Mở rộng thị trường trên Hành lang kinh tế Đông - Tây
Lợi thế về cơ sở hạ tầng
Lâu nay, nhiều người từng biết đến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Đây là tuyến hành lang kinh tế dài 1.450 km, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine của Myanmar sau đó đi qua Thái Lan, Lào và vào Việt Nam tại cửa khẩu Lao Bảo và kết thúc tại cảng Đà Nẵng.
Ở trong khu vực hiện cũng đang có một hành lang kinh tế khác nhưng được ít người biết đến hơn, đó là tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây 2 (EWEC 2). Tuyến hành lang này nối từ cảng Đà Nẵng đi qua QL14B, QL14D đến cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam), sang vùng cao nguyên Boloven (Lào) rồi nối tiếp Chongmek - Nakhon - Bangkok (Thái Lan). Trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây 2, việc kết nối giao thương, mở rộng thị trường đang được các địa phương trong nước ra sức tận dụng.
Cửa khẩu quốc tế Nam Giang đã được nâng cấp mở rộng. |
Trong đó, tại Quảng Nam cửa khẩu Nam Giang sau 15 năm mở cửa đã chính thức thành cửa khẩu quốc tế vào năm 2021. Cửa khẩu nằm trên con đường ngắn nhất, được ví như một sinh lộ kết nối Quảng Nam, miền Trung Việt Nam lên vùng cao nguyên Nam Lào trù phú, giao thương rộng mở với đông bắc Thái Lan. So với các cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) và Lao Bảo (Quảng Trị), cửa khẩu Nam Giang đang chiếm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh thu hút hàng hóa. Bởi, nếu giao thương qua EWEC 2 từ Bangkok về Đà Nẵng chỉ khoảng 1.100km, gần hơn 400km khi phải vận chuyển qua cửa khẩu Lao Bảo...
Theo thống kê của Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam, 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Nam Giang đạt hơn 19,6 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng thi công, sửa chữa công trình thủy điện bên Lào; nhập khẩu máy móc, thiết bị tái nhập phục vụ thi công công trình, gỗ, nông sản, tinh bột sắn. Dự báo, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến năm 2025 đạt khoảng 1,16 tỷ USD...
Theo ông Thiều Việt Dũng - Phó ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam, qua các số liệu phân tích, trên EWEC 2 có nguồn hàng rất lớn. Doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển thông quan Cửa khẩu quốc tế Nam Giang ngày càng gia tăng, dễ dàng kết nối cảng biển Quảng Nam thông qua các dự án mở rộng đường, nạo vét, nâng cao năng lực cảng...
Bên cạnh cửa khẩu Nam Giang, thêm một thuận lợi nữa, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng đã và đang phát triển cảng Chu Lai thành cảng container lớn nhất miền Trung. Cửa ngõ trung chuyển quốc tế kết nối Tây Nguyên, Lào, Thái Lan, nhất là nông sản, khoáng sản về Chu Lai để xuất khẩu. Bởi vậy, việc kết nối đầu tư, mở rộng thị trường tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây 2 càng thêm thuận lợi.
Kết nối giao thương chưa như kỳ vọng
Trên thực tế, dù có rất nhiều lợi thế khi nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây 2, song thời gian qua hoạt động thương mại giữa các địa phương trong khu vực miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam và TP. Đà Nẵng với các địa phương Thái Lan hay Lào vẫn chưa như kỳ vọng. Trong khi, ông Hồ Văn Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái - Việt cho biết, các chuỗi siêu thị lớn tại Thái Lan sẵn sàng mở thương vụ, đón hàng của Quảng Nam nói riêng và cả khu vực miền Trung.
Đơn cử, 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Quảng Nam và các đối tác Thái Lan đạt 41,91 triệu USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 15,66 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 26,25 triệu USD. Nhìn chung, thương mại giữa Quảng Nam và các địa phương Thái Lan những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai bên. Mặc dù Thái Lan đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối Asean, không chỉ giao thương hạn chế, đầu tư từ Thái Lan vào Quảng Nam cũng quá ít ỏi. Chỉ có 4 doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư với tổng vốn 43,42 triệu USD vào Quảng Nam, quá ít nếu so với 195 dự án FDI với tổng vốn hơn 6 tỷ USD còn hiệu lực tại địa phương.
Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trong khu vực còn khó tiếp cận thị trường Thái Lan đầu tiên là do việc thiếu thông tin. Ông Lê Văn Tân - Phó giám đốc Công ty TNHH Đông Phương (Quảng Nam) thừa nhận, không thể đưa hàng hóa trực tiếp vào thị trường Thái Lan do thiếu thông tin kết nối, nên chủ yếu qua đơn vị trung gian. Để xuất khẩu hàng hóa sang Thái Lan, Công ty TNHH Đông Phương phải thông qua đối tác trung gian đến từ Nhật Bản. Đặc biệt, hàng hóa Thái đến thị trường Việt nhiều song ở chiều ngược lại, hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước sẽ không dễ dàng đưa hàng hóa của mình sang Thái Lan bởi những hàng rào kỹ thuật khó khăn...
Trước những khó khăn trên, để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây 2, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành cho rằng, các hiệp hội doanh nghiệp trong khu vực và Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt Nam phải dành thời gian trao đổi, bàn bạc và ký kết các bản ghi nhớ hợp tác để thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài. Cả hai bên phải đóng vai trò người kết nối, cung cấp thông tin, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp hai bên phải tích cực trao đổi cụ thể về tiềm năng và thế mạnh của doanh nghiệp, nhu cầu hợp tác cụ thể để thiết lập quan hệ làm ăn lâu dài, ký kết các thỏa thuận, biên bản làm việc; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam chất lượng cao sang Thái Lan, tiến tới tổ chức mạng lưới phân phối hàng hóa Việt Nam tại Thái Lan.
Trong khi đó, ông Hồ Văn Lâm - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt kiều thế giới, Chủ tịch Hội Doanh nhân kiều bào Thái Lan đề xuất, cần sớm xúc tiến hình thành tuyến vận tải hàng hóa kết nối khu vực đông bắc Thái Lan và miền Trung Việt Nam thông qua Lào. Bởi, đây sẽ là tuyến vận tải chiến lược, tạo cơ hội mới để thúc đẩy đầu tư thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan. Tuyến đường sẽ góp phần để hàng hóa từ các địa phương miền Trung đến Thái Lan thuận lợi hơn, cùng với đó, tổ chức được hệ thống phân phối hàng Việt Nam chất lượng cao đáp ứng thị hiếu ở các phân khúc khác nhau tại thị trường rất nhiều tiềm năng như Thái Lan.