Hướng đến nguồn vốn chứng khoán để chủ động tài chính
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội cho biết, cộng đồng DN của Việt Nam hiện nay có hơn 800.000 DN, các DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ khoảng 98,5%. Với DN như vậy, cách thức tiếp cận nguồn vốn đều qua các hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng.
Với mức vốn vay dao động khoảng từ 3-10 tỷ đồng thì DN đều cần vay các khoản vốn ngắn hạn và trung hạn để trả lương cho hệ thống nhân sự, đầu tư về hệ thống, máy móc, trang thiết bị dài hạn khoảng từ 3-5 năm.
Nhu cầu về nguồn vốn như vậy, các DN đều yên tâm khi hệ thống ngân hàng ổn định trong một thời gian dài sau khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra. Các khoản vốn mà các DN tiếp cận được rất ưu đãi, khoảng 7-10% là tương đối hợp lý.
Nhưng trong khoảng thời gian từ đầu năm 2022 đến nay, xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, các DN gặp khó khăn hơn khi nguồn cung nguyên liệu gặp khó khăn, có nhiều mặt hàng tăng từ 30-40%, đặc biệt là khâu vận chuyển, logistics đều tăng giá… khiến phương án kinh doanh của các DN gặp khó khăn và lợi nhuận trên đầu sản phẩm của các DN đều bị sụt giảm.
“Giai đoạn 2017-2019, lợi nhuận của các DN trên mỗi đầu sản phẩm khoảng từ 7-15% nhưng hiện nay chỉ từ 3-5% và chi phí lại bị tăng cao, dẫn đến DN gặp khó khăn. Đây cũng là bài toán giữa ngân hàng và DN khi tiến hành cung ứng vốn”, ông Quốc Anh chia sẻ trong Talk show Phố Tài chính trên VTV8.
Dưới góc nhìn của mình, ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) cho biết, xét trong 3 năm trở lại đây, trong những năm 2020 và 2021, GDP của Việt Nam cũng như GDP thế giới giảm nhiều, chỉ tăng được khoảng 2% do dịch bệnh. Nghĩa là các DN đều giảm quy mô và giảm các sản phẩm sản xuất ra. Bởi lẽ khi có dịch bệnh, trừ nhu cầu thiết yếu hằng ngày, các nhu cầu khác đều bị giảm dẫn đến đa số các DN cắt giảm nhân sự và nguồn vốn.
Năm 2022 khi nhu cầu phục hồi trở lại, DN trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, vừa có nhu cầu về nhân sự nhiều hơn, vừa có nhu cầu vốn nhiều hơn. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng sau hai năm cũng không thể đáp ứng kịp với nhu cầu quay trở lại này. Bởi vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, các DN đã dùng đến hơn 9% dư nợ tăng trưởng tín dụng trong tổng số 14%. Chính vì thế dẫn đến sự khát vốn tại các DN.
Các chuyên gia cho rằng, nguồn vốn tín dụng chỉ là ngắn hạn phục vụ nhu cầu vốn lưu động cho DN, về lâu dài, DN cần đa dạng các kênh tiếp cận vốn từ thị trường tài chính, thị trường vốn và các kênh đầu tư mạo hiểm khác, đặc biệt trên thị trường chứng khoán.
Theo ông Mạc Quốc Anh, đối với kênh dẫn vốn là thị trường cổ phiếu và trái phiếu, thị trường này chắc chắn nguồn vốn độ mở lớn hơn và không quá áp lực cho các DN liên quan vấn đề về lãi suất và thanh toán nhưng sẽ khó khăn cho DN ở một số khía cạnh.
Thứ nhất, bản thân DN phải rất rõ ràng trong vấn đề minh bạch, công bố về tài chính, kết quả kinh doanh, quản trị dòng tiền, kể cả trả gốc, trả lãi và các vốn vay, khoản nợ đều phải công khai, minh bạch thì mới có khả năng tiếp cận được thị trường này.
Bên cạnh đó, đối với thị trường chứng khoán, nhà đầu tư luôn luôn yêu cầu rất cao với một DN niêm yết, sự tăng trưởng của các DN đều phải minh chứng qua góc độ về lợi nhuận, lãi vay và các khoản trả nợ.
Một khía cạnh nữa là trong công tác quản trị về mặt điều hành, bộ máy quản trị, ban tổng giám đốc, còn phải có chuyên môn cao, có uy tín về mặt đạo đức. “Nhìn chung, việc tham gia thị trường cũng khó nhưng không thể không làm, đặc biệt các DN quy mô vừa”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Ông Lê Long Giang thì cho rằng, kênh huy động nguồn vốn cho DN từ thị trường cổ phiếu và trái phiếu là kênh dài hạn và các DN phải sử dụng vốn đó vào kế hoạch trong thời gian dài. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, nếu các DN cần vốn thì chắc chắn nguồn vốn từ ngân hàng sẽ vẫn thuận lợi và kịp thời hơn bởi nguồn vốn từ thị trường chứng khoán phải có kế hoạch, được phép phát hành và chỉ có thể sử dụng nguồn vốn này từ năm sau.
