UBTVQH xem xét dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính
UBTVQH xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng trình kỳ họp thứ 5 | |
Ngày 9/5 khai mạc Phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Trước khi tiến hành thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có trọng tâm và cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả. Đồng thời, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương, 26 điều. Trong đó, để nâng cao chất lượng của đơn vị hành chính đô thị, góp phần khắc phục bất cập, hạn chế trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, dự thảo Nghị quyết quy định một điều riêng về sắp xếp đơn vị hành chính đô thị, quy định cụ thể các trường hợp sắp xếp đơn vị hành chính đô thị.
Để bảo đảm chất lượng của đơn vị hành chính đô thị và khuyến khích các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính gắn với mở rộng không gian phát triển đô thị, dự thảo Nghị quyết quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị trong từng giai đoạn sắp xếp. Trong mỗi giai đoạn, tuỳ từng trường hợp mà xem xét điều kiện về sự phù hợp với quy hoạch và các tiêu chí về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị cho phù hợp.
Phát biểu gợi ý thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, có một số vấn đề nổi lên cần tập trung. Trong đó, về việc sắp xếp đơn vị hành chính cần được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng do vậy đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này. Cho ý kiến về chất lượng đô thị, quy trình sắp xếp đơn vị hành chính; thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là việc hệ trọng, liên quan đến tổ chức bộ máy, thành lập, sáp nhập ở cấp xã, cấp huyện. Dự thảo Nghị quyết cần chuẩn bị kỹ, tiếp tục nghiên cứu, rà soát thêm để đảm bảo chất lượng cao.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, tại Khoản 1 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết này đang quy định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy định bao gồm các trường hợp thành lập, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên tại Điều 4 về sắp xếp đơn vị hành chính đô thị cấp huyện, cấp xã của dự thảo Nghị quyết lại chỉ quy định hình thức “nhập nguyên trạng” và “điều chỉnh”. Do vậy, để đảm bảo chặt chẽ, đề nghị cần phải làm rõ việc “nhập” và “nhập nguyên trạng” có gì khác nhau hay không.
Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc về sắp xếp đơn vị hành chính. Theo đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương và đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ có những nội dung lớn cần phải xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, cấp có thẩm quyền để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, các cơ quan cần lưu ý thực hiện “đúng vai, thuộc bài, đúng quy trình, thủ tục”. Việc các cơ quan tích cực, chủ động phối hợp từ sớm, từ xa là cần thiết nhưng cần bảo đảm mỗi cơ quan thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các vấn đề về tiêu chí, tiêu chuẩn để sắp xếp gồm dân số và diện tích để làm căn cứ pháp lý cho tổ chức thực hiện. Nội dung sắp xếp đơn vị hành chính đơn thuần là tổ chức lại một cách hợp lý các đơn vị hành chính các cấp huyện, cấp xã cho phù hợp tiêu chí, tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số. Không được đưa vào những đề án thành lập mới đơn vị hành chính, nhất là việc thành lập thị trấn, thị xã, thành phố.
Từ kinh nghiệm tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn trước, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ đã có những đề án thành lập thành phố thuộc tỉnh mà nhập cả một huyện vào, có những tỉnh thành lập một loạt thị xã nhưng thực tế là “vỏ đô thị, ruột nông thôn”, không có kinh phí, không có quy hoạch, không có kế hoạch để nâng cấp chất lượng đô thị. Đây là những vấn đề đã được chỉ ra trong quá trình giám sát để từ đó phát huy những kết quả tốt, những gì chưa tốt cần tiếp tục hoàn thiện.
Nêu rõ nguyên tắc Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có quyền làm khác các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, trừ khi luật pháp cho phép. Do đó đối với những vấn đề lớn cần xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có tổng hợp để xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, còn những vấn đề lớn khác nếu cần thiết phải báo cáo Bộ Chính trị trước khi ban hành nghị quyết cụ thể.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, báo cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 31/01/2023 đã giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản theo thẩm quyền để triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; kịp thời xem xét, ban hành nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các địa phương theo đề nghị của Chính phủ và giám sát việc thực hiện.
Kết luận số 48 cũng giao Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc chỉ đạo Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đạt kết quả tốt.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật, Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu, thực hiện đúng chỉ đạo như trong Kết luận của Bộ Chính trị. Theo đó, Bộ Nội vụ cần báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, để hoàn thiện hồ sơ, lãnh đạo Chính phủ trình lại Đảng đoàn Quốc hội để xem xét quyết định hoặc xin ý kiến Bộ Chính trị nếu cần thiết.