Kinh tế xanh: Không thể chỉ trông chờ vào “nhạc trưởng” Nhà nước
TỔNG THUẬT: Tọa đàm "Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh bền vững" Phát triển kinh tế xanh là mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới |
Lộ trình còn nhiều thách thức, khó khăn
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường…”. Cụ thể hóa chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Cùng với đó, Quốc hội cũng đã ban hành mới, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh…
Từ năm 2021 đến nay, các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp đã triển khai mạnh mẽ quá trình chuyển đổi kinh tế xanh và đã đạt được những kết quả bước đầu, có tác dụng tích cực đối với tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững (PTBV).
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn quá trình chuyển đổi xanh còn gặp nhiều rào cản, điểm nghẽn. Các cơ chế, chính sách, quy định cụ thể hướng tới thực hiện kinh tế xanh chưa được hoàn thiện, mới dừng ở việc đề xuất hướng tiếp cận, chủ yếu tập trung vào tăng trưởng xanh; ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường chưa cao; vấn đề tài chính, nguồn vốn cho phát triển kinh tế xanh còn thiếu; công nghệ sản xuất phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, xử lý chất thải kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Các ngành sản xuất năng lượng sạch phát triển chưa đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu năng lượng quốc gia...
Ngành Ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn
Theo PGS.TS. Hoàng Văn Hoan (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), trong mô hình kinh tế xanh, các bên liên quan bao gồm những chủ thể chính: Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư. Trong đó, Nhà nước vừa có vai trò như người “nhạc trưởng”, phối hợp với các bên liên quan trong phát triển kinh tế xanh, quản lý vĩ mô, kiến tạo quá trình chuyển đổi xanh và phát triển nền kinh tế xanh, vừa trực tiếp tham gia đầu tư phát triển kinh tế xanh… Các doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, giữ vai trò chính yếu trong phát triển kinh tế xanh thông qua hoạt động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh, cạnh tranh trên thị trường sản phẩm xanh, đồng thời cũng là một bên tiêu dùng sản phẩm xanh (tiêu dùng trung gian hay tiêu dùng trong sản xuất, kinh doanh)… Cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội vừa là các bên tham gia hoạt động kiến tạo nền kinh tế xanh, vừa là những nhóm chủ thể chính tham gia thị trường sản phẩm xanh với vai trò là người tiêu dùng sản phẩm xanh (tiêu dùng cuối cùng của dân cư, hộ gia đình). “Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, cần tập trung vào 3 yếu tố chính: môi trường, giảm carbon và phát triển năng lượng tái tạo”, PGS.TS. Hoàng Văn Hoan nói.
Ngành dệt may có thể xem là một ví dụ điển hình cần “xanh hóa”. Dù là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất thế giới, nhưng dệt may cũng là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất trên toàn cầu (vì chuỗi cung ứng sử dụng nhiều tài nguyên và hóa chất, tạo ra lượng lớn chất thải, chất độc hại làm ô nhiễm không khí, nước và đất).
Do đó, theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam, xanh hóa ngành dệt may sẽ giúp giải quyết các vấn đề về môi trường mà ngành này đang gây ra. Đồng thời, các doanh nghiệp cần áp dụng những phương pháp sản xuất xanh, lựa chọn nguyên liệu xanh để tạo ra sản phẩm dệt may bền vững hơn khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính bền vững của sản phẩm, đánh giá ý thức bảo vệ môi trường và đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi chuyển dịch sang sản xuất xanh, ngành dệt may sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm xanh, bền vững cho người lao động, góp phần ổn định đời sống, nâng cao chất lượng làm việc, đóng góp vào công tác an sinh xã hội quốc gia”, ông Trường tin tưởng.
Từ phía các định chế tài chính, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV cho biết, với vai trò là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành Ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG), góp phần thực hiện mục tiêu PTBV. Trong giai đoạn 2017 - 2023, tín dụng xanh tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân hơn 22%/năm. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, thách thức đối với tín dụng xanh. Để thúc đẩy tài chính xanh, một trong những giải pháp được ông Phan Đức Tú đề xuất là xây dựng chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần hoàn thiện khung chính sách cho phát triển thị trường tài chính xanh. Xem xét xây dựng dữ liệu về môi trường làm cơ sở cho việc theo dõi, đánh giá “tiêu chuẩn xanh/bền vững” của các tổ chức phát hành cũng như nhà đầu tư trái phiếu xanh/bền vững.
Cùng với đó, Chính phủ cần sớm ban hành Quy định phân loại và xác nhận dự án xanh, trong đó, cần có sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế cùng với các chính sách ưu đãi tương ứng với các mức độ đáp ứng tiêu chí xanh từ thấp đến cao. Có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn (cả Nhà nước và tư nhân) cho đầu tư xanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình phát hành trái phiếu xanh, cấp tín dụng xanh; Nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển xanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ khoa học và công nghệ; Có chính sách, giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính tiếp cận nguồn tài chính xanh quốc tế…
Theo NHNN, đến ngày 31/3/2024, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh, với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống TCTD và tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2023. Bên cạnh đó, đến nay có đến 47,4% ngân hàng thương mại đã xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 90% TCTD đánh giá rủi ro môi trường với một phần hoặc toàn bộ khoản vay. |