Tập trung mọi nguồn lực để phát triển NN-NT
Bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, hệ thống Ngân hàng Thái Bình luôn xác định NN-NT là một trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng hàng đầu, đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực này. Cụ thể, ngành Ngân hàng Thái Bình triển khai đầy đủ, kịp thời Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi Nghị định 55 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của NHNN Việt Nam với nhiều giải pháp đặc thù mang tính đột phá.
Nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đầu mối liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã được triển khai. Quy định về quản lý dòng tiền liên kết trong sản xuất nông nghiệp được bổ sung góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và khuyến khích TCTD đẩy mạnh cho vay; một số cơ chế chính sách về khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ; hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg; khuyến khích đầu tư một số lĩnh vực NN-NT theo Quyết định 16/2014/QĐ-UBND…
![]() |
Một trong những giải pháp quan trọng của ngành Ngân hàng Thái Bình là phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội… làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT. |
Bà Phan Thị Tuyết Trinh - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình cho biết, các TCTD trên địa bàn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, Hội sở chính, NHNN Chi nhánh tỉnh, tăng cường huy động vốn, tiết giảm chi phí cho vay, chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực NN-NT. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực NN-NT thấp hơn từ 1%-2% lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác. Các gói sản phẩm tín dụng phù hợp ở khu vực NN-NT ngày càng phát triển. Trong đó mô hình ngân hàng lưu động, điểm giao dịch cấp xã khuyến khích phát triển để đưa vốn tín dụng, cung cấp dịch vụ ngân hàng đến tận tay người dân.
Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tiếp tục triển khai nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn. Giải pháp quan trọng nữa của ngành Ngân hàng Thái Bình thực hiện là phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT.
Song song với đó, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai các quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để doanh nghiệp, người dân khu vực NN-NT được vay vốn thuận lợi với thời gian nhanh nhất giúp hàng trăm ngàn hộ được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng, góp phần giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tín dụng đen.
Với các giải pháp và chính sách đồng bộ trên, tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực NN-NT tỉnh Thái Bình trong những năm qua đã đạt kết quả đáng khích lệ. Các TCTD trên địa bàn đều tham gia cho vay phát triển NN-NT, đáp ứng nhu cầu dịch vụ, tiện ích ngân hàng cho nền kinh tế và đại đa số người dân trên địa bàn tỉnh. Minh chứng qua các con số, về đầu tư tín dụng, dư nợ tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2021 đạt 15,3%. Đến 31/12/2021, dư nợ cho vay NN-NT đạt gần 28.400 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với 31/12/2016, chiếm khoảng 38% tổng dư nợ cho vay…
Về cho vay các chương trình chính sách tín dụng Ngành, tín dụng đặc thù, các đối tượng chính sách dễ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến 31/12/2021, NHCSXH thực hiện 10 chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Trong đó, trên 85% dư nợ cho vay phục vụ phát triển lĩnh vực NN-NT, dư nợ trên 3.330 tỷ đồng; dư nợ cho vay các chương trình nước sạch nông thôn đạt gần 1.300 tỷ đồng...
Nỗ lực đầu tư tín dụng của ngành Ngân hàng Thái Bình đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đối với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2016-2021 đạt 2,5%, năng suất lúa hàng năm ổn định 132 tạ/ha/năm, sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn, đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh, góp phần giữ vững an ninh lương thực quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh giai đoạn 2016-2021 đạt gần 8%.
![]() |
Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất NN-NT và xây dựng nông thôn mới của tỉnh |
Đồng bộ các giải pháp để phát huy hiệu quả chính sách
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ngân hàng nói chung, đầu tư tín dụng phục vụ phát triển NN-NT của tỉnh nói riêng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đơn cử, số lượng doanh nghiệp, trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh phát triển nhưng đa số quy mô hoạt động nhỏ, năng lực quản trị điều hành hạn chế, tài sản bảo đảm để vay vốn chủ yếu là đất ở giá trị thấp, nhiều tài sản gắn liền trên đất chưa được ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do tài sản xây dựng trước đây chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản. Vì vậy, ngân hàng gặp khó khăn khi thẩm định cho vay hoặc cho vay với mức cao hơn đối với các đối tượng này. Do đó, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản trên đất, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh... đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng Thái Bình cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan làm tốt công tác quy hoạch, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm giúp doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh hiệu quả, ngành Ngân hàng yên tâm đầu tư, cho vay…
Về phía hệ thống các ngân hàng, TCTD trên địa bàn, bà Phan Thị Tuyết Trinh - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: Để dòng vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục phát huy hiệu quả, phục vụ sản xuất nông nghiệp và mở rộng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian tới, ngành Ngân hàng Thái Bình tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm.
Một là, tăng cường tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Ngành và của tỉnh về phát triển NN-NT tới các TCTD, doanh nghiệp, người dân nắm bắt, sử dụng dịch vụ ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực NN-NT.
Hai là, phát triển hệ thống Ngân hàng trên địa bàn theo hướng lựa chọn, sàng lọc; khuyến khích, ưu tiên phát triển, mở rộng mạng lưới, điểm giao dịch về địa bàn NN-NT. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hệ thống ngân hàng, lắp đặt máy ATM, hiện đại hóa công nghệ, phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại về khu vực NN-NT.
Ba là, đẩy mạnh huy động vốn thông qua các hình thức tuyên truyền, quảng bá thương hiệu; triển khai đồng bộ các sản phẩm huy động vốn với lãi suất hấp dẫn, kỳ hạn linh hoạt; gắn việc huy động vốn với cho vay theo cụm, xã, tạo thuận lợi cho nhân dân. Đa dạng hóa nguồn vốn hoạt động ngân hàng, vốn điều hòa từ TW, vốn vay các TCTD khác, các nguồn vốn ủy thác, vốn cho vay đồng tài trợ... đảm bảo kịp thời nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển NN-NT.
Bốn là, bám sát định hướng của Ngành, quy mô, khả năng nguồn vốn huy động tiền gửi, khả năng hấp thụ vốn, chủ động đầu tư tín dụng cho nền kinh tế, chú trọng đầu tư tín dụng lĩnh vực NN-NT. Đồng thời thường xuyên nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, cho vay các trường hợp khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp gặp thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng. Từ đó, kiến nghị với NHNN Việt Nam và tỉnh giúp tháo gỡ, xử lý, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư cho vay các chương trình, lĩnh vực, dự án phục vụ đầu tư sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh.
Năm là, NHNN Chi nhánh tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với việc chấp hành các cơ chế, quy chế tín dụng, các quy định an toàn trong hoạt động kinh doanh của các TCTD; chấp hành nghiêm túc nguyên tắc, điều kiện, quy trình, thủ tục cho vay; tăng cường rà soát, phân tích chất lượng tín dụng, kiểm soát trước, trong và sau khi cho vay... đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Sáu là, thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ ngành liên quan hỗ trợ tạo điều kiện trong việc mở rộng đầu tư tín dụng, phát triển mạng lưới, quản lý, sử dụng cán bộ, tập huấn xây dựng phương án, dự án đầu tư cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, chủ trang trại, gia trại... giúp các khách hàng vay vốn thuận lợi, sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bảy là, toàn hệ thống trên địa bàn làm tốt công tác cải cách hành chính; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới tác phong làm việc... nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, nông nghiệp nông thôn nói riêng.
Tuyết Phan
Nguồn: