Cổ phiếu ngân hàng - lực đỡ thị trường
Nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường tăng điểm phiên cuối tuần | |
Chứng khoán chiều 21/8: Cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đồng loạt bứt phá |
Mặc dù chịu tác động không nhỏ từ dịch bệnh, nhưng thanh khoản và thị giá các cổ phiếu ngân hàng đều tăng |
Theo dữ liệu của Vietstock, chỉ số của nhóm ngành Ngân hàng trong tháng 8/2020 tăng 27,68 điểm, tương đương tăng 13% so với tháng 7. Mức độ vốn hóa của nhóm ngành này cũng tăng thêm 107.965 tỷ đồng, lên mức 957.035 tỷ đồng (tính đến phiên 31/8), tương đương tăng 13% so với mức 849.070 tỷ đồng của phiên cuối tháng trước 31/7. Trong đó tăng mạnh nhất là VIB khi vốn hóa ngân hàng này tăng mạnh 22%. Tiếp đến là mã HDB tăng 18%; VPB tăng 16%...
Đầu tháng 9/2020, giao dịch cổ phiếu nhóm ngân hàng vẫn diễn ra sôi động với thanh khoản bùng nổ của một số mã và tiếp tục là trụ cột giúp cho chỉ số chứng khoán cán mốc quan trọng. Đơn cử phiên 8/9, nhờ sắc xanh từ các cổ phiếu ngân hàng như: VPB, TCB, EIB, TPB, HDB, MBB, BID, STB đã giúp VN-Index cán ngưỡng 890 điểm. Cổ phiếu ngân hàng cũng đạt khối lượng giao dịch khá cao. ACB đứng đầu bảng thanh khoản với gần 12,3 triệu cổ phiếu được trao tay.
Một trong những lý do quan trọng giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng giữ phong độ được giới chuyên môn đánh giá là nền tảng tài chính vẫn duy trì tốt, thu nhập bền vững. Theo báo cáo của FiinGroup, thu nhập lãi thuần quý II của các ngân hàng niêm yết đã giảm 7,5% so với quý I/2020 do các ngân hàng triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng. Nhưng, điều đáng mừng là nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh các hoạt động ngoài lãi gồm phí, dịch vụ và hoạt động khác. Nhờ đó lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của khối ngân hàng niêm yết tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là động lực tăng trưởng quan trọng đối với các ngân hàng trong thời gian tới.
Theo đánh giá của CTCK BSC, hiện các ngân hàng đã cẩn trọng hơn trong việc quản lý chất lượng tài sản và trích lập. Tỷ lệ dự phòng/cho vay được cải thiện từ 1,32% lên gần 1,4%. Giá trị tài sản đảm bảo cao cũng sẽ giúp ngành Ngân hàng chống chọi với các khoản nợ xấu có thể xảy ra trong thời gian tới. Ngoài ra, theo phân tích của CTCK BSC lãi trước thuế của các ngân hàng hiện nay tương đương 2,4%/tổng cho vay, cùng việc trích lập dự phòng nâng tổng tỷ lệ này lên gần 3,8%. Do đó, ngành Ngân hàng vẫn có khả năng xử lý nếu nợ xấu tăng 1-2% mà không ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu. Nhiều ngân hàng cũng đang duy trì tỷ lệ an toàn vốn cao hơn yêu cầu 8% của NHNN như Techcombank, HDBank, VIB…
Trước tác động từ dịch bệnh Covid chưa dừng lại, kéo theo sự sụt giảm về nhu cầu tín dụng và biên lợi nhuận (NIM) giảm, nhiều dự báo cổ phiếu ngân hàng sẽ đối mặt với áp lực không nhỏ. Vậy, cổ phiếu ngân hàng sẽ chuyển động ra sao trong những tháng còn lại của năm?
Theo đánh giá giới chuyên môn, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn dắt và có sức ảnh hưởng không nhỏ đến TTCK bởi những yếu tố tích cực: tăng trưởng tín dụng dự báo khởi sắc sau hàng loạt các giải pháp từ Chính phủ và hệ thống ngân hàng; Các ngân hàng sẽ thực hiện nới room ngoại theo cam kết tại Hiệp định EVFTA, chuyển sàn của các cổ phiếu ngân hàng sẽ là chất xúc tác giúp cho cổ phiếu ngân hàng thu hút các NĐT.
Tất nhiên, cơ hội trên dành cho tất cả các cổ phiếu ngân hàng mà thị trường sẽ có chọn lọc dựa trên một số chỉ báo quan trọng đánh giá sức hấp dẫn trong đầu tư như chỉ số P/E (thị giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu), chỉ số P/B (thị giá cổ phiếu so với giá trị sổ sách)… “NĐT có thể xem xét một số ngân hàng có mức định giá rẻ, nhưng chất lượng tài sản tốt, hoặc có câu chuyện riêng... để cân nhắc đầu tư tại thời điểm hiện tại”, một chuyên gia phân tích của CTCK MBS nhận định.
CTCK VNDirect khuyến nghị, NĐT xem xét cổ phiếu của các ngân hàng có nền tảng tốt, khả năng tăng trưởng và có mức định giá hợp lý. Đặc biệt, NĐT cần chú trọng những ngân hàng ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản nhiều hơn thay vì quan tâm khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn.
Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KingEng Phan Dũng Khánh cho rằng, chỉ những nhà đầu tư chuyên nghiệp, hiểu biết, có kỹ năng lướt sóng ngắn hạn, chịu đựng rủi ro tốt mới nên đầu tư cổ phiếu nhóm ngân hàng trong thời điểm này. Lý giải cho nhận định, theo ông Khánh, tuy các chỉ số của các ngân hàng đang khá ổn, nhưng các con số đang có là nhờ tích luỹ từ quá khứ. Còn tương lai, những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của ngành Ngân hàng do tác động của Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, việc đầu tư vào nhóm này nên chờ đợi thêm một thời gian khi dịch bệnh vơi bớt và dòng tiền thật sự quay trở lại.