoáng sản. Hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm (hơn 44,8m3 đá xây dựng), buộc ông Dự và ông Dũng thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về hiện trạng ban đầu.
Không những thế, các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép còn có hành vi liều lĩnh, manh động, có đối tượng chống lại người thi hành công vụ. Đơn cử, vào ngày 10/8/2019, tổ công tác của UBND xã Tân Sơn, TP. Pleiku (Gia Lai) tiến hành kiểm tra tại thôn Tiên Sơn 2 giáp ranh với xã Chư Jôr, huyện Chư Păh (Gia Lai). Tổ công tác phát hiện hộ ông Thái Văn Thơm (trú tại Tiên Sơn 2) có dấu hiệu vi phạm về khai thác cát trái phép tại khu vực suối Ia Set, đang thực hiện việc cất máy nổ cùng một số vật dụng khác có liên quan vào lán trại. Lúc này, 5 người có mặt gồm 4 người nhà ông Thơm và 1 người khác.
Khi lực lượng tuần tra nhắc nhở, vợ ông Thơm đã to tiếng với ông Nguyễn Quốc Vinh- Chủ tịch UBND xã Tân Sơn. Sau đó, Thái Hùng Vương (con ông Thơm) có nhiều lời lẽ xúc phạm, đồng thời cầm dao rựa từ trong nhà lao ra chém ông Vinh. Tuy nhiên, Vương đã bị lực lượng chức năng khống chế, tước dao rựa. Sau đó, tên này còn tiếp tục chạy vào nhà lấy xẻng định lao ra đánh nhưng được người nhà can ngăn…
Một trường hợp khác, trong khi tuần tra tại khu vực chân núi thuộc xã Ia Rol, thị xã Ayun Pa (Gia Lai), lực lượng cảnh sát điều tra phát hiện, bắt quả tang hai đối tượng Dương Ngọc Thạch, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) và Đặng Anh Vũ, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, (Gia Lai) đang có hành vi khai thác đá trái phép tại khu vực khuất phía sau chân núi thuộc xã Ia Rol.
Tại hiện trường, có nhiều khối đá lớn đã được đào lên mặt đất và một số được chẻ thành 937 viên chờ chuyển đi. Hai đối tượng khai, ông Nguyễn Phượng (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là người tổ chức việc khai thác đá trái phép nói trên.
Tăng cường công tác quản lý
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pah, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, chính quyền huyện Chư Pah và ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa và xử phạt hành chính đối với người tổ chức khai thác đất san lấp trái phép. Mới đây, UBND huyện Chư Pah phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra hiện trường vụ khai thác đất san lấp trái phép tại thôn 7, xã Ia Nhin và lập biên bản vi phạm hành chính. Sau khi kiểm tra, UBND xã Ia Nhin ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với ông Hồ Minh Phước, số tiền phạt là 5 triệu đồng…
Trước tình hình khai thác khoáng sản trái phép diễn ra phức tạp như thời gian gần đây, chính quyền tỉnh Gia Lai chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường thanh, kiểm tra kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho tổ chức và cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản. Hiện Gia Lai tập trung thực hiện nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Theo cơ quan chức năng, trên địa bàn, hiện có 56 DN đang thực hiện khai thác tại 76 khu vực mỏ được cấp quyền khai thác khoáng sản. Trong đó, có 27 mỏ đá, 25 mỏ cát, 13 mỏ đá ốp lát, 4 mỏ đất sét làm gạch, 1 mỏ đất san lấp, 1 mỏ than bùn… Các DN cơ bản thực hiện đúng các quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính.
Tuy nhiên, một số trường hợp khai thác khoáng sản vẫn còn vượt công suất. Do vậy, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm.
Cùng với đó, ngành chức năng của tỉnh Gia Lai đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, DN được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản lắp đặt trạm cân điện tử và camera giám sát theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai, việc đưa trạm cân điện tử và camera giám sát vào hoạt động góp phần quản lý tốt hơn tài nguyên khoáng sản đã khai thác. Trạm cân được đặt tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực để xác định khối lượng khai thác thực tế của DN. Đối với hệ thống camera hoạt động 24/24 giờ sẽ lưu trữ các thông tin làm cơ sở để kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản.
Thời gian tới, ngành Tài nguyên và Môi trường Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm. Đồng thời, xử lý nghiêm các DN không lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo quy định.