Giao thông Hà Nội: Đèn đỏ... cũng đi
Hãi hùng...
Ấy chính là cảm nhận chung của những người ngoại quốc, thậm chí cả những người Việt xa quê hương lâu ngày khi “mục sở thị” giao thông ở Hà Nội. “Tôi rất bất bình khi chứng kiến cảnh những người lái xe máy ở Hà Nội, hễ gặp đông xe hay tắc đường là “leo” hết cả lên vỉa hè để đi. Chưa kể đến chuyện nó gây mất an toàn cho người đi bộ, làm hỏng vỉa hè thì đó là những hành vi vô văn hóa”, một Việt kiều Pháp bất bình nói với tôi.
Qua đường tại Việt Nam. Quả là một trải nghiệm sốc với người nước ngoài
Lâu nay, người dân Hà Nội đã chẳng còn lạ lẫm gì với những hình ảnh phản cảm hàng ngày đập vào mắt họ trên đường. Nào thì thanh niên chở 3, thậm chí là chở 4, 5, vượt đèn đỏ và quay lại vẫy tay cười khoái trá chào cảnh sát giao thông. Người không đội mũ bảo hiểm trên đường phố Hà Nội nhiều không đếm xuể và có thể gặp trên bất kỳ con đường nào.
Phụ huynh đỗ xe giữa đường chờ con đi học về và sẵn sàng chở con đi ngược chiều để… về cho nhanh. Người dân có thói quen bấm còi xe inh ỏi. Bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe thì cho cảnh sát giao thông “leo” lên nóc capo ôtô hay sẵn sàng phanh ngực chỉ tay: “Mày có biết tao là ai không?”. Rồi khi có va quệt xe xảy ra thì cả hai bên lập tức “xù lông, giương vây”, đánh chửi nhau loạn xạ.
Những hình ảnh đẹp, những ứng xử văn minh kiểu xe ô tô dừng lại nhường đường cho người đi bộ; hay hai bên cùng xin lỗi, hỏi nhau có sao không mỗi khi có va chạm xe… là vô cùng hiếm hoi ở Hà Nội.
Cảnh tắc đường ở Hà Nội mới thật hãi hùng. Một cảnh tượng hỗn loạn đến phát sợ. Còi xe inh ỏi, ống xả xì khói ầm ầm vào mặt, tranh giành nhau từng centimet đường, không ai thèm nhìn ai, người rẽ ngang, kẻ rẽ dọc, leo lên cả vỉa hè dành cho người đi bộ… mặc kệ cảnh sát giao thông nhiều khi đứng kêu trời bất lực.
Nói riêng về chuyện vượt đèn đỏ, tôi nhớ có lần nghệ sĩ Đào Anh Khánh từng kể rằng, một người bạn ngoại quốc đã chia sẻ “đúc kết” của anh sau một ngày tham quan Thủ đô: “Ở Hà Nội của các anh, đèn xanh được đi, đèn vàng được đi, đèn đỏ cũng có thể được đi”. Nghe câu nói tưởng rất hài hước, nhưng nó là một sự hài hước rất chua chát cho mảnh đất Thủ đô vốn vẫn được người Hà Nội tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế là “mảnh đất ngàn năm văn hiến”.
… và những cái chết oan ức
Chết vì bị đâm từ sau lưng khi dừng xe đợi đèn đỏ, chuyện tưởng thật “điên rồ” nhưng nó lại vẫn xảy ra không ít lần ngay ở Hà Nội. Đơn cử, chiều ngày 9/11, một thanh niên 21 tuổi, một DJ trẻ ở Hà Nội khi dừng xe chờ đèn đỏ ngã tư Bà Triệu - Trần Nhân Tông (Hà Nội) đã bị một chiếc xe “điên” húc từ sau lưng, hất nên nắp capo rồi văng trúng cây bên đường, rơi xuống cách vị trí va chạm hơn 30m và tử vong.
Theo thống kê, mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 30 người chết vì tai nạn giao thông và Việt Nam đứng hàng thứ 11 trên thế giới về những nước có nhiều người chết vì tai nạn giao thông. Mỗi ngày có tới 30 người nhận lấy cái chết đau đớn, tức tưởi không biết có phải từ… trên trời rơi xuống hay do chính đồng loại của mình mang lại.
Đọc những con số thương vong vì tai nạn giao thông đầy ám ảnh nêu trên, bạn, tôi có nghĩ, liệu đã và sẽ có bao nhiêu cái chết tức tưởi của đồng bào mình là do chính những ứng xử thiếu văn hóa khi tham gia giao thông của mình gây ra.
Chúng ta lâu nay vẫn quen đổ cho đường sá chật hẹp, kém chất lượng, quy hoạch giao thông kém, quản lý đô thị tồi… khi có những tai nạn giao thông xảy ra, có ai nghĩ, chính văn hóa giao thông tồi cũng là một nguyên nhân đáng kể gây ra những cái chết thương tâm cho chính đồng bào của mình. Một thanh niên chết vì bị đâm từ sau lưng khi dừng đèn đỏ thì không thể đổ tại đường sá kém chất lượng mà chính là ý thức, văn hóa rất tồi của người lái xe “điên”.
Xin kết thúc bài viết này với một phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giao Thông - Vận tải Đinh La Thăng về văn hoá giao thông cho người dân trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô: Văn hóa giao thông thì ở đâu cũng cần và phải xây dựng bằng được chứ không riêng Hà Nội. Điều kiện quan trọng nhất để an toàn khi đi đường là ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của người dân.
Nhưng muốn có văn hóa giao thông, hiểu như một nề nếp, một thói quen có văn hóa khi tham gia giao thông, cần rất nhiều yếu tố khác tham gia. Đó là tính gương mẫu, sự cảm thông chia sẻ, thói quen quan tâm đến người xung quanh, nhất là với người già, phụ nữ và trẻ em. Nhưng ngay cả trong vấn đề đòi hỏi nề nếp của người tham gia giao thông, chúng ta cũng không được duy ý chí.
Bài và ảnh Hoàng Phương