Thị trường xăng dầu vẫn chưa hết “nóng”
Còn nhiều rối ren
Mặc dù chưa phát hiện tình trạng găm hàng, trữ hàng chờ tăng giá nhưng đã có nhiều trường hợp các cơ sở bán lẻ xăng, dầu viện lý do để nghỉ bán hoặc chỉ bán cầm chừng.
Trong đợt kiểm tra, giám sát 21 cửa hàng xăng dầu ở một số địa phương vừa qua, tại cửa hàng xăng dầu số 2 của Công ty cổ phần Nam Hồng (Đông Anh, TP. Hà Nội), vào thời điểm kiểm tra, nhân viên của cây xăng này cho biết đã hết xăng, chỉ còn dầu. Đội Quản lý địa bàn đã tiến hành lập biên bản ghi nhận tình trạng hết xăng 02 lần vào 02 ngày liên tiếp 1-2/9/2022.
Thậm chí tại Thái Nguyên, Cục Quản lý thị trường của tỉnh đã nhận được công văn báo cáo của một số doanh nghiệp xin tạm dừng bán xăng RON 95-III trong dịp 2/9 vừa qua.
Tăng cường công tác, kiểm tra giám sát các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. |
Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết đang “tiến thoái lưỡng nan”. Thông thường, doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu được tính mức chiết khấu vận tải 250-300 đồng/lít, chiết khấu định mức kinh doanh từ 650-700 đồng/lít. Tuy nhiên, những ngày qua, doanh nghiệp đã bị cắt chiết khấu hoặc chiết khấu mức rất thấp. Việc này khiến doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Theo tính toán, với giá như hiện nay, doanh nghiệp sẽ lỗ từ 600 đồng đến 3.000 đồng/lít xăng dầu bán ra, do đó càng bán thì càng bị lỗ nhưng không bán thì sẽ bị thanh kiểm tra và tước giấy phép kinh doanh.
Để qua mặt các cơ quan chức năng, một số nhà phân phối vẫn giữ nguyên giá chiết khấu nhưng bổ sung thêm phụ thu cước vận chuyển là 200 đồng/lít, chi phí tăng thêm cho nguyên liệu đầu vào của các cơ sở bán lẻ cửa hàng bán lẻ xấp xỉ 1.000 đồng/lít.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của sự bất ổn thị trường xăng, dầu thời gian qua được cho là xuất phát từ tác động của những lần điều chỉnh tăng/giảm giá liên tục, gây ảnh hưởng bất lợi cho doanh nghiệp. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp “chần chừ” để theo dõi giá cả và chỉ nhập khẩu đủ số lượng theo quy định để hạn chế tình trạng “càng bán càng lỗ”.
Trong lúc nguồn cung xăng, dầu trên thị trường có nhiều bất ổn, thì một số doanh nghiệp trong ngành đã bị tước giấy phép kinh doanh vì chưa đáp ứng đủ điều kiện của hệ thống phân phối theo quy định.
Đơn cử, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro), từ năm 2021 đã không có tổng đại lý và đại lý bán lẻ mà có 73 thương nhân nhượng quyền bán lẻ nên Thanh tra Bộ Công thương đã xử phạt vi phạm hành chính và thông báo sẽ thực hiện quyết định tước giấy phép kinh doanh. Đây không phải lần đầu tiên, cơ quan thanh tra đưa ra các quyết định mạnh tay đối với doanh nghiệp cung ứng xăng, dầu, nhưng lần này lại có nhiều ý kiến trái chiều.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc xử lý doanh nghiệp đầu mối xăng, dầu vi phạm điều kiện như đã nêu cần phải được xem xét lại vì theo luật, doanh nghiệp đầu mối không cần thiết phải có mạng lưới phân phối riêng, họ có thể ký hợp đồng nhượng quyền để phân phối xăng dầu.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Saigon Petro cũng lý giải, đại lý bán lẻ và nhượng quyền bán lẻ đều nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của doanh nghiệp đầu mối nên doanh nghiệp này khẳng định đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hệ thống phân phối.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Những tồn tại nêu trên đã gây ra nhiều hệ lụy. Ông Võ Văn Hảo - một thương nhân ở Bạc Liêu cho biết, hệ thống máy cắt và máy kéo của doanh nghiệp mỗi ngày sử dụng trên 200 lít dầu. Để đáp ứng nhu cầu này, trong những ngày qua, ông đã phải mua ở mỗi cửa hàng xăng dầu một ít mới có thể gom đủ nhiên liệu chạy máy.
Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, chi phí nhiên liệu chiếm 30-40% của ngành, giá nhiên liệu bất ổn làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp logistics, vận tải mong muốn cơ quan quản lý thực hiện ngay các biện pháp giảm thuế, ổn định giá xăng, dầu ít nhất hết quý II/2023 để có thể tiếp tục quá trình hồi phục, ổn định sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, một số ý kiến khác cũng đề xuất, cần có phương án căn cơ để ứng phó với biến động giá dầu là tăng dự trữ quốc gia và bảo đảm sản xuất của các nhà máy lọc hoá dầu trong nước.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần cân đối cung - cầu, tạo điều kiện để các đầu mối nhập khẩu xăng dầu hoạt động bình ổn; xem xét tính lại giá cơ sở một cách chính xác, không để doanh nghiệp đầu mối chịu thiệt và chịu những “cú sốc”. Đồng thời, tăng cường công tác, kiểm tra giám sát các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu thường xuyên, liên tục. Từ đó, vừa đảm bảo giá bán, số lượng và chất lượng xăng, dầu, về dài hạn, cần có những chính sách cụ thể để xây dựng và phát triển một thị trường xăng dầu lành mạnh.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả trong lúc thị trường còn nhiều “rối ren” cần được tiếp tục quan tâm đúng mức. Bộ Công an cũng cho biết, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu.
Đồng thời, Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong việc chấp hành các quy định về điều kiện nhập khẩu, lưu kho, vận chuyển, sản xuất, phân phối, lưu thông để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về gian lận đo lường, không bảo đảm chất lượng, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá nhằm trục lợi.