Thời gian quan, Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị quản lý đã rất mạnh mẽ trong việc minh bạch hóa thị trường, lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, bản thân các DN phải hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả, minh bạch, nghiêm túc, thực hiện đúng pháp luật và không vi phạm đạo đức.
Phía cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát, đánh giá những tổ chức tín dụng, những DN làm nghiêm túc và cả những DN vi phạm để có các giải pháp chặt chẽ như trong thời gian vừa qua, nếu muốn mở rộng mạnh mẽ hơn, có thể kêu gọi thêm các nguồn lực từ các tổ chức tín dụng quốc tế đầu tư thêm vào thị trường.
Thêm vào đó, trong khối liên kết, hợp tác, DN Việt Nam phải chấp nhận một làn sóng mới, đó là M&A giữa các DN, các nhà đầu tư với nhau, đặc biệt cũng phải chấp nhận việc chuyển nhượng các cổ phần, các dự án cho các nhà đầu tư mới để có thể tăng quy mô của DN.
Về nguồn vốn dài hạn cho DN, ông Giang cho rằng, Chính phủ cần thúc đẩy hơn nữa việc phát triển thị trường chứng khoán, cũng như sửa đổi Nghị định 153 liên quan đến trái phiếu DN. Theo thống kê, trung bình các năm trước mỗi năm có khoảng từ 30-40 DN niêm yết lên sàn, nhưng 6 tháng đầu năm 2022 mới có khoảng 9 DN trên tổng số khoảng 17 bộ hồ sơ được đồng ý niêm yết và chuyển sàn, thấp hơn nhiều so với trung bình của các năm trước.
Sau một loạt các động thái rất nỗ lực của Chính phủ làm cho thị trường đã lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư rằng thị trường chứng khoán chính là siêu thị về tài chính, tất cả các hàng hóa ở trên đó đều phải rất chất lượng. Các hoạt động từ nhà đầu tư cho đến các sản phẩm tài chính của DN đưa lên cũng sẽ rõ ràng, minh bạch và đảm bảo hơn.
Ngoài ra, cần phải có những cơ chế để thúc đẩy các nhà đầu tư sử dụng các công cụ tài chính hỗ trợ như quỹ đầu tư và chứng chỉ quỹ. Các quỹ đầu tư lớn và các nhà đầu tư chuyên nghiệp ở trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian dài đều thắng thế vì họ có kiến thức sâu và kiên định về việc đầu tư chứ không đầu tư theo những dòng thông tin không chính thống.
Việc nâng hạng thị trường để thu hút dòng vốn ngoại cũng là một chính sách và một chủ trương rất hợp lý. Rất nhiều các quỹ đầu tư chỉ đầu tư vào những thị trường trong các điều lệ quỹ của họ, họ không đầu tư vào những thị trường chưa đạt độ minh bạch về tài chính. Rất nhiều các quỹ đầu tư với hàng trăm tỷ USD sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam nếu như thị trường Việt Nam được nâng hạng. Việc nâng hạng thị trường Việt Nam không những là sự cố gắng của Chính phủ mà các DN cũng cần phải cố gắng.
Khó khăn trong huy động vốn đôi khi cũng có những thuận lợi làm cho DN chuyển mình hơn. Với DN trong giai đoạn này tôi nghĩ rằng họ sẽ phải chủ động tìm kiếm những nguồn vốn khác ngoài ngân hàng, chẳng hạn như nên tìm đến nguồn vốn thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực đó. Ví dụ như trong chủ trương phát hành năng lượng sạch, đã có một số DN phát hành được những trái phiếu xanh và gọi được nguồn vốn cho DN mà có phát triển năng lượng sạch đó. Nhưng đôi khi các DN lại không biết đến nguồn vốn đó, không biết đến trái phiếu xanh nên họ phải đi vay những ngân hàng truyền thống hoặc những tổ chức khác thì sẽ khó khăn hơn. Ngoài ra, việc nâng cao các kiến thức và các kinh nghiệm quản lý tài chính cũng rất cần thiết. Bài toán tài chính thực chất mới là bài toán khó giải và mang tính chiến lược. Sau những khó khăn này các DN sẽ phải cơ cấu lại, cũng sẽ chủ động hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển đều và phát triển vững của DN. Ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VCFA) |