Hoàn thiện thể chế để vùng Trung du và miền núi phía Bắc cất cánh
Thể chế, quy hoạch và cơ chế hài hòa để thúc đẩy liên kết vùng
“Trước bối cảnh tình hình và các yêu cầu phát triển mới, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết bằng một tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới và hợp tác phát triển mới”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chia sẻ trước thềm Hội nghị với chủ đề “Tiềm năng - Cơ hội - Hợp tác phát triển”.
Là vùng có vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái và quốc phòng - an ninh, đối ngoại của cả nước, Trung du và miền núi Bắc Bộ cũng là vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững.
Trung du và miền núi Bắc Bộ sẽ là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, nhiều tỉnh trong vùng sẽ vào top phát triển khá. |
Cùng với những kết quả đạt được rất lớn trong thời gian qua về phát triển kinh tế - xã hội, thì vùng này cũng còn nhiều tồn tại hạn chế. Nổi lên là liên kết vùng còn yếu vì chưa có thể chế liên kết vùng hiệu lực, hiệu quả. Kết nối giao thông với các vùng có vị trí liền kề như Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội chưa thực tốt khiến giao thương còn hạn chế, chi phí tăng cao, tiềm năng thu hút đầu tư chưa hấp dẫn. Trong khi đó, nhận thức về sự phát triển vùng chưa đồng bộ; sự phối hợp và ý thức thực hiện các nghị quyết, chính sách, chiến lược phát triển… chưa được tốt nên vùng vẫn chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông.
Để thực hiện tốt Chương trình hành động và đạt được mục tiêu, kỳ vọng về sự phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh bốn vấn đề vấn đề rất quan trọng:
Thứ nhất là nâng cao nhận thức, tư duy về liên kết vùng trong vùng để quán triệt các cấp, các ngành, các địa phương, làm sao huy động sức mạnh tập thể của vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương thành sức mạnh chung của vùng. Nhận thức của các cấp, các ngành là rất quan trọng.
“Chúng tôi thấy các cấp ủy đảng các bộ, ngành, địa phương trong vùng phải tiếp tục nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về liên kết vùng. Tư duy ở đây là tư duy phát triển cho cấp vùng, tức là đặt lợi ích của vùng là cao nhất, trên cơ sở phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Thứ hai, việc xây dựng một thể chế phát triển liên kết vùng cho vùng để phát huy tiềm năng lợi thế là hết sức quan trọng. Hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong Chương trình hành động và Nghị quyết 96/NQ-CP của Chính phủ.
Thứ ba là phải xây dựng quy hoạch vùng chất lượng tốt, có tư duy tầm nhìn dài hạn và chiến lược để làm sao phân bổ không gian phát triển, phân bổ nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, sử dụng đất đai hợp lý để phát huy tối đa được tiềm năng, lợi thế của vùng.
Trong quy hoạch vùng, phải xác định được các hành lang, các vùng trọng điểm phát triển của vùng trong giai đoạn tới. Ví dụ hành lang phát triển Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với Thủ đô Hà Nội. Đây là hành lang có nhiều tiềm năng phát triển về lĩnh vực lắp ráp điện, điện tử, cơ khí chế tạo. Trong khu vực này, có nhiều khu công nghiệp, thu hút nhiều dự án FDI quy mô lớn lại có nhiều trường đại học, có nguồn nhân lực chất lượng cao. Với những điều kiện này khi phối hợp được sẽ phát triển rất tốt.
Hay như với một số cực trọng điểm có thể phát huy tiềm năng lợi thế cả vùng như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Sơn La, nông nghiệp chế biến gỗ ở Tuyên Quang… Các bộ, ngành, địa phương sẽ xây dựng đề án cụ thể để trên cơ sở đó đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển hàng lang, cực trọng điểm của vùng.
Thứ tư, với một số lĩnh vực tiềm năng lợi thế của địa phương thì thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất các cơ chế, chính sách hài hòa giữa nguồn thu trung ương và địa phương, với nguyên tắc ngân sách trung ương vẫn là chủ đạo, nhưng các địa phương được để lại mức thu hợp lý để tái đầu tư cho công trình hạ tầng, như liên quan đến chính sách thuế đối với nhà máy thủy điện, nguồn thu từ các khu kinh tế cửa khẩu…
Cần thành lập Hội đồng điều phối vùng
Nghị quyết 11 và Chương trình hành động đặt mục tiêu đến năm 2030, Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện, là hình mẫu phát triển xanh của cả nước. Trong giai đoạn 2021-2030, tăng trưởng GRDP đạt 8,0-9,0%/năm; Đến năm 2030, quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm…
Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc thay đổi tư duy, mỗi địa phương phải có chương trình hành động rất cụ thể. Mỗi địa phương phải ban hành chương trình hành động, làm sao căn cứ vào quy hoạch vùng để xây dựng quy hoạch tỉnh phù hợp với quy hoạch vùng. Bên cạnh đó, khi xây dựng quy hoạch tỉnh có sự liên kết phối hợp với các địa phương khác để phối hợp tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Để điều phối hiệu quả liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của vùng thì phải sớm nghiên cứu thành lập hội đồng điều phối vùng. Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, hội đồng này không phải cấp chính quyền, không phải cấp hành chính, mà là hội đồng giúp Thủ tướng điều phối các hoạt động liên kết vùng, đặc biệt là liên kết các vấn đề cần xử lý mang tính chất liên vùng. Hội đồng này tương tự hội đồng điều phối vùng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch...
Có hội đồng này sẽ điều hòa và điều phối hiệu quả hơn các nguồn lực trong vùng, điều phối các lĩnh vực thế mạnh của vùng. Và điều phối dựa trên quy hoạch vùng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, căn cứ danh mục các dự án liên vùng đã được hội đồng thông qua, cùng nhau huy động các nguồn lực tập trung cho các công trình này.
Bên cạnh sự điều phối của hội đồng điều phối vùng, các bộ, ngành Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng quy hoạch, các đề án, các cơ chế chính sách đặc thù, cũng phải phối hợp với nhau để làm sao có cơ chế phù hợp, trúng và đúng, phát huy tiềm năng, lợi thế để đạt hiệu quả cao nhất.
Với tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới và hợp tác phát triển mới các hành lang và cực tăng trưởng được hình thành dựa trên lợi thế sẵn có của địa phương, tăng trưởng GRDP của “vùng lõi nghèo” Trung du và miền núi phía Bắc sẽ được vực dậy, sẽ trở thành vùng phát triển khá, Thứ trưởng Trần Duy Đông kỳ vọng.
Tháng 2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW. Chương trình hành động đặt ra mục tiêu: - Đến năm 2030, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng Sông Hồng, Thủ đô Hà Nội. - Một số tỉnh trong vùng sẽ nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước. - Vùng sẽ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả cao, hữu cơ, đặc sản; - Phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch; phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước. |