Lấn cấn giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội: “Hiểu thấu” để vĩ mô được lợi |
Cần linh hoạt tuổi hưu theo ngành nghề
Thông tin Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có thể sẽ giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm và tiến tới giảm xuống còn 10 năm đã khiến dư luận xã hội rất quan tâm.
Trên các diễn đàn báo chí và mạng xã hội, hàng triệu lượt ý kiến của công nhân, người lao động đã được ghi nhận. Theo đó, nhiều chuyên gia và người lao động cho rằng, việc giảm số năm đóng BHXH thực tế chỉ có tác dụng mở rộng độ bao phủ của BHXH chứ không phải giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng người lao động ồ ạt rút BHXH một lần.
Trong hai năm 2020-2021 cả nước đã có 4,8 triệu người rút BHXH một lần |
Bà Trịnh Thị Tú Anh, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc giảm số năm đóng BHXH là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, tạo điều kiện cho những người tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được quyền tiếp cận quyền lợi và tiền lương hưu khi về già. Tuy nhiên, theo bà Tú Anh, mô hình kinh tế của Việt Nam hiện nay là mô hình kinh tế thâm dụng lao động. Số lượng lao động chân tay, nặng nhọc ở các ngành nghề như: dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, lắp ráp điện, điện tử chiếm tỷ lệ lớn. Đa số công nhân, người lao động từ 40-45 tuổi sẽ rất khó có cơ hội tiếp tục làm những công việc đòi hỏi có sức khoẻ, trong khi cơ hội tìm việc làm mới rất hiếm. Vì vậy, nhóm lao động này sẽ có xu hướng rút BHXH một lần, bởi họ không thể chờ 10-20 năm để đủ tuổi về hưu và nhận lương hưu hàng tháng.
“Theo tôi, chúng ta cần điều chỉnh linh hoạt, người làm việc ở công sở thì theo quy định nhưng tuổi nghỉ hưu với người lao động chân tay thì không nên quy định cứng”, bà Tú Anh góp ý. Đồng quan điểm, ông Đặng Tấn Đạt, Phó ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động Bình Dương) cũng cho rằng, việc giảm số năm đóng BHXH nhưng vẫn giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng dần sẽ khiến thời gian chờ của người lao động để được nhận lương hưu sẽ kéo dài thêm. “Công nhân trực tiếp sản xuất ngoài 40 tuổi, nếu thất nghiệp, cơ hội tìm được việc làm mới, tiếp tục đóng BHXH sẽ rất khó. Vì thế họ sẽ chọn rút BHXH một lần. Kể cả có giảm thời gian đóng xuống còn 15 năm hay 10 năm thì họ cũng sẽ “chẻ nhỏ” quá trình đóng BHXH để nhận trợ cấp một lần”, ông Đạt nhận định.
Theo nhiều chuyên gia, để giúp người lao động tiếp cận lương hưu thì việc giảm thời gian đóng BHXH là chưa đủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần tính đến một số ngành nghề đặc thù để giải quyết chế độ hưu sớm. Nhiều người lao động trong các ngành nghề may mặc, điện tử, thủy sản tại Bình Dương, Đồng Nai kiến nghị tuổi được phép nhận lương hưu khi đã đóng đủ số năm BHXH nên quy định khoảng 50-55 tuổi. Hoặc đối với những trường hợp đã đóng BHXH đủ hoặc vượt thời gian quy định nhưng chưa đến tuổi hưu, nếu chứng minh được đã tìm mọi cách nhưng vẫn không có việc làm mới, thì BHXH nên xem xét giải quyết trợ cấp trước hưu hàng tháng với tỷ lệ hợp lý.
Gia tăng các chính sách hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động TP.HCM), hiện nay tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu của nhiều nhóm lao động cách khá xa nhau. Đặc biệt là nhóm công chức, viên chức so với nhóm lao động chân tay, trực tiếp sản xuất hàng hóa.
Khảo sát của ngành Công đoàn TP.HCM cho thấy, độ tuổi trung bình của nhóm công nhân ngành may mặc là khoảng 34,4 tuổi. Trong đó, 74% ở độ tuổi 23 đến dưới 42, chỉ 18% ngoài 43 tuổi đang làm việc. Hơn 60% của 1.300 công nhân tham gia khảo sát cho biết sẽ rút BHXH một lần vì không thể tiếp tục tham gia hoặc sợ chính sách thay đổi, đồng thời muốn rút ra để có tiền phụ giúp gia đình. Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần ngoài việc điều chỉnh tuổi hưu phù hợp, linh hoạt đối với từng nhóm ngành nghề thì các chính sách hỗ trợ tài chính cho người lao động cần phải song hành với các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ BHXH. Trong đó, nhà nước cần tạo ra các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp, chẳng hạn ưu đãi về thuế để khuyến khích ưu tiên tuyển dụng và sử dụng lao động lớn tuổi (từ 40 tuổi trở lên).
Đối với các ngành nghề thâm dụng lao động và độ tuổi nghỉ việc của lao động thấp (40-45 tuổi) theo ông Đô, cần có chính sách hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm mới, hỗ trợ học nghề để giúp lao động gia nhập lại thị trường và không chịu áp lực rút BHXH một lần. Theo ông Đặng Tấn Đạt, hiện nay người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu sẽ được hưởng một khoản trợ cấp một lần (cứ đóng vượt 1 năm thì được tính 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH). Mức này là khá thấp. Vì thế, nhà nước nên tăng mức từ 0,5 tháng lên 1,5 tháng để người lao động có thêm thu nhập khi về hưu đúng tuổi và tạo ra sự bình đẳng giữa người hưởng BXHH một lần và tích lũy quá trình để hưởng lương hưu.
Ngoài ra, Luật BHXH sửa đổi cũng có thể tính đến phương án giải quyết trợ cấp trước lương hưu hàng tháng đối với người lao động đã đóng đủ hoặc vượt 20 năm, nhưng chứng minh được là đã tìm mọi cách mà vẫn không có việc làm mới để tiếp tục tham gia BHXH hoặc không còn khả năng tiếp tục đóng BHXH tự nguyện.
Về lâu dài, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng nên tiếp cận vấn đề lương hưu theo tinh thần Nghị quyết 28/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH. Theo đó, hướng tới chính sách hưu trí đa tầng, bao gồm: trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH cơ bản và bảo hiểm hưu trí bổ sung. Mục tiêu làm sao người lao động có thể tính toán được khi về hưu, số tiền thực nhận phải đảm bảo chi trả mức sống tối thiểu.