Tăng trưởng tín dụng: “Một bàn tay vỗ không thành tiếng”
Chính sách tiền tệ tạo đà phục hồi cho nền kinh tế | |
NHNN họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020 |
Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, tính đến ngày 29/5 tín dụng tăng 1,96% so với cuối năm 2019, thấp hơn so với mức tăng 5,78% của cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên môn, mức tăng trên là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh cầu tín dụng của nền kinh tế yếu, tăng trưởng giảm mạnh vì dịch bệnh như hiện nay.
Hơn nữa, mặc dù tín dụng chỉ tăng 1,96%, tương đương với lượng tín dụng tăng thêm chỉ là gần 161 nghìn tỷ đồng; song doanh số cho vay đối với nền kinh tế lớn hơn rất nhiều. Số liệu thống kế cho thấy, lũy kế từ 23/1 đến nay doanh số cho vay mới lãi suất ưu đãi để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đạt 978.529 tỷ đồng, tức gấp 6 lần so với số dư nợ tín dụng tăng thêm.
Ảnh minh họa |
Thế nhưng điều đáng nói là vẫn còn không ít ý kiến dường như xem việc tín dụng tăng thấp là trách nhiệm của ngành Ngân hàng mà không thấy hết được những nỗ lực của NHNN, cũng như hệ thống các TCTD trong việc cung ứng vốn để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Bản thân các ngân hàng cũng rất muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, do đây vẫn là mảng kinh doanh mang lại nguồn thu và lợi nhuận chủ yếu cho các nhà băng. Đó chính là lý do mà cách đây hơn chục năm, cuộc đua tăng trưởng tín dụng luôn nóng, tăng trưởng tín dụng có năm lên tới trên 30%, gấp nhiều lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều đó dẫn đến nhiều hệ lụy cho cả hệ thống và rộng hơn là nền kinh tế như đẩy mặt bằng lãi suất tăng cao, nợ xấu tăng nhanh, lạm phát leo thang… Thị trường tiền tệ chỉ thực sự ổn định trở lại khi NHNN khống chế hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm và giao chỉ tiêu tín dụng cụ thể phù hợp với quy mô và năng lực của từng ngân hàng.
Nói như vậy để thấy, tăng trưởng tín dụng luôn là một trong những mục tiêu ưu tiên trong hoạt động của các nhà băng. Nó lại càng trở nên bức thiết hơn khi mà doanh thu, lợi nhuận những tháng đầu năm của các ngân hàng sụt giảm mạnh do tín dụng tăng trưởng thấp. Tuy nhiên “một bàn tay vỗ không thành tiếng”, mong muốn thúc đẩy tín dụng của các ngân hàng khó có thể trở thành hiện thực nếu như khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn yếu như hiện nay.
Trên thực tế, mặc dù mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm xuống rất thấp, các ngân hàng cũng thường xuyên tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn nhiều so với thời gian trước dịch để hỗ trợ doanh nghiệp. Thế nhưng doanh nghiệp vẫn lắc đầu, bởi không biết vay để làm gì khi mà hoạt động sản xuất, xuất khẩu vẫn bị đình trệ vì dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Vì lẽ đó, muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nỗ lực của một mình hệ thống ngân hàng là không đủ, mà điều kiện tiên quyết là phải cải thiện được khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Muốn vậy, cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ khi hoạt động sản xuất - kinh doanh, phục hồi, nhu cầu tín dụng mới tăng.
Hiện tăng trưởng tín dụng đang có xu hướng phục hồi cùng với đà phục hồi của sản xuất kinh doanh khi mà dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát. Thậm chí nhiều chuyên gia kỳ vọng, với các giải pháp hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, khả năng nền kinh tế phục hồi nhanh trở lại là khá lớn. Trong bối cảnh đó, tín dụng sẽ tăng trở lại do nhu cầu về vốn của người dân và doanh nghiệp đang phục hồi và sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Hệ thống ngân hàng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu phục hồi của doanh nghiệp. Thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào, kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo đó, hiện lãi suất mà các nhà băng vay mượn nhau qua đêm chỉ là 0,17%/năm, còn kỳ hạn 1 tuần cũng chỉ là 0,27%/năm, 1 tháng là 1,12%/năm.
Nguồn vốn đã sẵn sàng, lãi suất cũng giảm mạnh, song các ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng được. Bởi các ngân hàng cũng chỉ là trung gian tài chính, nguồn vốn để cho vay được hình thành chủ yếu từ nguồn tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế nên ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng là phải đảm bảo an toàn nguồn vốn này. Vì thế để đẩy tăng được tín dụng, cả phía doanh nghiệp cũng cần nỗ lực.