UBTVQH cho ý kiến về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Agribank
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM | |
UBTVQH cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 |
Vốn điều lệ Agribank đang thấp nhất trong nhóm các NHTM Nhà nước
Trình bày tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đoàn Thái Sơn cho biết, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đối với Agribank. Chính phủ đã chỉ đạo NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank.
Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn |
Theo Phó Thống đốc, Agribank có vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank luôn chiếm thị phần lớn nhất hệ thống về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (khoảng 14%); chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông” và triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, Agribank luôn đóng vai trò tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng thời là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên, quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm 31/12/2022 đang ở mức thấp nhất trong nhóm các NHTM có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại khác. Như vậy, với kế hoạch tăng trưởng quy mô vốn hiện nay của các ngân hàng thương mại cổ phần, nếu Agribank không được tăng vốn thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Agribank.
Do đó, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp tăng quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt ở mức tối thiểu 8% theo đúng quy định; đồng thời tạo điều kiện cho Agribank nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời hỗ trợ hộ nông dân, doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh; tăng nộp NSNN, giữ được mức xếp hạng tín nhiệm; góp phần tăng trưởng tín dụng của Agribank và tăng nộp NSNN; để Agribank luôn đóng vai trò tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường trong hoạt động tín dụng lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô. Đồng thời, để đáp ứng các tỷ lệ an toàn quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, Agribank cần phải bổ sung mức vốn tự có là 46.798 tỷ đồng.
Theo đó, căn cứ Luật NSNN, Luật số 69/2014/QH13 (về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp) và Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng. Nguồn bổ sung từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 70/2022/QH15; phần còn lại được bố trí từ nguồn NSNN theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.
Cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tờ trình
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Về hồ sơ đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hồ sơ kèm theo Tờ trình số 171 chưa có dự thảo Nghị quyết và báo cáo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước về nội dung này, do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung hồ sơ theo quy định.
Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương, đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, cập nhật số liệu, nâng cao chất lượng Tờ trình và chuẩn hóa thể thức các tài liệu kèm theo.
Về cơ sở pháp lý và thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank theo Tờ trình phù hợp với chủ trương của Quốc hội. Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn NSNN là bảo đảm cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank liên quan đến Luật NSNN, Luật số 69/2014/QH13 và Luật Đầu tư công. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ quy định của các luật này, bảo đảm đúng quy định trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Về mức vốn và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất của Chính phủ, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng nhằm giúp ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định và cho rằng theo quy định tại Điều 5 của Luật Đầu tư công, việc cấp vốn điều lệ cho Agribank không thuộc đối tượng đầu tư công nên không thể sử dụng nguồn vốn đầu tư công để bố trí tăng vốn.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ tính khả thi của đề xuất; đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank (17.100 tỷ đồng), cũng như khả năng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn sau khi Quốc hội quyết định chủ trương.
Cho ý kiến về tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng một số nội dung còn chưa rõ. Theo đó, đây là trình để Quốc hội quyết định việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay là chủ trương đầu tư vốn điều lệ.
Chủ tịch Quốc hội nói rõ, Quốc hội chỉ quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư; còn quyết định đầu tư là của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội lưu ý thực hiện đúng quy định của Luật NSNN; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để có báo cáo làm rõ và thể hiện rõ trong dự thảo nghị quyết.
Mặt khác, tổng số dự kiến bổ sung vốn hơn 17.000 tỷ đồng nhưng chỉ bố trí từ NSNN hơn 6.000 tỷ đồng, số còn lại chuyển từ xuất cấp. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan làm rõ theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, NHNN, cũng như các vấn đề liên quan đến việc hạch toán, kế toán… Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trình ban hành nghị quyết nhưng hồ sơ trình lại không có dự thảo nghị quyết, gây khó khăn cho UBTVQH xem xét quyết định.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội và UBTVQH thảo luận kỹ lưỡng theo tinh thần nếu thấy đủ điều kiện, cấp bách mà đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ chín, đủ rõ, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao thì đưa vào chương trình để quyết; nếu chưa đạt được yêu cầu thì chưa quyết.
