Nâng chất lượng kiểm toán viên độc lập
Luật Kiểm toán độc lập: Cần làm rõ vai trò, trách nhiệm kiểm toán viên Nghề kế toán, kiểm toán trong bối cảnh mới Hướng tới chuẩn mực kiểm toán nội bộ quốc tế |
Nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như đạo đức hành nghề của kiểm toán viên để đáp ứng yêu cầu của thị trường |
Những động thái quyết liệt
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định đình chỉ tư cách kiểm toán viên được chấp thuận kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán đối với 2 kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam. Cơ quan này cũng ra quyết định tượng tự với một kiểm toán viên thuộc Công ty TNHH KPMG. Gần đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ đình chỉ các kiểm toán viên ký báo cáo tài chính của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) do chưa thực hiện đầy đủ thủ tục kiểm toán, chưa thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra ý kiến kiểm toán theo yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán đối với báo cáo.
Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ nhiều kiểm toán viên trong thời gian gần đây nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán viên độc lập sau khi phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng trong các vụ án lớn, khi báo cáo kiểm toán thiếu trung thực góp phần vào hành vi vi phạm. Các động thái quyết liệt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thể hiện nỗ lực cải thiện uy tín ngành kiểm toán trong bối cảnh áp lực gia tăng từ những vụ án tài chính lớn.
Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) sẽ tiếp tục kiện toàn, tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, để hoạt động kiểm toán đi vào trật tự, nề nếp hơn; đồng thời có biện pháp chấn chỉnh để các doanh nghiệp kiểm toán thực hiện đúng các quy định pháp luật về kiểm toán, đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình kiểm toán, kiểm soát tốt đạo đức nghề nghiệp người hành nghề. Các hội nghề nghiệp cũng góp phần tích cực vào việc tăng cường nhân lực có chuyên môn cao cho các doanh nghiệp kiểm toán.
Theo các chuyên gia, động thái này rất đáng hoan nghênh vì những vụ việc gian lận trong kiểm toán báo cáo tài chính do các công ty kiểm toán độc lập thực hiện đã làm gia tăng “sự hoài nghi” của các đối tượng sử dụng thông tin báo cáo tài chính được kiểm toán thông tin không đáng tin cậy.
Trong nghiên cứu gần đây, bà Vũ Thị Vân Anh (Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Hải Phòng) chỉ ra 3 nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của kiểm toán viên độc lập trong thời gian qua. Theo đó, kiểm toán viên độc lập là một ngành nghề mới trong xã hội, Luật Kiểm toán nhà nước mới ra đời, bởi vậy không phải bất cứ đơn vị, cá nhân nào cũng có sự hiểu biết đầy đủ về cơ quan kiểm toán. Từ những nhận thức không đầy đủ, hiểu sai về bản chất, chức năng và nhiệm vụ của kiểm toán dẫn đến sự hợp tác lỏng lẻo, hời hợt.
Hiểu biết về pháp luật chưa đầy đủ cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các hành vi áp đặt kết luận, chủ quan trong xử lý chuyên môn và trong quan hệ xã hội, không phân biệt những ranh giới giữa pháp luật hình sự và quan hệ dân sự, đơn giản hóa những hành vi ứng xử.
Bên cạnh đó, nếu năng lực quản lý chuyên môn của những người quản lý trong hoạt động kiểm toán còn yếu cũng rất dễ đem lại rủi ro cho kiểm toán viên trong cuộc kiểm toán và làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc kiểm toán báo cáo tài chính.
Tăng mức xử phạt để đảm bảo răn đe
GS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng các doanh nghiệp đều có báo cáo tài chính được kiểm toán đầy đủ và đều là công ty có tên tuổi. Thế nhưng, khi cơ quan điều tra vào cuộc thì thấy nhiều thông tin bị làm giả, không đúng thực tế. Những vụ việc này sẽ để lại bài học cho công ty kiểm toán, cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư trong quá trình tham khảo, đọc báo cáo tài chính để tìm hiểu thực trạng của doanh nghiệp.
"Tôi cho rằng cần nâng cao đạo đức của cán bộ kiểm toán và xử phạt nghiêm khắc hơn với các cán bộ tiếp tay cho doanh nghiệp làm đẹp báo cáo, che mắt cơ quan quản lý và nhà đầu tư để trục lợi cá nhân, nếu chỉ xử phạt nhẹ thì kiểm toán viên sẽ không sợ", GS.TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Hiện Dự thảo sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập đề xuất mức phạt tiền vi phạm hành chính tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức (tăng gấp 20 lần so với quy định hiện tại) và thời hiệu xử phạt là 5 năm, nhằm siết chặt hơn nữa chất lượng kiểm toán. Các chuyên gia đều đồng tình với giải pháp này, song việc tăng như thế nào thì cần phải cân nhắc để đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và đảm bảo tương quan chung với các lĩnh vực khác.
Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) đặt câu hỏi về sự phù hợp khi nâng mức phạt trong lĩnh vực kiểm toán lên gần với mức phạt trong lĩnh vực chứng khoán. Mức phạt tiền tối đa mà dự thảo đưa ra so với mức phạt tối đa mà Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định đối với vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập (50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức). Trong khi đó, mức phạt tối đa 1 tỷ đồng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ được áp dụng đối với vi phạm trong một số lĩnh vực đặc thù.
Mặt khác, thời hiệu xử phạt dự thảo đưa ra là 5 năm, trong khi quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thời hiệu xử phạt tối đa là 2 năm. Trong khi đó, mức độ và hậu quả vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ảnh hưởng trực tiếp, ngay lập tức và tới hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu giao dịch.
Bên cạnh đó, một chuyên gia khác cũng nhìn nhân, mức phạt của tổ chức còn hơi thấp so với mức phạt cá nhân nên cần nâng cao hơn và tới mức 3 tỷ đồng như dự kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo. Mức phạt như vậy sẽ nâng tính nghiêm minh trong việc thực hiện trách nhiệm kiểm toán độc lập của công ty kiểm toán, bảo đảm sức răn đe và tương xứng với sự phát triển, quy mô tổ chức kiểm toán độc lập hiện nay, bởi một số công ty kiểm toán lớn có doanh thu lên tới trên 500 tỷ đồng, có đơn vị có thể lên tới 1.000 tỷ đồng.
Dù chính sách tăng mức xử phạt lên bao nhiêu thì trong mọi trường hợp, ông Hoàng Đức Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán viên nội bộ (IIA) cho rằng, các công ty kiểm toán độc lập cung cấp dịch vụ theo hợp đồng nhưng tính độc lập phải được đảm bảo và về nguyên tắc, không bị chi phối bởi lợi ích tài chính từ hợp đồng mang lại.
Về mặt đạo đức nghề nghiệp, kiểm toán viên cũng phải tuân theo những quy chuẩn từ cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội nghề nghiệp và quy định của công ty.
Ngoài ra, các sai sót này thường xảy ra tại các doanh nghiệp kiểm toán nhỏ do không đủ nguồn lực, trong khi phải chịu sức ép về doanh thu, thời gian và phí dịch vụ. Vì vậy, ở vị thế độc lập, các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên cần có trách nhiệm cao hơn, đưa ra những nguyên tắc rõ ràng về tính độc lập.