Kích thích sức mua, liệu ô tô trong nước có bứt phá?
Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam (VAMA), trong tháng 9/2021, toàn thị trường có 13.537 xe được bán ra, tăng 52% so với tháng trước và giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó có 8.347 xe du lịch, tăng 34%; 4.886 xe thương mại, tăng 108% và 304 xe chuyên dụng, giảm nhẹ 2% so với tháng trước. Nếu xét về nguồn gốc, sản lượng của xe lắp ráp trong nước là 7.316 xe, nhỉnh hơn lượng xe nhập khẩu là 6.221 xe, tăng lần lượt là 37% và 76% so với tháng 8/2021...
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dự kiến vào thời điểm từ giữa tháng 11/2021 trở về sau, lượng tiêu thụ đối với các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng gia tăng bởi mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% phí trước bạ, với thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 15/11 đến hết ngày 15/5/2022. Đây là lần thứ hai Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này. Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành và áp dụng chính sách tương tự từ nửa cuối năm 2020, với mục đích là hỗ trợ nền công nghiệp ôtô trong nước phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.
Việc giảm lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường |
“Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường, kích thích người tiêu dùng mua sắm. Chính sách này cũng được kỳ vọng sẽ làm giảm bớt khó khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước do tác động tiêu cực của dịch bệnh” – chuyên gia nhận định.
Theo VAMA, đây là chính sách cần thiết để giúp kích thích tiêu thụ trong thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh. VAMA đưa ra dẫn chứng trong 6 tháng đầu năm 2020 (thời gian chưa thực hiện giảm 50% phí trước bạ) sản lượng ôtô chỉ đạt khoảng 107.183 chiếc. Tuy nhiên, sau khi được áp dụng giảm lệ phí trước bạ, 6 tháng cuối năm còn lại tổng lượng xe tiêu thụ của cả thị trường đạt 189.451 xe, tăng tới 76% so với nửa đầu năm.
Đại diện một số hãng ô tô trong nước cho rằng, nếu chính sách này được tái áp dụng sẽ giúp các doanh nghiệp tăng doanh số bán và tăng nguồn thu cho ngân sách. Đây là động thái được cho là tích cực trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp đã khiến hàng loạt các nhà máy sản xuất phải đóng cửa vì giãn cách xã hội, ngành sản xuất ôtô gặp khó khăn, doanh số sụt giảm mạnh, nộp ngân sách giảm theo.
Hiện tại, mức thu phí trước bạ được xác định theo từng loại xe và địa phương đăng ký. Giá trước bạ được tính theo công thức là Phí trước bạ phải nộp = Giá tính phí trước bạ (x) Mức thu phí trước bạ theo tỷ lệ (%). Đối với xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống tại khu vực Hà Nội, mức thu phí trước bạ là 12%, tại Hà Tĩnh là 11%, TP. HCM và các tỉnh thành khác là 10%. Riêng đối với ô tô bán tải 5 chỗ trở xuống hoặc có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 1.500kg, mức thu phí trước bạ là 6%, tại Hà Nội là 7,2%.
Như vậy, nếu khi chính sách giảm phí trước bạ 50% có hiệu lực, khách hàng tại TP.HCM mua một chiếc xe bình dân như Toyota Vios 1.5 E MT giá niêm yết 478.000.000 đồng sẽ tiết kiệm được 23.900.000 đồng tiền phí trước bạ, thay vì phải đóng 47.800.000 đồng như trước kia. Còn nếu mua một chiếc xe hạng sang như Mercedes-Benz S450 Luxury lắp ráp trong nước với giá niêm yết 4,969 tỷ đồng sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không hề nhỏ, tương đương 248.450.000 đồng, thay vì phải chi trả 496.900.000 đồng khi chưa giảm phí. Như vậy, khi mua xe ô tô có giá trị càng cao, người tiêu dùng được hưởng lợi càng nhiều vì lệ phí trước bạ giảm theo tỷ lệ thuận với giá trị chiếc xe.
Một số chuyên gia khẳng định, việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ mang lại những tác động tích cực không chỉ đối với khách hàng, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe trong nước mà còn kích thích nền kinh tế. Cụ thể, đối với người tiêu dùng, góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu, làm tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của khách hàng, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập trung bình cao, từ đó khuyến khích nhu cầu sở hữu xe của người dân và kích cầu tiêu dùng. Đối với nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cũng như nối lại chuỗi cung ứng, gia tăng sản xuất.
“Đến nay, dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, số ca nhiễm mới đã thấp hơn nhưng vẫn còn cao. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng đang đe dọa nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực ngành nghề, trong đó có ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, do lượng hàng tồn kho cao, công suất thấp bởi khó duy trì lượng người lao động và sức mua trong nước sụt giảm mạnh. Dự báo, thị trường ô tô không chỉ bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2021 mà có thể còn kéo dài sang những năm tiếp theo. Do đó, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, kích cầu tiêu dùng, trên cơ sở thực tiễn cho thấy việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là cần thiết và phù hợp” - chuyên gia phân tích.