Hà Tĩnh: Ngân hàng nỗ lực “bơm” vốn cho nền kinh tế
Tạo thuận lợi để khách hàng tiếp cận vốn
Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, thời gian qua, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh luôn có những đóng góp quan trọng tích cực cùng tỉnh nhà thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Trong đó, NHNN chi nhánh Hà Tĩnh đã phát huy tốt vai trò ngân hàng đầu mối, tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh cho các TCTD hoạt động, vừa tạo mối quan hệ phối hợp ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả với các cấp, các ngành ở địa phương…
Trên thực tế, thời gian gần đây, nền kinh tế ở Hà Tĩnh có những dấu hiệu phục hồi tích cực, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang đẩy mạnh thực hiện kế hoạch năm 2024. Đây là điều kiện thuận lợi để các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh tín dụng. Theo đó, các chi nhánh NHTM trên địa bàn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tăng trưởng tín dụng như, đơn giản hóa thủ tục, thời gian cho vay; nâng cao hiệu quả thẩm định để cho vay các khách hàng có phương án kinh doanh khả thi; giảm lãi suất...
Đơn cử, tại Agribank Hà Tĩnh II, đơn vị đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng trưởng dư nợ, cán bộ tín dụng bám sát địa bàn để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Theo đại diện Agribank Hà Tĩnh II, chi nhánh triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ; bám sát chỉ đạo của NHNN, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai các cơ chế, chính sách tín dụng đến người dân một cách nhanh chóng…
Ngành Ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh đang nỗ lực “bơm” vốn cho nền kinh tế. |
Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị cũng thường xuyên chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Đến 31/7/2024, tổng dư nợ cho vay đạt 102.777 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2023.
Trong đó, đối với chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của NHNN, đến 30/6/2024, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 222 lượt khách hàng (17 doanh nghiệp và 205 cá nhân) với tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu là 317,91 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Hữu Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí công nghiệp Đức Tài (TP. Hà Tĩnh) cho biết, công ty chuyên cung cấp các chi tiết máy phục vụ dây chuyền sản xuất cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình… Ngoài ra, doanh nghiệp còn liên kết xuất khẩu các chi tiết máy phục vụ ngành công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp sang thị trường Nhật Bản nên cần nguồn vốn đầu tư khá lớn. Hiện, chúng tôi đang được vay vốn với lãi suất khá ưu đãi, giúp cho chúng tôi có thêm tiềm lực để đầu tư sản xuất, kinh doanh với doanh thu 7 tháng năm 2024 đã tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023…
Mô hình vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi ở huyện Hương Sơn. |
Tương tự, theo đại diện Công ty cổ phần Sao Mai (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) chuyên sản xuất bao bì phục vụ thị trường xuất khẩu tại Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines... từ đầu quý II/2024 đến nay doanh nghiệp đang tăng tốc với các đơn hàng theo hợp đồng đã ký kết. Năm 2024, công ty phấn đấu mục tiêu sản xuất 65 triệu vỏ bao. Quy mô sản xuất gia tăng đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Hiện, công ty đang được Vietcombank Hà Tĩnh cấp hạn mức tín dụng hàng chục tỷ đồng cùng ưu đãi về lãi suất cho vay, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong thời gian qua.
Tín dụng tiếp tục tập trung vào sản xuất, kinh doanh
Nhằm tạo thuận lợi cho các khách hàng, thông qua nhiều hình thức NHNN chi nhánh Hà Tĩnh đã chuyển tải thường xuyên các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng đến các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư; đã thường xuyên phản ánh các vướng mắc, đề xuất các biện pháp tháo gỡ lên cấp trên xử lý. Nhờ vậy, sự đồng thuận của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng đối với hoạt động ngân hàng ngày càng tăng lên.
Đặc biệt, NHNN chi nhánh Hà Tĩnh đã tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan để triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp. Trong đó, đơn vị đã phối hợp với Hội Nữ doanh nhân tỉnh tổ chức chương trình Tọa đàm Cà phê doanh nhân với sự tham gia của đại diện lãnh đạo NHNN tỉnh, đại diện lãnh đạo các TCTD trên địa bàn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Hội Nữ doanh nhân tỉnh với hơn 100 thành viên; Tham dự buổi làm việc giữa UBND huyện Kỳ Anh, NHNN chi nhánh tỉnh, các TCTD có trụ sở/phòng giao dịch tại Kỳ Anh và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại địa bàn huyện; Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các Sở ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân…
Các TCTD ở Hà Tĩnh tiếp tục tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và những dự án, thế mạnh ở địa phương. |
Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù NHNN tỉnh và các TCTD trên địa bàn Hà Tĩnh đã thực hiện các biện pháp giảm lãi suất, triển khai các chính sách ưu đãi của Chính phủ và của UBND tỉnh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn và phục hồi phát triển kinh tế, song nhìn chung mức hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao. Bên cạnh đó, với những tác động của dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, xã hội đã ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng và dẫn đến nợ xấu nội bảng của các TCTD trên địa bàn có xu hướng tăng trong thời gian gần đây…
Chia sẻ nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Văn Trung cho biết, ngành Ngân hàng trên địa bàn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc NHNN, trong đó tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, ngăn chặn tình trạng nợ xấu gia tăng; thực hiện nghiêm túc các mức trần lãi suất huy động, cho vay từng thời kỳ theo quy định của Thống đốc.
NHNN chi nhánh Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện điều hành đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và các dự án trọng điểm ở địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của NHNN.