Trình Quốc hội tại Kỳ họp tới
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, cơ sở trình Quốc hội để ban hành Nghị quyết này dựa vào căn cứ khoản 3 Điều 6 của Nghị quyết 43/2022/QH15. Việc bổ sung này sẽ được thực hiện dựa vào Luật số 69/2014/QH13.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật số 69/2014/QH13 của Quốc hội quy định trường hợp đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp đang hoạt động có mức vốn bổ sung tương đương với mức vốn của dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ sẽ quyết định đầu tư bổ sung sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nêu rõ, vấn đề Chính phủ cần phải quyết định chủ trương đầu tư, Quốc hội chỉ quyết định chủ trương đầu tư chứ không phải quyết định đầu tư.
Theo quy định tại Luật Đầu tư công, dự án trên 1.000 tỷ thì phải trình Quốc hội. Do vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc Chính phủ trình Quốc hội nội dung này là có cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ sở pháp lý của việc tăng vốn cho Agribank là tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội giao Chính phủ: “Chỉ đạo xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn NSNN đối với Agribank".
Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 11/NQ-CP Chính phủ đã chỉ đạo: “NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn NSNN".
Về đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022, trong đó đã bổ sung 6.753 tỷ đồng; phần còn lại (10.347 tỷ đồng) nếu Quốc hội cho phép sẽ được bố trí từ nguồn NSNN theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.
Giải trình về các nội dung này, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho biết, về quy trình triển khai, phần tăng vốn theo Nghị quyết của Quốc hội, Quốc hội đã cho chủ trương, đã có nguồn để tăng vốn, theo quy trình thì NHNN sẽ trình Chính phủ quyết định đầu tư. Tuy nhiên, khi tăng vốn như vậy thì phải xây dựng phương án tăng vốn cho 3 năm (2021-2023), mức tăng vốn vượt qua hạn mức nên phải trình Quốc hội xem xét, cho chủ trương để Chính phủ quyết định.
Phó Thống đốc cho biết, trong hồ sơ trình đã báo cáo rõ quy trình theo quy định hiện hành. Sau khi có chủ trương, NHNN sẽ trình Chính phủ quyết định việc tăng vốn và sẽ tiến hành các bước tiếp theo đúng theo các quy định của pháp luật.
Tiếp tục cho ý kiến về phân định thẩm quyền quyết định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần làm rõ theo Luật NSNN và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Trong đó, theo quy định của Luật NSNN thì dù chỉ 1 đồng thì Quốc hội cũng phải có nghị quyết để quyết định và phải có dự toán. Còn việc đầu tư bổ sung vốn cho ngân hàng hay tổ chức có vốn nhà nước thì theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ nội dung trình Quốc hội quyết định. Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tổng mức vốn bổ sung cho Agribank hay chỉ quyết định phần vốn từ nguồn NSNN. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục báo cáo làm kỹ, báo cáo rõ, đề nghị Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước có thêm ý kiến.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn đề nghị được tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo tăng trưởng để đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, đối với việc tăng vốn điều lệ cho Agribank, đây là đối tượng quy định của Luật số 69, trong đó điều 14 quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Vì vậy, cần thực hiện quy trình thủ tục theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Phát biểu ý kiến về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Agribank tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là có cơ sở pháp lý theo Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội...
Liên quan đến phần vốn xin điều chỉnh bổ sung, Chính phủ đã giao cho Agribank chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc gửi hồ sơ, tài liệu liên quan và tính chính xác về nội dung cũng như các số liệu đề cập. Hiện hồ sơ tài liệu chuẩn bị còn thiếu Nghị quyết của Quốc hội, đề nghị cần xem xét và bổ sung cho đầy đủ.
Báo cáo tại phiên họp, Đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết việc tăng vốn điều lệ cho Agribank phù hợp với chủ trương trong Nghị quyết 43, đây là việc cần thiết nhưng cần nghiên cứu kinh nghiệm của các lần bổ sung vốn trước để làm rõ nguốn vốn bổ sung, phương án phân bổ đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Đồng thời NHNN cần rà soát, đảm bảo việc bổ sung nguồn vốn cho Agribank cần đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH thống nhất bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2023 nội dung trình Quốc hội quyết định chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.