Hiện đại hóa dịch vụ giao thông từ dịch vụ ETC
Hiện đại hóa dịch vụ giao thông từ dịch vụ ETC |
Khai thác và mở rộng tiện ích cho ETC
Sau nhiều năm đi vào hoạt động, hình thức thu phí một dừng trên cao tốc đã bộc lộ những bất cập. Ông Lê Đình Thọ, Thứ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hình thức thu phí trên cao tốc trước kia đã bộc lộ những bất cập như không tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình sử dụng; gây ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự, tạo môi trường không trong lành ở các trạm thu phí; việc thu phí ở một số trạm không công khai, minh bạch...
Việc chính thức đưa vào khai thác dịch vụ ETC thay thế cho hình thức thu phí cũ trên toàn tuyến được xem là một dấu mốc quan trọng trong việc hiện đại hóa hạ tầng giao thông quốc gia, nâng cao công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.
Sau gần một tháng áp dụng ETC, nhiều chủ phương tiện cũng đã dần quen đón nhận nhiều tiện ích từ hình thức thu phí mới này. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đã có 3,8 triệu phương tiện trong tổng số 4,6 triệu phương tiện trên cả nước đã được dán thẻ ETC, tăng hơn 600.000 phương tiện so với trước thời điểm chưa bắt buộc thu phí không dừng trên cao tốc, đạt tỷ lệ khoảng 83% - hoàn thành sớm mục tiêu Chính phủ giao.
Không dừng lại việc tăng độ bao phủ ETC mà mở rộng tiện ích của ETC với người sử dụng cũng đang được hướng đến. Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ phương án nâng cấp tài khoản giao thông thành trung gian thanh toán được đề xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động (VETC) nhằm đảm bảo lợi ích thiết thực và gia tăng tiện ích cho chủ tài khoản ETC.
Nếu được nâng cấp thanh công, ngoài việc chi trả phí giao thông, tài khoản ETC được sử dụng để thanh toán bãi đỗ xe, phí cảng biển, cảng hàng không, giao thông thông minh, dịch vụ trung gian thanh toán cho tiêu dùng khác. Đồng thời, tài khoản ETC phải tuân thủ quy định về hoạt động ETC của Bộ Giao thông Vận tải và giám sát của Ngân hàng Nhà nước về trung gian thanh toán để tăng cường tính công khai, minh bạch.
Theo lộ trình, VETC sẽ tích cực làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước để sớm hoàn thành và đưa trung gian thanh toán, ví điện tử vào hoạt động. Thời gian để hoàn thành chức năng trung gian thanh toán và ví điện tử dự kiến 6-9 tháng.
Theo các chuyên gia, tài khoản ETC nếu được nâng cấp và chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán thì tính bảo mật tài khoản sẽ được nâng lên gấp đôi. Vì ngân hàng là một trong những ngành tiên phong trong an toàn, bảo mật thông tin cho khách hàng. Do đó, người sử dụng tài khoản ETC cũng sẽ yên tâm hơn vào số tiền được lưu giữ trong tài khoản của mình.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Danh Hiếu, Chủ tịch HĐQT VETC cho rằng, ứng dụng thanh toán số vào giao thông thông minh là xu hướng mạnh mẽ trên toàn cầu vì đặc tính hoạt động giao thông cần an toàn, nhanh chóng và chính xác. VETC nỗ lực nâng cấp và bổ sung tính năng trung gian thanh toán cho tài khoản giao thông và phát triển ví điện tử để mang lại nhiều lợi ích vượt trội đến khách hàng.
Thực tế, tại nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ thu phí điện tử không dừng cũng đang liên tục nâng cấp hệ thống. Đơn cử, Singapore bắt đầu sử dụng hệ thống thu phí đường bộ điện tử ERP (Electronic Road Pricing) từ năm 1998 với đầu tư ban đầu trị giá khoảng 72,6 triệu USD và đang tiếp tục nâng cấp, cải thiện hệ thống lên dùng GNSS sử dụng vệ tinh. Với GNSS, chủ phương tiện có đầy đủ dữ liệu về tình hình giao thông như thông tin bãi đậu xe, đoạn đường đang sửa chữa và chi phí thông qua bộ thiết bị On-board Unit (OBU).
Khắc phục bất cập để thu hút người dùng
Dù mong muốn mang đến nhiều tiện ích để tăng độ phủ sóng của ETC nhưng nhiều người dân cho rằng, ngành giao thông cần xử lý những bất cập, hạn chế để họ tin tưởng, tự nguyện sử dụng dịch vụ thay vì đưa ra quy định dán thẻ ETC mới được đăng kiểm xe để ép buộc họ sử dụng. Anh Nguyễn Quang Vũ (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) chia sẻ, dịch vụ ETC tốt, tiện lợi nhưng đăng kiểm xe là chuyện bắt buộc nếu muốn di chuyển trên đường còn ETC chỉ dùng để qua các BOT trên cao tốc. Do đó, việc sử dụng đường cao tốc hay các công trình BOT giao thông thuộc về nhu cầu cá nhân nên không phải là hạng mục bắt buộc như phí bảo trì đường bộ vì không ít người chỉ sử dụng xe ô tô để đi lại trong nội đô, không có nhu cầu đi lên đường cao tốc.
Hơn nữa, để thu hút người dân sử dụng ETC, các đơn vị cần nhanh chóng khắc phục các lỗi để hệ thống vận hành thuận lợi hơn. Chỉ riêng trong tuần đầu chính thức triển khai hệ thống ETC của 10 tuyến cao tốc đã ghi nhận phát sinh hơn 83.000 lỗi. Trong đó, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có hơn 37.500 lỗi; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gần 1.800 lỗi, cao tốc Nội Bài - Lào Cai có hơn 6.200 lỗi, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hơn 33.600 lỗi...
Để đảm bảo công tác vận hành hệ thống ổn định, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các đơn vị vận hành và các nhà cung cấp dịch vụ khẩn trương khắc phục các lỗi chủ quan của hệ thống thu phí và phải báo cáo kết quả khắc phục những tồn tại; tăng cường nhân lực có kinh nghiệm cho các trạm thu phí trên đường cao tốc; tăng cường nhân viên trực đường dây nóng để kịp thời hỗ trợ cho chủ phương tiện chuyển đổi tài khoản/kích hoạt tài khoản và các tình huống phát sinh; bổ sung các điểm dịch vụ dán thẻ trên các tuyến đường nối vào đường cao tốc...