Phát triển trái phiếu xanh: Xu hướng trong dòng chảy tài chính
Ông Đào Thanh Quỳnh, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance):
Cần xây dựng bộ công cụ đánh giá về môi trường xã hội
EVNFinance vừa phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh với lãi suất 6,7%/năm, kỳ hạn 10 năm, được bảo lãnh một phần bởi GuarantCo - công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia. Đây là lần đầu tiên thị trường Việt Nam ghi nhận một tổ chức phát hành trái phiếu xanh dựa trên Nguyên tắc Trái phiếu xanh do Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) công bố từ năm 2018. Trái phiếu xanh đang là một xu hướng trong dòng chảy tài chính xanh và có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Bài học kinh nghiệm của EVNFinance từ việc phát hành trái phiếu xanh đó là cần xây dựng bộ công cụ, tài liệu đánh giá về môi trường xã hội gồm: Chính sách môi trường xã hội; khung trái phiếu xanh; hệ thống quản lý Môi trường – xã hội (ESMS) và báo cáo ESG. Hiện công ty đang tiến hành xây dựng bộ báo cáo về Môi trường, Xã hội và Quản trị nhằm hoàn thiện bộ công cụ đánh giá và quản lý về môi trường - xã hội. Ngoài ra, cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các đối tác, tổ chức có uy tín và kinh nghiệm trong phát triển xanh và bền vững. Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư tham gia từ những giai đoạn đầu của giao dịch sẽ giúp họ hiểu được cách tiếp cận của EVNFinance đối với một sản phẩm mới tại thị trường trong nước, góp phần cải thiện mức độ cam kết của nhà đầu tư với giao dịch.
Bà Trần Minh Hiền, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu:
Cần chính sách tạo động lực phát triển trái phiếu xanh
Hiện nay, mức độ hiểu biết và mong muốn được tham gia thị trường trái phiếu xanh của các nhà đầu tư tổ chức và nhà bảo lãnh phát hành tại Việt Nam đang ngày càng tăng. Ở phía các nhà đầu tư, sự sẵn sàng tham gia thị trường trái phiếu xanh khá cao, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Kết quả một khảo sát mới nhất của Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu cho thấy, đến cuối năm 2021 số lượng các NHTM tham gia vào thị trường trái phiếu xanh đã tăng 41% so với năm 2020, trong khi đó sự tiếp cận của các tổ chức phát hành, công ty chứng khoán chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu. Quy mô phát hành cũng đang được cải thiện với 36% tỷ lệ với quỹ tài chính, NHTM quan tâm đến “size” cỡ trung bình là từ 10 – 50 triệu USD thay vì chỉ quan tâm đến các dự án dưới 10 triệu USD như trước kia.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, năng lượng tái tạo là lĩnh vực có tiềm năng nhất để phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên cũng có nhiều lĩnh vực mới nổi như quản lý nước, nông nghiệp bền vững, công trình xanh, giao thông sạch...
Động lực quan trọng nhất của các công ty tư vấn, phát hành tham gia vào thị trường trái phiếu xanh đó là nâng cao hình ảnh và chiến lược rõ ràng của công ty về chuyển đổi xanh và phát triển bền vững; tiếp đến là đa dạng hoá tài sản, chuyển tài sản từ dạng ngắn hạn sang dài hơi hơn… Tuy nhiên, thực tế vẫn đang thiếu chính sách cụ thể để kích thích thị trường trái phiếu xanh phát triển, cả phía ở nhà đầu tư, nhà phát hành… Bản thân các doanh nghiệp cũng thiếu nguồn lực để thực hiện chiến lược phát triển bền vững. Với các nhà phát hành, họ chưa thấy rõ được sự lợi ích của trái phiếu xanh so với trái phiếu thông thường. Do đó chúng ta cần có cơ chế hỗ trợ nhà phát hành cũng như nhà đầu tư trên thị trường.
Ông Kosintr Puongsophol - Chuyên gia tài chính, ADB
Tận dụng các nguồn lực quốc tế
Nhu cầu về tài chính để đạt được mục tiêu phát triển bền vững cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam là rất lớn. Theo tính toán của ADB mỗi năm khu vực này có nhu cầu khoảng 200 tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2030. Đây là số vốn đầu tư không hề nhỏ. Trái phiếu xanh và trái phiếu có liên quan là một giải pháp quan trọng để đáp ứng các nhu cầu đầu tư cho các dự án xanh một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu xanh thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: năng lực của từng quốc gia; chi phí quy trình phát hành trái phiếu; xếp hạng tín dụng và nhận thức rủi ro... Quốc gia nào có mức độ năng lực sẵn sàng tốt thì khả năng phát hành trái phiếu thành công cao hơn.
Đối với Việt Nam, theo tôi, nên tận dụng thêm nguồn lực từ các quỹ, đối tác phát triển để thúc đẩy thị trường tài chính bền vững. Đơn cử như Quỹ xúc tác cơ chế tài chính xanh (ACGF). Từ khi ra mắt vào năm 2019, ACGF đã thu hút được 2 tỷ USD cam kết đồng tài trợ. Đồng thời, Quỹ đã giúp xây dựng một danh mục dài hơn gồm 29 dự án cơ sở hạ tầng xanh và hỗ trợ tư vấn giúp các quốc gia tiếp cận các thị trường vốn thông qua việc phát hành hơn 5,6 tỷ USD trái phiếu xanh.
Hay tham gia Sáng kiến Thị trường Trái phiếu Châu Á ASEAN +3 để tăng nguồn cung trái phiếu bền vững bằng đồng nội tệ trong khu vực ASEAN +3 và thiết lập hệ sinh thái cần thiết để làm cho các công cụ tài chính bền vững dễ tiếp cận hơn và giá cả hợp lý cho tất cả các bên liên quan.