Hướng tới thị trường kinh doanh khí cạnh tranh và minh bạch
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, ngành công nghiệp khí và thị trường khí đã và đang khẳng định là một thành phần quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Trong giai đoạn 2010-2020, năng lượng khí của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,7% xét trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng, chiếm tỷ trọng 2,3%. Tuy nhiên, xét về cơ cấu năng lượng sơ cấp của Việt Nam, tỷ trọng của năng lượng khí đối với tổng nguồn năng lượng sơ cấp đang có xu hướng giảm, từ 16,1% trong năm 2010 xuống 8,2% trong năm 2020.
Ảnh minh họa. |
Về thực trạng, định hướng phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng khí Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng, Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) cho biết, mạng lưới 54 kho LPG đầu mối và tuyến sau trải dài khắp 3 miền của đất nước đã đảm bảo kênh phân phối LPG được hoạt động trơn tru, không bị đứt gãy nguồn cung khi xảy ra các sự cố cục bộ, khách quan; Với 26 doanh nghiệp đầu mối có chức năng xuất nhập khẩu, phân phối khí đã tăng tính cạnh tranh của hệ thống cung ứng khí đốt, tạo nên thị trường sôi động, lành mạnh trong lĩnh vực kinh doanh khí ở Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay LPG ở Việt Nam được sử dụng chủ yếu cho dân dụng hoặc cho ngành công nghiệp các ứng dụng khác từ sản phẩm LPG còn thấp (như: sử dụng LPG để làm SNG; sử dụng LPG trong công nghệ hóa dầu vẫn còn rất hạn chế), do vậy sản lượng tiêu thụ LPG hiện nay còn rất thấp, dẫn đến quy mô hệ thống kho cảng LPG chủ yếu là nhỏ, năng lực nhập hàng từ các tàu có trọng tải lớn còn hạn chế.
Nhược điểm của hệ thống kho LNG là tồn chứa LNG ở nhiệt độ âm (bể chứa LNG thiết kế ở nhiệt độ -170oC), công nghệ và thiết bị phức tạp, còn mới, ở Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng và vận hành, vốn đầu tư lớn. Tàu vận tải LNG thông thường có dung tích lớn, đòi hỏi phải có các cảng nước sâu để tiếp nhận tàu LNG, đây là khó khăn khi xây dựng kho LNG tại Việt Nam. Trong khi đó, việc xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ kho LNG đến các khách hàng công nghiệp và dân dụng cũng gặp nhiều khó khăn về quy hoạch do thiếu đồng bộ khi các khu công nghiệp được quy hoạch chưa tính đến dành hành lang cho tuyến ống dẫn khí đốt.
Vì vậy, theo ông Giang để đáp ứng được nhu cầu sử dụng khí trong nước, việc nghiên cứu, định hướng phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng khí đốt đóng vai trò rất quan trọng không chỉ đối với lĩnh vực kinh doanh khí mà còn cho cả nền kinh tế; có một định hướng đúng đắn, phù hợp sẽ góp phần đảm bảo việc đầu tư, phát triển có hiệu quả của ngành lĩnh vực, đảm bảo cân đối cung - cầu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, cũng như các chỉ tiêu lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thì cho rằng, cần xây dựng khung pháp lý về hoạt động kinh doanh khí, đảm bảo cạnh tranh và minh bạch. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tiếp nhận nhiều ý kiến góp ý đối với các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh khí của các đơn vị/tổ chức có liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương nhận thấy thực trạng thị trường kinh doanh khí đang tồn tại một số vấn đề nổi cộm. Đó là tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh LPG chai, trạm chiết nạp LPG vào chai chưa có quy định cụ thể trong việc trao đổi, hoàn trả chai LPG hoặc hợp đồng thỏa thuận trao đổi chai LPG không được thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng chiếm dụng chai LPG dẫn đến khó kiểm soát hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, còn tồn tại một số loại hình thương nhân kinh doanh LPG đang hoạt động trên thị trường nhưng chưa được điều chỉnh trong Nghị định; một số quy định chưa thống nhất và rõ ràng về điều kiện kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của các loại hình thương nhân như: thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí; thương nhân sản xuất, chế biến khí và thương nhân kinh doanh mua bán khí... Tình trạng các tổ chức, cá nhân kinh doanh LPG cạnh tranh không lành mạnh bằng cách chiếm giữ, trao đổi, mua bán các loại chai LPG không thuộc quyền sở hữu gây mất ổn định thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.
Trên cơ sở báo cáo đánh giá thực hiện về kinh doanh khí và đề nghị của Bộ Công Thương, ngày 14/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 87/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí theo quy trình, trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thu hút các nguồn vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào hoạt động kinh doanh khí; thiết lập thị trường khí cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả.